“ … Còn Tôi Phải Nhỏ Lại!”

“ … CÒN TÔI PHẢI NHỎ LẠI!”

Nguyễn Cang HB1
Viết cho Anh Em, người “truyền rao” Ơn Cứu Độ!

Kính gởi người anh em rất thương mến,

Quan sát một số biểu hiện nơi các người anh em và những phản ứng khách quan của xã hội, cùng với một số gợi ý, mà chúng tôi nghĩ là rất xây dựng, rồi sau nhiều băn khoăn, đắn đo, chúng tôi quyết định ghi lại cho chính mình và cho người anh em để rút kinh nghiệm từ đây. 

I. Lý thuyết và thực tế

a. “ Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại! ” Câu nói rền vang đang lúc thanh thế và uy tín của Vị Tẩy Giả nổi lên như cồn “Thầy có phải là Vị Thiên Sai chăng …?” Câu nói thời danh của Vị Tiền Hô, sau khi tự cảm thấy sứ vụ của mình đã kết thúc, đã trở thành kinh điển, kim chỉ nam về sự khiêm tốn chân thành và thật lòng, chủ đề suy niệm thu hút, phong phú và sâu sắc cho vô số các nhà chiêm niệm gương mẫu, cho các nhà đạo đức cao siêu, cho các thế hệ chân tu thành tín, mà nếp sống, cách ứng xử đều là những mực thước cho đời. Thật vậy, đây không phải là khẩu hiệu mị dân, càng không phải là những chiêu thức câu khách rẻ tiền. Thực tế trên hơn 20 thế kỷ sàng lọc đã chứng minh như vậy.

b. Suy ngẫm lại chính mình, chúng tôi thấy mình quá trẻ con, ấu trĩ. Là một giáo viên, sau một năm giảng dạy thành đạt, hay hoạt động có hiệu quả, có lời khen, mình thường muốn nhắc lại, hoặc sâu sắc hơn, tạo dịp, gợi ý cho người khác nhắc lại. Tự mình cảm thấy lâng lâng. Hoặc là sau một buổi dạy thú hút, thành công, buổi dạy kế tiếp, dù biết rất rõ là phải vào phòng khác, được bố trí lớp khác, mình vẫn thường giã vờ vào lại chính lớp mà mình mới dạy qua, để được nhìn thấy những ánh mắt mà mình cho là thán phục, những phản ứng mà mình cho là trân trọng, mà nào có biết đó là những phản ứng ngán ngẫm, những xì xào xua đuổi!

Nhiệm kỳ đã kết thúc, được chuyển đổi đến nhiệm sở mới, lắm người cũng chủ quan nghĩ rằng mình đã để lại vô số ấn tượng đẹp bởi các công trình xây dựng hoành tráng, bởi cách sống nhẹ nhàng thu hút, hay bởi các bài giảng hùng hồn, lôi cuốn, “có lửa”, rồi cứ muốn vãng lai để được nghe một vài ý kiến mà mình cho là đang chê bai, phàn nàn, kêu ca về người đương nhiệm, về hiện tại, rồi lâng lâng sung sướng với những tiếng khen tặng về quá khứ mà mình cho là huy hoàng, có nhiều dấu ấn do mình tạo ra! Nào họ có biết rằng, sự có mặt của họ, dưới mọi hình thức, mọi sinh hoạt, đều tạo ra một bực dọc khó chịu cho người kế vị. Sự hiện diện của họ, cho dù được mời, có thể rất thật tâm tha thiết, cũng vẫn là một chướng ngại vật cho các hoạt động của người đương nhiệm tiếp theo. Phản ứng của người ta trong các tình huống này, tùy theo mức độ, phải được tự giác mà rút ra kinh nghiệm cho mình. Thật là ngây ngô khi nghĩ rằng mọi người đều quí trọng, kính nể, và thán phục, mà quên, hoặc cố tình quên một cách ấu trĩ là sau các sinh hoạt, qua một nhiệm kỳ, có thể có lắm người thương, nhưng chắc chắn không thiếu kẻ ghét, thậm chí con số sau này còn cao hơn, còn nhiều hơn. Chính các phản ứng qua thái độ hoặc lời nói của con số này mới mang đậm chất tiêu cực, vùi chôn một cách nghiệt ngã cho các triển vọng tươi sáng, rạng rỡ ngày mai của mình. Tin cậy vào các lời khen tặng đãi bôi, những “viên đạn bọc đường” được ẩn giấu tài tình, vụ lợi là một ảo tưởng; tự ru ngủ mình, lâng lâng hả dạ vì được người khác đưa đón, mời mọc, hoặc được một vài đấng vị vọng bênh đỡ, vuốt ve … là một sai lầm quá non nớt. Đành rằng “tóc trên đầu của các con đã được đếm cả rồi!”, nhưng cứ hành động một các tùy tiện thoải mái tự nhiên bất kể hậu quả là một liều lĩnh không thể dung thứ vào đâu được. 

