TRÁCH NHIỆM
Trách nhiệm là cảm thức chấp nhận hay lãnh chịu các hậu quả về những gì mình đã gây ra, không chỉ là việc làm mà còn cả về ý nghĩ và lời nói nữa. Chịu trách nhiệm với ai, về ai, và về việc gì. Như học sinh, sinh viên chịu trách nhiệm với bố mẹ, với thầy cô về việc học của mình – phải chăm chỉ chuyên cần hết sức mình để mang lại kết quả cao, càng cao càng tốt. Cùng một trật, phải chịu trách nhiệm với nhà trường về kết quả học tập và rèn luyện của mình – phải có nghĩa vụ mang lại uy tín cho nhà trường, danh dự cho lớp, tự hào cho bạn bè. Lười biếng, chểnh mảng, lêu lổng là phạm trọng tội với bố mẹ, với thầy cô, với lãnh đạo, mà rộng lớn, sâu xa hơn là với đất nước, với tổ quốc…, vì đã hoang phí biết bao nhiêu tiền của công sức, mà nghiêm trọng hơn là coi rẻ, khinh thường danh dự của gia phong, hoài bão kỳ vọng của cha mẹ ông bà, và xứ sở.
Ngược lại, các bậc tiền bối như ông bà, bố mẹ, thầy cô cũng phải chịu trách nhiệm về sự phát triển mọi mặt của các hậu bối, các thế hệ kế tiếp của mình – phải là những tấm gương mẫu mực, mô phạm về hết mọi phương diện cho hậu thế noi theo. Tóm lại sự phát triển khoẻ mạnh hay còi cọc, phong cách đàng hoàng thân thiện hay lưu manh côn đồ, ứng xử chân tình lành mạnh hoặc gian dối điêu ngoa của lớp trẻ hiện tại, các bậc cha anh, lãnh đạo tiền bối không phải vô can.
Cảm thức này không tìm thấy nơi các sinh vật khác mà chỉ có nơi con người. Nói cách khác, đó chính là ưu phẩm tuyệt đối của con người và chỉ dành cho con người.
I. Ưu phẩm của con người
A. Con người và con vật
1. Giống nhau
Về bản năng, cả hai đều có nhu cầu như nhau: vận động, ăn uống, tiêu hóa, ngủ nghỉ, tăng trưởng, và sinh sản… . Quan sát một cháu sơ sinh, ta thấy được nhiều điều diễn ra cách vô thức thú vị đáng lưu ý. Tiếng khóc đầu tiên – không chỉ khiến cho buồng phổi nở ra, căng phồng lồng ngực lên, mà còn trình báo cho xã hội biết một sinh vật mới đã công khai khởi sự vào đời, khiến cho những người có mặt và liên hệ vui mừng hỉ hoan – mà còn đòi buộc xã hội phải công nhận, phải lo toan chăm sóc, với nhiều băn khoăn lẫn hoài bão – “… con trẻ này rồi sẽ ra thế nào?”. Rồi khua tay múa chân nhịp nhàng trên dưới, trước sau thuần thục như thể đã được huấn luyện từ lâu. Mục đích của các cử điệu này là vân động cơ bắp làm cho máu huyết lưu chuyển. Các cử điệu này ngày càng mạnh mẽ. Kế theo là nhu cầu dinh dưởng – bú mớm. Cháu biết tìm đến vú mẹ. Khi đói, cháu kêu… . Càng đói tiếng kêu càng to… . Nhu cầu phát triển càng cao thì cử điệu vận động càng mạnh mẽ. Theo ngày tháng, cơ thể phát triển, cháu biết phản ứng lại bằng những nhếch mép thơ ngây, hoặc bằng những nụ cười thuần khiết thiên thần.
Các sinh vật khác cũng có những phản ứng tương tự, duy chỉ những nhếch mép và những nụ cười thiên thần, ta không thấy được. Phải chăng ta không quen đọc được những biểu hiện này nơi chúng?
