CÁC BIỂU TƯỢNG VÀ VIỆC HUẤN GIÁO
I. BIỂU TƯỢNG CHỈ THỰC TẠI VƯỢT LÊN TRÊN BIỂU TƯỢNG
“Trong đời sống con người, các dấu chỉ và các biểu tượng chiếm một vị trí quan trọng. Con người, một hữu thể vừa thể xác vừa tinh thần, diễn tả và cảm nhận các thực tại tinh thần nhờ các dấu chỉ và các biểu tượng vật chất. Với tính cách là hữu thể có tính xã hội, con người cần các dấu chỉ và các biểu tượng để giao tiếp với tha nhân qua ngôn ngữ, cử chỉ, hành động. Tương quan giữa con người với Thiên Chúa cũng thế. Thiên Chúa nói với con người qua thụ tạo hữu hình. Vũ trụ vật chất phô diễn trước trí tuệ con người để con người đọc được nơi vũ trụ những dấu vết về Đấng Sáng Tạo. Ánh sáng và bóng tối, gió và lửa, nước và đất, cây cối và hoa trái đều nói về Thiên Chúa, và là biểu tượng thể hiện sự cao cả và gần gũi của Thiên Chúa. Vì được Thiên Chúa tạo dựng, các thực tại khả giác này có thể trở thành phương tiện diễn tả hoạt động của Thiên Chúa thánh hóa con người và hoạt động của con người thờ phượng Thiên Chúa. Cũng vậy, các dấu chỉ và các biểu tượng trích xuất từ đời sống xã hội - như tẩy uế, xức dầu, bẻ bánh và uống chung ly rượu - có thể diễn tả sự hiện diện thánh hóa của Thiên Chúa và bày tỏ lòng biết ơn của con người đối với Đấng Sáng Tạo” (GLHTCG 1145-1148).