II. Phản ứng khách quan

Sau một học phần, học kỳ, hay một năm học, nếu được bố trí vào một cấp lớp cao hơn, danh giá hơn, với thời lượng nhiều hơn, có nhiều thu nhập đáng kể hơn, dĩ nhiên tôi cảm thấy sung sướng, hãnh diện hơn, vì được trân trọng hơn, khả năng của mình được công nhận hơn. Nhưng ngược lại, sẽ là một ê chề, thê thảm, nếu không muốn nói là một bất mãn. Như vậy, mặc nhiên sẽ có những phản ứng thuận lợi, nhưng chắc chắn cũng sẽ phải đối diện với những phản ứng bất lợi. Vấn đề là cách đáp trả của mình.

a. Tích cực

Là được thăng thưởng cất nhắc, lên chức. Trình độ được công nhận, tài năng được trân trọng, đón đưa. Dĩ nhiên, đây là một tưởng thưởng tự nhiên phải có trong một môi trường thần thiêng, lãnh vực thánh thiện đòi hỏi uy tín, cần sự kính trọng, hoặc để vực dậy những ngã lòng nản chí, hay để uốn nắn lại những lệch lạc, chưa chuẫn. Nói cách khác, tất cả đều có mục đích. Đọc cho được chủ tâm đó không quá phức tạp, nhưng cũng không quá đơn giản dễ dàng. Phải tự biết tình trạng hiện tại của mình để có cách tiếp nhận phù hợp và hữu ích.

b. Tiêu cực

May mắn lắm là được giữ nguyên chức đang khi những kẻ khác, kém trình độ hơn, được đào tạo tại một nguồn kém danh giá hơn … lại được cất nhắc, thăng tiến, tung hô. So đo, rồi buồn bực trong những trường hợp này là những tư nhiên, thuộc bản chất con người. Buồn hơn nữa là bị giáng chức, chuyển nhiệm vụ, đổi công tác đến địa điểm thấp kém hơn, ít vinh dự hơn cho dù các Đấng Năng Quyền chủ tâm dùng những từ ngữ thật hoa mỹ để xoa dịu như “sức khỏe quý báu đã có biểu hiện suy giảm, đã qua quá nhiều năm vất vã, đến lúc phải được giảm bớt gánh nặng, phải được nghỉ ngơi để còn kéo dài sự phục vụ hữu ích thêm nữa. Nhà trường, đơn vị, giáo xứ … xin trân trọng ghi ơn …!” 