Thời gian trôi, cơ thể phát triển, nhu cầu sinh sản xuất hiện. Các sinh vật tìm đến những đối tượng tương thích với mình. Xã hội nối tiếp nhau… . Lớn lên, già cỗi, và chết đi. Bụi cát trở về cát bụi! Như nhau! Về khía cạnh này, Blaise Pascal (1623 – 1662), một nhà toán học, nhà vật lý học, và nhà triết học người Pháp, đã chơi chữ khi ghi “L’homme n’est qu’un roseau le plus faible de la nature; mais c’est un roseau pensant.” (Con người chẳng khác nào một cây sậy yếu đuối nhất…)
2. Khác nhau
2. Khác nhau
Nhưng không phải chỉ là “một cây sậy yếu đuối nhất trong trời đất; mà là một cây sậy biết tư duy, suy nghĩ!” Theo định luật tư nhiên, mọi sinh vật như trâu, bò, heo, gà…, con người, vốn đã từ bụi cát thì cũng sẽ phải trở về với cát bụi – sinh, lão, bệnh, tử! Nhưng con người còn có khả năng cao vượt hơn các sinh vật khác như về tích cực – bao dung, độ lượng, kiên nhẫn, tín trung, tự trọng, biết đúng sai, lựa chọn, biết xin lỗi,… cũng như về mặt tiêu cực – gian dối, lừa đảo, thủ đoạn, toan tính thiệt hơn, phù phép biến sai thành đúng, không thành có, phục vụ cho những quyền lợi cho dù bất chính, thậm chí tàn độc của mình hoặc của phe nhóm,…, vắn tắt là biết suy tưởng: ý thức – có thể ở nhiều cấp độ khác nhau – bàng bạc hay sâu sắc, về chính mình, những gì đang xảy ra chung quanh mình, nhẹ nhàng hay trầm trọng, lợi ích hay nguy hiểm cho mạng sống của mình, về hành động và phản ứng của mình, cách đối phó thư thả hay gấp rút để còn tồn tại. Ngay cả khi đối diện với khả năng xấu nhất là cái chết, nếu không né tránh, không thoát được, thì con người cũng biết – phải chọn cách chết nhẹ nhàng nhất, có ý nghĩa nhất, giá trị nhất. Khả năng này, các sinh vật khác không có. Ngoài ra, con người còn một khả năng tuyệt vời khác mà chắc chắn các sinh vật khác không có – ý thức về trách nhiệm.
B. Các nghịch lý
B. Các nghịch lý
Lãnh trách nhiệm là một hành động dũng cảm dám chịu nhận với mức độ cao nhất, trong phạm vi cụ thể về những gì mình đã chọn lựa, đã làm, hay đã gây ra… . Chúng ta có thể tự tin mà nói rằng “trâu bò, heo chó… thậm chí vượn khỉ, tinh tinh…” cũng đều không có khả năng này!
Nhưng không thể lãnh trách nhiệm vu vơ, chung chung…, mà phải có đối tượng. Trách nhiệm với ai, thế nào, về thứ gì, đối tượng nào, và cách đáp trả?
1. Con người là một sinh vật xã hội – sống với người khác, vì người khác, và cho người khác. Như vậy, sống ích kỷ, không biết sẻ chia, thông cảm… là vô trách nhiệm, là tự hạ mình thành một sinh vật hèn kém hơn. Tự phụ, tự cao là một biểu hiện của ích kỷ. Cố chấp, không nhận ra khuyết điểm của mình và trong đời mình là một biểu hiện trầm trọng hơn, mà bước tiếp theo là không biết bao dung và tha thứ. Cao điểm nhất của ích kỷ là những cố tình chủ tâm khỏa lấp, đậy che những “toan tính bí ẩn riêng tư”, những “đi ngang về tắt”,… dẫn đến những bi đát là tan đàn xẻ nghé, chia tay, “anh đi đường anh, tôi đường tôi” … .
2. Nghịch lý là những tai to mặt bự lại đồng lõa, đi đầu, làm gương bằng những lập luận đậm chất bản năng hạ cấp – “… những nguyên tắc của thời phong kiến đã qua, những quy luật của tôn giáo đã lỗi thời, mọi người phải được quyền hưởng thụ, hưởng thụ tối đa, vì đời người rất ngắn ngủi, vì sau cái chết là hết…!”
3. Nghịch lý là các định chế xã hội lại trang trọng lập ra thủ tục, quy trình, luật pháp hóa để cấp phép, chứng nhận tính hợp lý của tình trạng này, với lời giải thích mang đầy tính ngụy biện – “… giải phóng các đương sự khỏi gông cùm ràng buộc của hôn thú, khỏi cảnh tù tội của giao ước trăm năm, xóa sạch những tối tăm của hỏa ngục gia đình…!” . Người ta, với áo mũ cân đai, long trọng tuyên bố cho hai đương sự được “đường ai nấy đi” chỉ với một nghĩa vụ là phải cấp dưỡng nuôi con cho đến 18 tuổi, như thể vỗ béo… mà bỏ qua nghĩa vụ cao trọng hơn là giáo dục, dạy dỗ, làm gương tốt… cho các con nên người có ích cho xã hội cho quê hương xứ sở! Người ta đã chủ tâm sử dụng các ngôn từ hoa mỹ để biện bạch cho việc làm tàn ác này là “đã qua rồi thời kỳ nô lệ, mọi người phải được giải phóng, và có quyền được hưởng thụ…!”
4. Người ta có biết rằng, nhờ vào tính vĩnh cửu ràng buộc của hôn nhân, mà trước khi long trọng công khai giao ước, các liên hệ phải nghĩ suy cẩn thận, đắn đo kỹ lưỡng, học hỏi đúng phép bài bản, tham khảo chín chắn, bàn hỏi thấu đáo, tính toan lựa chọn, và sau cùng và quan trọng hơn cả là nguyện cầu xin cho chính mình có được một quyết định tốt đẹp nhất. Nhờ đó, các liên hệ sẽ dễ dàng chấp nhận những khác biệt, chướng tai, gai mắt của nhau; bao dung cho những khuyết điểm, sai phạm của nhau. Dĩ nhiên, không được lạm dụng, ỷ lại, lì lợm, bướng bỉnh, và cố chấp – “tính tui nó vậy,… không chịu được thì thôi!”