Thật ra, những nhăn mặt khi đối diện với mình, những nhát gừng khi phải trả lời, những gượng ép khi phải chấp nhận … mà chính mình không đọc được, không nhận ra để có cách xử sự phù hợp là một đáng trách. Càng đáng trách hơn khi nghĩ rằng đó là những vô lễ, coi rẻ mình để rồi tìm cách đáp trả bằng những cực đoan, quá khích của mình, bằng cách dựa vào tiếng nói nặng ký của mình đề xuất chuyển đổi người ta, cho người ta về vườn …. Rồi hả hê với những kết cục đó. Không nghĩ rằng đó là hậu quả đương nhiên cho các “cực đoan” mình đã tạo ra đối với những biểu hiện mà mình chủ quan cho là sai quấy, là kém cỏi, là lếu láo của người anh em. Thật là quá ấu trĩ! Thậm tệ hơn lại tin vào những biểu đồng tình, thậm chí cổ vũ cho các “cực đoan” từ một số đồng minh ít ỏi. An tâm với những chống đỡ như thế là một nông nỗi, một thiếu khôn ngoan, một kém cỏi không thể chấp nhận được. 

III. Đáp trả chủ quan

Khi được lênh trả chỗ thôi chức, thói đời là thu gom, vơ vét cho mình càng cạn càng tốt, nhất là các tiện nghi, vì nghĩ rằng biết đâu những bấp bênh của ngày mai. Người đi kẻ đến đều có cách hành xử như nhau, nên sự việc được cho là đương nhiên.

Nhưng không thể cùng trạng thái nơi “người gieo giống”. Bài học về tinh thần nghèo khó, mà nhất là sự phó thác “vì thợ đáng được trả công” đâu rồi! Mẫu gương rày đây mai đó của Thầy Chí Thánh “con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không chỗ dựa đầu” đã không còn nhớ, hay cố vội quên?

Khi nhận lệnh dời chỗ, chuyển nhiệm sở, một số vị không nhỏ đã bàng bạc hay cụ thể để lộ các biểu hiện, các thái độ đậm chất bản năng tham sân si, hỷ nộ ái ố. Kết bè, kéo phái chê bai, công kích lẫn nhau ngay trên các trang mạng xã hội. Thậm chí, gặp nhau, không muốn nhìn nhau, chớ đừng nói trao nhau câu chào hỏi lịch sự. Thật là bẽ bang! Gương xấu không thể biện minh vào đâu được. Người cũ ra đi, để lại một chơ vơ, thiếu thốn cả đến những vật dụng tối thiểu, như thể người đến sau kế nhiệm là một “kẻ thù bất cộng đái thiên!” Đối lại, kẻ đến sau cũng không vừa – phê bình về nguồn gốc đào tạo, chê bai về trình độ kiến thức, nhận xét tiêu cực về lối sống, về những ứng xử, rồi hạn chế, cấm đoán … cho hả giận! Cả hai đều đã quên rằng mình đang là những đồng nghiệp về thánh thiêng, những “rao giảng” Tin Mừng, từng mạnh miệng lớn tiếng hùng hồn nói về hiền lành và khiêm nhường, về bao dung và tha thứ, về bác ái, hy sinh, và độ lượng “đang khi dâng của lễ, mà sực nhớ mình có điều bất hòa với người anh em, thì hãy …!” Phải theo mẫu gương của Thầy Chí Thánh. Cả hai dường như không còn nhớ tí gì lời nhắn nhủ thánh thiêng ngày lãnh nhận Thánh Chức là “con phải tin điều con đọc, dạy điều con tin, và thực hành điều con dạy.”

Cả hai hoặc vô tình hay chủ tâm xóa sạch dấu vết – công trình dựng xây tô sửa, thời biểu kinh lễ, và thói quen đạo đức hiện có của giáo xứ – âm hưởng của người đi trước, của chính đồng nghiệp mình. Mới nhận nhiệm sở, đã thiết đặt các chức vụ ngay khi hơi ấm của vị tiền nhiệm chưa phai – những chức vụ mà vị tiền nhiệm dè dặt chưa làm, như muốn nhắn tin, hay khai ra rằng “chế độ cũ” quá lạc hậu, trình độ kém cỏi, kinh nghiệm non nớt! Đành rằng mình có quyền, nhưng tất cả đều phản tác dụng. Sự việc không cần gấp gáp vội vàng như vậy. Khả năng phế lập nằm gọn trong tay ta. Kết quả còn lại mới là đáng kể – một nỗi bẽ bàng chua xót! Gương tốt đâu rồi? Đừng ngây thơ cho rằng giáo dân vô tư, không thấy, không biết!