5. Ngược lại, người ta có biết rằng, cấp phép cho những “không hợp nhau nữa thì đường ai nấy đi”, là hạ cấp hóa giá trị cao quí của con người, khai tử ý thức về nhân phẩm thiêng thánh của con người, triệt tiêu tính vĩnh cửu của hôn ước, khuyến khích khái niệm ngắn hạn tạm thời ích kỷ của hôn nhân bất kể hậu quả là tương lai ngày mai của những đứa con. Bằng chứng là vợ hai, vợ ba, kết hôn lần bốn, lần năm… . Họ không còn biết bẽ bàng, hổ thẹn trước quảng đại quần chúng, mà ngược lại còn hãnh diện vênh váo, kênh kiệu…, và tất nhiên trách nhiệm đối với họ là xa xỉ rẻ tiền. Triệt phá bào thai không còn là một băn khoăn. Giết chết các sơ sinh không còn là một tội ác. Bỏ con ở góc đình, cổng chợ không còn là chuyện lạ, vì con cái đối với các trường hợp này, không còn là phúc lộc trời ban, những trân trọng, mà là một bận tâm, một bất đắc dĩ, ngoài ý muốn, một gánh nặng đáng nguyền rủa! Thật là bi đát! Ai đã gây ra? Bản năng con người không bao giờ làm vậy. Cứ quan sát các loài thú sẽ rõ!
6. Kết quả là từ ngày đó, xã hội băng hoại, luân thường đạo lý chỉ là những ngôn từ trống rỗng, những khẩu hiệu bánh vẽ, mị dân; tội ác lan tràn, anh em ruột thịt không còn nhìn mặt nhau; nặng nề, bi đát hơn là con cái mắng chửi, xua đuổi, loại trừ, và đang tay giết chết cha mẹ…! Bao dung chỉ là xa xỉ. Yêu thương, sẻ chia, bác ái, đùm bọc lẫn nhau chỉ là chiến dịch đậy che những toan tính bất lương tội ác đầy tính bản năng vô đạo mà thôi.
7. Phải làm ngược lại! Người ta đã không nghĩ, hay cố tình quên, phải làm ngược lại để bảo vệ nền tảng vững chắc của gia đình, định chế không do con người thiết đặt. Cũng không khó hiểu, bởi vì người ta đã mạnh miệng công khai gạt bỏ, khai tử Đấng Tạo Hóa ra khỏi cuộc sống của mình. Người ta đã ấu trĩ quên, hoặc cố tình không dám nghĩ rằng “một khi đã loại trừ Thiên Chúa – nền tảng rất thuyết phục và vững chắc cho các giá trị thánh thiêng và nhân phẩm cao quí nơi con người và của con người – thì người ta khởi sự chà đạp đày đọa, ngược đãi, và loại trừ đồng loại như thú vật”! Vì con người chỉ là một con thú không hơn không kém, cho dù có được tung hô là cấp cao đi chăng nữa!
C. Trách nhiệm
1. Đối với chính mình
Phải làm cho chính mình phát triển về mọi mặt ở cấp bậc cao nhất và tốt nhất cả về thể lực, trí lực, và khí lực hay tâm linh.
a. Thể lực. Phải đạt tới mức độ khoẻ mạnh cường tráng càng cao càng tốt bằng những miệt mài tập luyện một cách tự nhiên hoặc theo bài bản, bằng những chu kỳ dinh dưỡng, lao động, và ngủ nghỉ hợp lý, bằng những chữa chạy thuốc thang khi bị thương tổn… . Không được gây hại cho cơ thể bằng những vô độ quá mức. Những hút xách, nghiện ngập, những ăn chơi tới bến, hết tăng 2 đến tăng 3, những tiêu hao bởi các đam mê trác táng vô độ thâu đêm suốt sáng… đều là những tối kỵ, những trọng tội đối với trách nhiệm về chính mình, vì đi ngược lại với chủ tâm tốt lành thánh thiện của Đấng Muôn Thuở “Ta sẽ tạo nên con người theo hình ảnh của Ta!”.
a. Thể lực. Phải đạt tới mức độ khoẻ mạnh cường tráng càng cao càng tốt bằng những miệt mài tập luyện một cách tự nhiên hoặc theo bài bản, bằng những chu kỳ dinh dưỡng, lao động, và ngủ nghỉ hợp lý, bằng những chữa chạy thuốc thang khi bị thương tổn… . Không được gây hại cho cơ thể bằng những vô độ quá mức. Những hút xách, nghiện ngập, những ăn chơi tới bến, hết tăng 2 đến tăng 3, những tiêu hao bởi các đam mê trác táng vô độ thâu đêm suốt sáng… đều là những tối kỵ, những trọng tội đối với trách nhiệm về chính mình, vì đi ngược lại với chủ tâm tốt lành thánh thiện của Đấng Muôn Thuở “Ta sẽ tạo nên con người theo hình ảnh của Ta!”.
b. Trí lực. Phải tận dụng mọi phương tiện trong tầm với – khả năng bẩm sinh: mức độ thông minh, nhạy cảm, dễ tiếp thu…; gia cảnh: lao động chân tay hay trí óc, cày ải hay nhung lụa, ăn đong từng bữa, hay dư dật của để của dư…; môi trường: thị thành đua chen hoa lệ, tiện nghi nhưng ồn ào ô nhiễm, hoặc thôn quê êm ả trong lành chân chất nhưng thiếu thốn, thiệt thòi…; quan hệ xã hội: hàng xóm hiền hòa vun đắp, hay chanh chua bới móc, cau có xấu nết… để phát triển tích cực đến mức cao nhất có thể. Không được phép buông trôi thả nổi bằng những “tại, tự, vì… ”. Thế giới không thiếu những mẫu gương về ý chí kiên cường trước các nghịch cảnh bi đát… để hoàn thiện mình, để đổi số phận…!
c. Tâm linh. Là những trình độ thông minh, khả năng phán đoán lựa tốt xấu, phúc tội, những nghĩa vụ phải làm và các lãnh vực phải tránh, những an toàn và các nguy hiểm… . Các khả năng này được Đấng Tạo Hóa ưu ái phú ban từ khi mới hoài thai trong lòng mẹ, mà chúng tôi có thể gọi đó là những khả năng bẩm sinh. Kế đến là khả năng lựa chọn. Khả năng này ngày được phát huy rõ nét và ý thức ngang qua những chỉ dạy gương mẫu và nền giáo dục nhân bản và lành mạnh của gia đình và xã hội. Các sinh vật khác như trâu bò heo chó… v.v…, cũng phân biệt được ngon dở, phải làm gì khi đói lúc no…, nhưng đó là bản năng, theo chúng tôi không phải ý thức, vì sau khi đã no nê, đủ đầy, chúng nó không tiếp nhận thêm nữa. Con người thì khác, đối diện với những nghịch lý, con người có thể dùng ý chí để lựa chọn, để quyết định, và thực hiện, như sau khi đã no nê, tôi có thể ăn thêm, ăn tiếp… dù ý thức điều đó rất vô ích hoang phí, và nhiều khi rất có hại! Biết rằng thuốc cực đắng, phải kiêng khem tập luyện nhọc nhằn cực khổ, hoặc phải chịu trải qua dao kéo đớn đau thậm chí nguy hiểm…, nhưng để cứu mạng, để giành lấy những thành tích danh dự, mơ ước, hay để xinh đẹp, duyên dáng hơn…, tôi vẫn vui vẻ lãnh nhận một cách ý thức và tự nguyện…!
Nghĩa vụ của chúng ta, con người, là phải phát huy và hoàn thiện càng cao càng tốt, những khả năng được phú ban cách nhưng không đó. Đó là những “nén bạc” được cấp phát miễn phí, phải ra công, bỏ sức…, phải tận dụng mọi dữ kiện sẵn có như cơ hội, như môi trường, như những quan hệ xã hội… để phát huy và làm lợi ra thành “năm nén, mười nén” khác, để đến ngày về, chúng ta sẽ bớt rụt rè e thẹn mà trao lại cho Chủ cả vốn lẫn lời! Làm ngược lại sẽ bị quở là “đồ biếng nhác”, bị tước đoạt ngay cả cái mình đang có…!
2. Đối với gia đình
Giới hạn trong các quan hệ – vợ chồng, con cái.
a. Vợ chồng. Phải yêu thương và tôn trọng nhau. Xuất phát từ hai nghĩa vụ chính yếu này là: phải yêu thương, bảo bọc nhau về mọi phương diện – chăm sóc, phục vụ nhau về cả vật chất: chỗ ở, cái ăn, cái mặc, và giấc ngủ…; về tinh thần: vui vẻ, nhẹ nhàng, lạc quan… . Nhà cao, cửa rộng, thậm chí nhà lầu xe hơi, tiện nghi không thua kém một ai chưa hẳn là dấu hiệu của đầm ấm, an vui, hạnh phúc thật sự. Xã hội không thiếu các chứng minh như vậy. Chưa hẳn “sơn hào hải vị” là bữa ăn ngon, mà chỉ cần đạm bạc với cơm nóng canh sốt thấm đẫm tình yêu, toát lên sự lo toan chăm sóc. Chưa hẳn “lụa là gấm vóc”, hàng hiệu thướt tha đắt tiền thì nặng ký về tôn trọng, cao giá về bảo bọc yêu thương hơn “hàng chợ” lành sạch, tươm tất. Quan trọng hơn hết là giấc ngủ: phải sâu, phải đủ…! Những chủ tâm hay vô tình gây ra lo toan, buồn bực, và nhất là căng thẳng đều là kẻ thù, đều là tối kỵ cho một giấc ngủ an lành. Vắn tắt là chăm lo cho nhau trước nhất là về sức khoẻ, càng phát triển càng tốt.