Ngược lại, phải biết vun vén, khỏa lấp cho nhau, tạo danh giá cho nhau, vì cả hai đều cùng được diễm phúc sẻ chia một đặc ân “chẳng phải con đã chọn Ngài, nhưng chính Ngài chọn con trước đó …”, cùng được may mắn tham dự vào cùng một Thánh Chức của Vị Linh Mục Thượng Phẩm Duy Nhất. Làm khác đi là tự mình tách ra khỏi đàn, tự cô lập mình … từ đó, tự tâng bốc mình lên, xa lạ với tự hối, không còn biết cải tà qui chánh … dẫn đến lạc giáo, ly giáo không xa. Lịch sử giáo hội không ít những minh chứng như vậy.

IV. Ảo tưởng và thực tế

Thành đạt trên đường đời như là tài năng, kiến thức, và khoa bảng, kinh nghiệm từng trãi, rồi quyền lực và giàu sang dễ biến con người thành ảo tưởng, dễ khiến con người quên đi thân phận bụi tro thấp hèn của mình. Đành rằng để có được kiến thức hiện tại, để đạt được khoa bảng danh giá đang có, họ cũng đã phải cày ải vất vả. Nhưng họ lại quên rằng tài năng, sức khỏe, thời giờ, nhất là sự thông minh nhạy bén không phải do chính họ cày ải mà có được. Ngay cả khi đã có các dữ kiện kể trên, nếu thiếu đi cơ hội may mắn thì không chắc gì thành đạt. Hãy bình tâm suy gẫm mà khiêm tốn, mà nhỏ nhẹ. Tất cả đã được phú ban miễn phí, nhưng không. Tuy nhiên, không phải không có điều kiện – “phải làm lợi ra thành năm nén khác …!” Phải có trách nhiệm với chính mình, với gia đình mình, mà đặc biệt là với xã hội, với môi trường chung quanh. Lơ là, chểnh mảng với sứ mệnh này – “đem chôn giấu nén bạc …!” sẽ bị quở trách nặng nề …, và bị tống ra nơi tối tăm, ở đó chỉ có ân hận, vì đã muộn … “sẽ phải khóc lóc nghiến răng!”

Như vậy, thành đạt để phục vụ, khoa bảng để dẫn lối chỉ đường, quyền lực để hầu hạ, và giàu sang để sẻ chia. Làm ngược lại bằng những toan tính ích kỷ thu vén, bằng những miệt thị coi thường, bằng những kiêu căng tự phụ, bằng những hạ bệ xúc phạm, bằng những gây tai tạo ác đều phải trả lẽ một cách nặng nề trước Vị Thẩm Phán công minh ngày sau vì đã lệch đường, sai lối đối với chương trình an bài khôn ngoan và yêu thương của Đấng Tạo Thành – Ông Chủ cấp phát.

Mà thực tế, tài năng, khoa bảng dù có ngất ngưởng có thấm vào đâu, chỉ như “một giọt nước lã giữa biển cả kiến thức mênh mông”.  Quyền lực, giàu sang chỉ như mây trôi gió thoảng, chỉ như lau sậy, hoa cỏ …, nhắm mắt xuôi tay, có còn lại gì, có chăng là chỉ “tay công đức trắng trơn nghèo nàn, tay tội lụy ngập tràn chan chứa …!” Chân lý vĩnh cửu ngàn đời chưa bao giờ sai lệch, chưa bao giờ có luật trừ, thế mà lắm người không nhớ, hoặc cố tình quên.

Thực tế, cậy vào khoa bảng, tài năng, và kinh nghiệm của mình, rồi muốn điều khiển từ xa, muốn nối dài bàn tay … chỉ là những ảo tưởng viễn vông, nếu không muốn nói là hoang tưởng! Có chắc gì mình đang là số một? Có chắc gì người khác không bằng mình? Vì có ai chịu thua ai! Có ai mà muốn chịu kẻ khác sai bảo, điều khiển, nhất là điều khiển từ xa? Chính mình cũng không xa lạ gì với cảm giác này.

V. Yêu cầu thực tế

a. Con người xã hội

Không ai là một hòn đảo, mà ngược lại phải sống với, sống cho, và sống vì người khác. Nhu cầu hỗ tương không thể thiếu được. Không một ai được quyền, hay được phép bướng bỉnh và ngoan cố “việc tôi không can gì đến anh, tôi không cần anh!” Trần gian đã vậy, thế giới thần thiêng lại càng không được ích kỷ, cứng đầu, và tự cao như vậy. Mầu nhiệm Các Thánh Thông Công đã chẳng dạy thế sao?
Hỗ tương, liên kết cần có sự trao đổi qua lại. Sinh hoạt trao đổi qua lại chỉ thực sự thanh thản tươi vui khi có được sự thành tâm, tin cậy lẫn nhau. Làm gì có được bằng an trong những đầu óc đầy thế mưu mô, xảo quyệt. Làm gì có được thanh thản tươi vui trong thế giới dẫy đầy những lừa lọc phỉnh gạt, ngập tràn những triệt hạ loại trừ, những nghi kỵ tối tăm. Làm gì có được nụ cười nhẹ nhõm khi trong tâm trí cứ mãi tìm cách đối phó, đương đầu. Mưu mô, toan tính, thủ đoạn thiệt hơn phải tuyệt đối không có chỗ đứng trong sự tương giao này.

b. Uy tín, danh giá, và tiếng thơm

Như vậy, sự thật tâm, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau mặc nhiên phải được đặt lên hàng đầu trong xã hội loài người. Vũ khí không có đối thủ là sự thật. Uy lực của sự thật trường tồn vĩnh cửu. Trong thế giới tranh giành hơn thua, người ta thường phô trương khí giới, súng đạn, đầu tư mạnh mẽ cho quân đội, tin tưởng vào khả năng chiến đấu hùng dũng, tự hào về kho vũ khí tối tân và chiến binh lão luyện …. Tất cả đều qua đi. Tất cả đều có ngày tàn. Giáo hội của Chúa Kitô thì khác, không quân đội, không súng đạn, không hỏa tiển, tàu ngầm, nhưng đã qua hơn 20 thế kỷ, vẫn trường tồn, và sẽ trường tồn vĩnh cửu. Vũ khí duy nhất của Giáo hội là Lời Chân Lý, là Sự Thật. Giáo hội chỉ biết rao giảng Lời Chân Lý, bênh vực cho Chân Lý, và sống chết cho Sự Thật. Không súng đạn, khí giới nào lấn át, tiêu diệt được Sự Thật. Gông cùm, tra tấn, tù tội không giết chết được Sự Thật. Lịch sử của Giáo hội không thiếu những chứng nhân cho chân lý này.

Chính Chân lý, Sự thật đã mang lại cho Giáo hội uy tín, danh giá, và tiếng thơm.

Những “rao giảng Lời Chân Lý” không thể mua đâu được sự bằng an trong tâm hồn – sự thật hiển nhiên này, ngoài việc rập theo con đường Thầy Chí Thánh đã đi, và tuân thủ các Huấn thị của Giáo hội Chúa. Những “rao giảng” cũng đừng quên uy tín để làm chứng, danh giá để phục vụ, và tiếng thơm để hầu hạ, vì “Con Người đến không phải để được phục vụ, mà đến để hầu hạ, và thí mạng sống mình ….”