Kế theo là phải tôn trọng nhau. Cả hai đều là những cá vị đặc biệt về xuất phát: môi trường dinh dưỡng, giáo dục, thói quen, giao tế, bè bạn, lòng hiếu thảo… v.v… . Duy trì những ưu điểm, những mặt mạnh của nhau là tôn trọng nhau. Tự giác cắt giảm những khuyết điểm như ích kỷ, những thầm kín riêng tư không trong sáng, tự tôn quá mức, đòi hỏi phi lý,… vắn tắt là những mặt yếu của chính mình, để hòa nhập vào lối sống chung là tôn trọng nhau. Lớn tiếng giành phần thắng về mình ở nơi công cộng, thậm chí cả chốn riêng tư là những biểu hiện của ấu trĩ, hạ cấp, không xứng hợp với những quân tử cao thượng, và là tối kỵ trong đời sống gia đình, là dấu chứng rất thuyết phục cáo buộc mình còn thua kém súc vật, heo chó, trâu bò… . Chúng ta tuyệt nhiên chẳng bao giờ chứng kiến chúng nó với những biểu hiện như vậy. Bêu xấu nhau phơi bày miễn phí cho những người chứng kiến, hoặc cho toàn xã hội biết cuộc sống gia đình bất hạnh, luôn căng tràn những đố kỵ, những căm ghét, những tính toan đầy hiểm độc, luôn chực chờ để phát nổ… là một non kém, không một ai đồng tình ủng hộ. Đó chính là vô trách nhiệm chẳng những với nhau, mà cả với con cái nữa.
Quảng đại, nhẫn nại, và bao dung là những đặc nét không thể vắng mặt trong đời sống vợ chồng. Quảng đại để chấp nhận những khác biệt, trái ý của nhau vì mỗi người là một cá vị với những tập quán thói quen rất riêng, càng không trùng lắp về trình độ suy tư nhận xét. Luôn cho mình là đúng. Điều mình nghĩ ra phải là chân lý. Tập quán thói quen của mình phải là chuẩn mực… thì không gì nông cạn và phi lý cho bằng! Làm gì có được hòa bình nếu mỗi bên cứ cố thủ trong vỏ sò của mình. Cứ cố chấp bám lấy cái của mình thì khi nào rộng lượng mới hình thành được. Cứ mãi tự hào, cho cái riêng tư của mình là cao cả, là trình độ văn minh thì làm sao tránh khỏi mâu thuẫn. Lớn tiếng, cãi vã, nhục mạ, chì chiết lẫn nhau sẽ là một tất yếu.
Nhẫn nại để chịu đựng lẫn nhau. Rất ư ấu trĩ, ngây ngô, dại dột khi nghĩ rằng làm thinh, nín nhịn trước những chua ngoa, đanh đá, xóc óc, xấc xược, hỗn láo, thậm chí xúc phạm đến các bậc tiền bối giòng họ… là nhu nhược, lép vế, và thua cuộc. Phản ứng ngay chính lúc đó chỉ làm cho tình hình bi đát, tăm tối hơn mà thôi. Nhẫn nại trong những trường hợp này chẳng những không nhu nhược mà ngược lại rất anh hùng, hiểu biết, trình độ, và cao cả.
Bao dung để tha thứ. Mỗi người là một bất toàn. Chỉ đọc thấy những chướng mắt nơi người khác là một tự cao không có cơ sở, vì chính mình không hơn gì, mà nhiều khi còn tồi tệ hơn. Hơn nữa, thứ tha không chỉ là một phẩm chất cao quý của con người nói chung, mà còn là một nghĩa vụ bắt buộc với những ai “đã được tái sinh trong nước và Thánh Thần!” Chỉ có con người mới đọc được, biết được, và hiểu được giá trị cao cả của tha thứ. Khoảng cách từ chua ngoa, xấc láo, hỗn xược đến những thách thức…, rồi kết thúc bằng những thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, bạo lực…, bất hòa, chia xa, tan đàn xẻ nghé… không xa, chỉ là một màn mỏng, một bước cực ngắn. Đó là những tối kỵ, kẻ thù “bất cộng đái thiên” của bao dung, tha thứ. Đó là những biểu hiện của vô trách nhiệm.
Bêu riếu nhau, đưa nhau ra tòa là một gương mù tồi tệ không thể biện minh vào đâu được, tự cáo buộc mình còn thú hơn thú! Quyết tâm phải ly dị vì không còn chịu đựng được là một lật lọng nặng nề, là một vô trách nhiệm, một tội ác đối với người mình từng kết giao gắn bó, mà nghiêm trọng hơn là đối với các con mình đã sinh ra. Tương lai của chúng sẽ như thế nào, hư hỏng, bất cần đời, hiểm họa cho xã hội, rồi tù tội… đừng nói là mình vô can.
b. Cha mẹ. Phải nuôi nấng và dạy dỗ con cái – dưỡng dục. Không được trốn tránh, càng không được khước từ. Xã hội quy ước: nghĩa vụ nuôi dạy này kéo dài cho đến khi con cái trưởng thành, nhưng đạo đức luân lý lại quy định, nhất là về giáo dục, dạy dỗ – phải suốt đời! Nổi bật trong nghĩa vụ giáo dục là làm gương tốt – phải luôn là bài học sống động cả về lối sống lành mạnh, cách cư xử đàng hoàng, việc làm nghiêm túc, và lời nói mẫu mực…, mọi sự phải luôn là “mô phạm”, là “kim chỉ nam”… để các con noi theo! Làm khác đi là lỗi bổn phận, là mang trọng tội… phải bị luân phạt “… cho đến khi con trả hết đồng xu cuối cùng mới được tha, mới được ra khỏi nơi đó…!”