Do đó, những ý nghĩ, những lời nói, và việc làm với chủ tâm triệt hạ uy tín, danh giá, và tiếng thơm của người anh em cho hả giận chẳng những là trái với ơn gọi làm người, mà còn phản nghịch lại với vai trò chứng nhân, với “thiên chức rao giảng”.

Ngược lại, phải biết vun vén cho nhau – “không chỉ tha 7 lần, mà phải đến 70 lần 7”, “hãy riêng tư nhỏ nhẹ một mình con với nó; nếu nó không nghe …; … mới đi trình với Hội thánh; nhược bằng nó chẳng chịu nghe nữa …!” Nói cách khác, nên sửa sai nếu có với tất cả tâm tình yêu thương thật sự. 

c. “Hãy làm cho người khác những gì …!”

Bản chất con người thích được hơn là mất, muốn thu vào thay vì bỏ ra. Các Đấng bậc, dù quyền cao chức trọng, cũng không thoát khỏi bản chất này. Tuy nhiên, đã dấn thân thề nguyền theo vết của Thầy Chí Thánh, các “giảng rao” không còn con đường nào khác là “hãy làm cho người khác những gì con muốn người ta làm cho con!” Nghĩa là phải đắn đo thận trọng trước mọi ý nghĩ, lời nói, việc làm mình dự tính “trao tặng” cho người anh em. Mình khao khát thành đạt, có được công trình để đời, người anh em mình cũng muốn như vậy. Mình cảm thấy nhức nhối, đau buồn khi bị phê bác nghiêm khắc, chỉ trích nặng lời dù rất rõ ràng hiển nhiên, người anh em cũng vậy …. Mình muốn nhận được lời sửa sai đậm chất dựng xây, ngập tràn tình thương thông cảm, người anh em cũng không khác mình.

Như vậy, lời chỉ dạy của Thầy Chí Thánh phải luôn là hơi thở, là lẽ sống, là mực thước, là kim chỉ nam cho mọi sinh hoạt của người được sai đi, đặc biệt trong việc góp ý sửa sai người anh em. 

d. Trách nhiệm

Trước hiện tượng không chỉ cá biệt này, có người đặt vấn nạn “Ai chịu trách nhiệm? Nhà sản xuất hay sản phẩm?” Trước mắt và trực tiếp là sản phẩm có tì vết. Công bằng mà xác nhận rằng, khi xuất xưởng, sản phẩm đã hoàn chỉnh. Về mặt thiêng thánh, chúng ta có thể nói rằng các sản phẩm, khi xuất xưởng, khi được tung vào đời, đều hoàn hảo, đều “xứng đáng” để được “đặt tay”.

Nhà sản xuất, đặc biệt trong lãnh vực thánh thiêng, xét theo lương tâm, cũng luôn mong muốn sản phẩm của mình, sau một chuỗi sàng lọc, tuyển chọn, đều là những “xứng đáng”.

Vậy, những biến tướng, những biểu hiện không đẹp, đậm chất tham sân si, do đâu mà ra?

Thường, những sản phẩm bị lỗi phải chịu lấy trách nhiệm trực tiếp, mà kết cục phải đến, không chóng thì chầy, nếu không tự mình bồi đắp bổ khuyết, sẽ bị đào thải. Thật là chua xót! Đối với sản phẩm vật chất, sẽ được pha chế lại để làm thứ phẫm rẻ tiền. Dù sao, cũng không trở thành vô dụng lắm. Nhưng các sản phẩm thần thiêng, thì bi đát vô cùng, phải lê lết một cách nặng nề. Lui không được, mà tới thì quá gượng gạo hình thức, ngập đầy những mặc cảm – trở thành vô dụng và gánh nặng cho người khác, gây tai tiếng, hủy hoại uy tín ngàn đời của các tiền bối!