Cha mẹ có nghĩa vụ phải biến gia đình mình thành những êm ả, nhẹ nhàng, đáng yêu, và ấm cúng; thành một môi trường trung thực, đáng tín nhiệm, để mọi thành viên có thể han hỏi, trao đổi những buồn vui, cùng tâm sự những sâu kín. Hoa thơm, trái ngọt sẽ không xuất phát từ nơi nào khác ngoại trừ những mái ấm như vậy.
Ngược lại, gia đình bất hòa. Cha mẹ luôn có những mâu thuẫn, cãi vã, nhục mạ lẫn nhau, dẫn đến bạo lực hơn thua trước những trố mắt ngỡ ngàng khiếp sợ của những đứa con vô tội. Bi đát là cảnh tượng này lại diễn ra nhiều lần vì tự ái, vì ích kỷ của người lớn khiến các tâm hồn trắng trong vô tội trở thành chới với giữa biển đời ngập tràn những mưu mô xảo quyệt, những gọi mời đầy hấp dẫn của đua đòi, ngững ngọt ngào của các hứa hẹn, những viên đạn bọc đường của dụ dỗ ác độc tối tăm… . Các hiểm họa luôn chực chờ để vùi dập những thơ ngây trong trắng. Ai sẽ chỉ dạy và bảo vệ những trắng trong này? Không ai tốt hơn ngoài gia đình, ngoài cha mẹ. Tiếp tục ích kỷ, tiếp tục tự ái là phạm trọng tội – vô trách nhiệm, một nghĩa vụ không thể chuyển nhượng, mà cũng không thể vay mượn!
c. Phận làm con. Phải lễ phép, tùng phục, vâng lời cha mẹ trong những điều ngay lành, chính đáng. Những hỗn xược, những ngỗ nghịch… đều bị lên án xấu xa không chỉ với các qui chuẩn xã hội, mà còn ngược lại các ràng buộc của đạo đức luân lý một cách nghiêm trọng và gay gắt nữa. Những biểu hiện vô đạo đức này không phải tự nhiên có mà sâu xa là từ gia đình, từ nhà trường, nặng nề là từ xã hội.
Nhà trường phải là những mực thước rạch ròi và thuyết phục giữa phải trái, giữa hợp lý và phi nghĩa, giữa cao cả và đê hèn, quang minh chính đại và gian dối thủ đoạn tối tăm, giữa chân lý và ngụy biện, bản chất và hiện tượng… vắn tắt là giữa vĩnh cửu và nhất thời.
Nhà giáo phải luôn dũng cảm đứng về phía chân lý, bênh vực cho sự thật trong hết mọi trường hợp bất kể các khó khăn, gian nan nguy hiểm, thậm chí cái chết có cận kề, vì sứ mạng và danh dự mà các qui chuẩn chẳng những là của xã hội mà đạo đức luân lý mặc nhiên ủy thác là vậy. Làm ngược lại, theo thời “mưa bên nào che bên đó", vì lợi lộc chức quyền, bẻ cong ngòi bút… đều là những phản nghịch với sứ mạng chẳng những của con người nói chung mà là một trọng tội đối với thiên chức “cầm phấn” nữa.
d. Xã hội là môi trường sống gồm những giao lưu bè bạn, hệ thống giáo dục, và các tổ chức định chế pháp luật chính quyền. Chính quyền phải thấm nhuần lý tưởng phục-vụ-hầu-hạ-tôi-đòi chớ không phải hách-dịch-cửa-quyền-chỉ-đạo, nghiêm minh, giàu tính nhân bản, đặt danh dự và quyền lợi của dân tộc, đất nước lên hàng tối thượng, lấy sinh mạng của con người làm cứu cánh để phục vụ. Tất cả vì tiền đồ đất nước, tất cả vì dân tộc trường tồn. Phúc cho đất nước nào, dân tộc nào có được một chính quyền như vậy. Vì từ đó, toàn bộ hệ thống các tổ chức vệ tinh cũng sẽ rập theo mẫu khuôn đó – trên dưới nhất quán, vì “thượng bất chính, thì hạ tắc loạn”. Hệ thống giáo dục – tổ chức ảnh hưởng trực tiếp đến phong cách sống, tư duy, và hành xử của con người ngày mai – phải quang minh chính đại, phải khắc sâu và thấm nhuần, chỉ có một nền đạo đức “vị nhân sinh”, chỉ có một luân lý là “lẽ phải và sự thật”, chỉ và phải phụng sự dân tộc, phục vụ và đề cao nhân phẩm thiêng thánh nơi mọi người mà thôi. Đừng bao giờ tự cho mình không hiểu hoặc cố tình không biết một chân lý – “Khi người ta triệt phế Đấng Tạo Hóa ra khỏi cuộc sống của mình, thì người ta đã khởi sự tự xác nhận mình chỉ là con thú, không mang một nội hàm thánh thiêng nào cả. Hậu quả là người ta lạnh lùng thủ tiêu, sát hại anh em đồng loại như giết loài vật, thậm chí hàng loạt không run tay. Chứng kiến những băng hoại về nề nếp xã hội, sống buông thả thác loạn thâu đêm suốt sáng của một bộ phận, nhất là của tuổi trẻ, lớp-chủ-nhân của đất nước ngày mai, người ta không khỏi tự hỏi – Do đâu? Tương lai có còn là một thực tế? Tiền đồ của đất nước sẽ như thế nào? Phải chăng đời con người quá vắn vỏi, phải tận dụng, phải hưởng thụ, để sau cái chết, không còn gì, chẳng khác các sinh vật khác như trâu bò heo chó…? Người ta đã phá bỏ các định chế cơ bản nhất của xã hội. Phải chăng gia đình không còn là môi trường giáo dục cơ bản và lý tưởng nhất cho sự phát triển của con người? Phải chăng có một tổ chức khác có thế lực và uy tín hơn trám chỗ? Phải chăng gia đình là một tù ngục cần bị xóa bỏ để giải phóng con người? Cấp chứng chỉ cho đôi vợ chồng ly dị hợp pháp, để đàn con chơ vơ, chới với, là một văn mịnh tiên tiến? Phải chăng con người thuần chỉ là một con thú như từng được truyền rao? Phải chăng vũ trụ thiên nhiên xoay vần một cách trật tự ổn định này tự nhiên mà có, chẳng cần sự tác tạo điều khiển của Đấng Vô Hình? Phải chăng Đấng Tạo Hóa chỉ là sản phẩm của đầu óc con người? Phải chăng Tôn giáo chỉ là bùa mê thuốc phiện khiến con người dễ dàng cam chịu số phận? Thực tế ngày nay đã minh chứng thực hư, đã quá rõ trái đắng của gian manh, thủ đoạn là hẹp hòi, ích kỷ, vun vén, và tàn ác…, còn hoa thơm của quang minh chính đại là uy tín, danh dự, chân lý, và quân tử. Trò lừa thầy, phản bạn! Con cái nguyền rủa đuổi xua cha mẹ không còn là hiếm. Anh em một nhà khước từ, đánh đập, thậm chí hạ tay truy sát lẫn nhau không còn là chuyện lạ. Người ta có thể giết chết hàng loạt kẻ khác mà không gớm tay! Tất cả do đâu? Trước kia chưa có, và chắc chắn không bao giờ xảy ra.
Phận làm con – theo qui chuẩn của luân thường đạo lý – phải phụng dưỡng Cha Mẹ, nhất là khi Các Ngài đã vào tuổi xế chiều. Lòng hiếu thảo này đã được phú đặt một cách tự nhiên nơi mỗi người. Phát huy nó hay triệt tiêu nó là do con người, mà tác động chính là xã hội và môi trường. Nói cách khác, nhân cách của con người, những chủ nhân tương lai và quyết định vinh nhục của đất nước, là sản phẩm của xã hội. Xã hội lành mạnh trong sạch liêm chính, lấy chữ tín làm thước đo, lấy danh dự làm lẽ sống, thì sản phẩm là những quân tử, nhất quán, trước sau như một; ngược lại lọc lừa gian dối, thủ đoạn, ngôn hành bất nhất, phù phép mị dân, thì sản phẩm không thể là những khuôn vàng thước ngọc cho đương thời, và nhất là cho hậu thế mai sau. Lối sống và cách ứng xử trong sáng dứt khoát của các nhà lãnh đạo tôn giáo cận đại và hiện đại và các chính trị gia cùng thời không là một minh chứng sao? Giáo thuyết và âm hưởng của các nhà sáng lập tôn giáo trên thế giới, mà cụ thể, theo chúng tôi, Đấng Cứu Thế, Ngôi Lời Nhập Thể, Thiên Chúa Ngôi Hai, Đức Giêsu Kitô, rất rõ ràng, gay gắt, và quyết liệt – “ Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình,…, ai yêu quí mình hơn Ta, không đáng làm môn đệ Ta…!” – từ ngàn xưa cho đến hôm nay đã chẳng là minh chứng cho chân thật, cho nhất quán, cho tính thời sự qua mọi thời, luôn luôn làm say mê những tâm hồn thiện chí hay sao? Lý do? Rất phù hợp và thỏa mãn cho các khát vọng truy tìm chân thiện mỹ được phú đặt tự nhiên trong mọi người. Những thủ đoạn gian xảo chỉ mang lại hận thù, chuốc lấy vinh hoa hão huyền nhất thời, và những nguyền rủa muôn đời mà thôi. Lịch sử loài người đã chẳng là một hiển nhiên rồi sao?