Còn xưởng sản xuất, nhà đào tạo, có trắng tay, vô can? Về mặt vật chất, người ta thanh thản khi hết thời hạn bảo hành. sản phẩm có được sửa sang lại, hay trở thành phế liệu, không còn là một băn khoăn cho nhà sản xuất. Nhưng về mặt thánh thiêng thì không được như vậy – không có thời hạn bảo hành, mà phải suốt đời! Thậm chí, cả đến khi sản phẩm đã nhắm mắt, xuôi tay, nhà đào tạo cũng không an lòng. Truy tìm nguyên nhân, phải chăng trong quá trình đào tạo, sản phẩm đã khéo léo tài tình luồn lách, được chống lưng bênh đỡ …? Phải chăng thời lượng đào tạo ngày nay quá ngắn, quá gấp gáp, vì yêu cầu, tiêu chuẫn thì nhiều nhưng thời lượng thì có hạn? Phải chăng nội dung, chương trình đào tạo đã xưa cũ, không còn đuổi kịp với sự tiến bộ quá nhanh của văn minh xã hội, trước các dòng tư tưởng cổ vũ cho hưởng thụ, cho loại trừ? 

VI. Kết luận

Sau khi được kiểm tra cẩn thận, được soi chiếu qua một hệ thống dò xét rất khoa học về kỹ thuật, được dán nhãn đạt chuẩn, sản phẩm vật chất đường bệ xuất hiện trên thị thường. Không tì vết. An toàn về chủ quan. Nhưng không phải vĩnh cửu, đời đời, vì phải đối mặt với vô số tác đông khánh quan – thời tiết nóng lạnh, nhiệt độ cao thấp, môi trường lành sạch hay ô nhiễm …, mà nghiệt ngã nhất là thời gian! Chính vì vậy mà sản phẩm được hạn định bảo hành kèm theo. Bị hỏng hóc chủ quan sẽ được sửa chữa miễn phí, hoặc được đổi lại.

Sản phẩm con người, cách riêng người-anh-em rao truyền Ơn Cứu Độ, thì không như vậy. Mặc dù cũng phải trải qua sàng lọc, kiểm nghiệm cực kỳ nghiêm túc thận trọng, được đóng dấu chứng thực “xứng đáng” trước khi xuất xưởng. Sản phẩm cũng phải đương đầu với những khách quan như các sản phẩm vật chất, chỉ khác là tùy thuộc vào cách tự chuẩn bị mình, mức độ tự giác tiếp nhận, mà những khách quan đó nghiệt ngã đáng nguyền rủa, hay là ân sủng đáng khao khát ước mơ. Trung thành và tự giác với những nề nếp khi được đào tạo – những tường rào kiên cố để tự bảo vệ mình khỏi bão táp tàn khốc của trần gian – như dâng lễ, nguyện gẫm, chầu Thánh Thể, chuỗi Mân Côi, kinh Nhật tụng, tĩnh tâm, kiểm điểm hồi tâm hằng ngày, và quyết chí sửa sai thì chắc chắn các khách quan sẽ không là những đắng cay, nghiệt ngã! Một khác biệt cực kỳ quan trọng với sản phẩm vật chất nữa là không có thời hạn bão hành, mà muôn đời vì “Con là Linh mục đời đời theo phẩm hàm Melchisedech!” Thời gian có bào mòn, thời tiết có sáng nắng chiều mưa, nhưng ý thức, tự giác, và quyết tâm phải ngời sáng và vững bền như ngày đầu tiên. Tự ý tìm dịp, tạo cớ cho những chước giảm là tự chuốt lấy những đắng cay, nặng nề, lê lết, và buồn thảm về sau.

Kính chúc an bình, thanh thản, nhẹ nhàng phủ kín cuộc đời hiến tế của người anh em!

Nguyễn Cang HB1

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.