Hiếu thảo không chỉ là biếu xén quà cáp, cơm ăn áo mặc, mà phải là viếng thăm, han hỏi, chăm sóc. Phụng dưỡng không chỉ là cơm bưng nước rót, mà phải là luôn quan tâm đến tình trạng mạnh khoẻ hay yếu nhược của cha mẹ. Cái ấm no hay lạnh lẽo, nỗi cô đơn buồn thảm hay sum vầy hạnh phúc của cha mẹ phải luôn được quan tâm đến, nếu không muốn nói là phải được đặt lên hàng đầu. Khinh chê, đuổi xua, coi cha mẹ như là một gánh nặng cần phải loại trừ đều không xứng hợp với thiên chức làm người của con cái! Đau xót, và thật đáng tiếc là xã hội ngày nay, nhất là quanh chúng ta dẫy đầy những bi đát như vậy, khi mà người ta, vì những bánh vẽ hão huyền như danh dự gia phong, lợi lộc của chức quyền, phe nhóm, tăm tiếng của hàng họ… mà đã mạnh tay triệt phá các mầm sống, và xem người cao niên như là một gánh nặng cần loại trừ, gia đình cha mẹ ông bà không còn là nguồn tham khảo đầy uy tín nữa. Người ta lớn tiếng hò reo “sinh mạng con người là trên hết!” nhưng lại tù đày hành hạ ngược đãi với chủ tâm giết sạch những “bất đồng chính kiến” rất vì đại nghĩa, những không cùng phe nhóm rất dựng xây và thiện chí. Người ta đã mạnh miệng lên diễn đàn triệt phá giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình – “đã có tổ chức lo!”! Bi đát kéo theo bi đát.
3. Đối với xã hội
a. Đối lại, con người cũng phải biết chấp hành và qui phục xã hội trong các nội dung chính đáng, vì lợi ích chung, vì đại cuộc, vì dân tộc, vì sự phồn vinh và danh dự của tổ quốc, vì sự tồn vong của đất nước. Hy sinh quên mình, bỏ qua lợi ích cá nhân, phe nhóm riêng tư là thái độ đẹp, là cách ứng xử hợp lý của những con người yêu nước thương nòi đích thực và đúng nghĩa. Theo nghĩa này, thì các chiến binh bỏ mình trên khắp các chiến trường rất xứng đáng được tôn vinh, ghi nhớ. Làm ngược lại – tất cả vì phe nhóm và cho phe nhóm là phản quốc – chỉ dẫn đến sự căm thù, bần cùng, tự ti, và tụt hậu mà thôi. Thực tế đã chứng minh quá rõ. Quan nhất thời dân vạn đại có còn là chân lý? Mà đặc tính của chân lý là vĩnh cửu, chứ không phải cứ “đi riết sẽ thành đường!”
b. Thứ đến, con người còn có nghĩa vụ – xây đắp và vun bồi cho xã hội mình đang sống được mỗi ngày một xinh đẹp hơn, phát triển hơn, bằng những đóng góp lớn nhỏ của mình. Mọi đóng góp dựng xây đều có giá trị như nhau. Đừng bao giờ hẹp hòi cho rằng chỉ có ý kiến của chính mình mới có ý nghĩa! Chỉ xem phần đóng góp của mình mới là vĩ đại đáng kể thì không có gì ấu trĩ, nhỏ nhen bằng…! Yêu nước là nghĩa vụ và là quyền lợi của mọi người, của toàn dân, không bao giờ là đặc quyền của riêng anh, của riêng tôi, hay của phe nhóm nào! Chỉ có anh mới là yêu nước, chỉ có lý tưởng của phe nhóm anh mới là chính thống thì không còn gì phi lý cho bằng! Quan niệm như thế là vô trách nhiệm.
c. Ngược lại, xã hội, cụ thể hơn giới cầm quyền, quản lý xã hội, cũng phải nằm lòng các trách nhiệm đối với người dân, với toàn xã hội. Trước hết, là người của công chúng, phải có nếp sống đạo đức, đặc biệt là về luân lý gia phong. Những lấp liếm, biện bạch cho những phóng túng vô độ, đi ngang về tắt đều là những chà đạp đối với nền nếp đạo nghĩa lâu đời của tiền nhân. Sử dụng, thậm chí trọng dụng, những chồng hai, vợ ba như là những hình tượng gương mẫu được xưng tụng trên các phương tiện truyền thông như là biểu tượng của tiến bộ, văn minh, hợp thời là cổ vũ cho một lối sống đồi trụy, sa đọa, triệt tiêu cả lương tri và lương tâm lành mạnh của con người, của toàn xã hội. Đó là vô trách nhiệm.
Được trao trách nhiệm quản lý xã hội, phải làm hết sức mình, trước hết là tự hoàn thiện mình, tài năng và đạo đức. Thứ đến, là làm thăng tiến đời sống của xã hội, ngày càng phồn vinh, từ no cơm ấm áo đến ăn ngon mặc đẹp đúng nghĩa cho mọi nhà. Chỉ lo tư túi, vinh thân phì da cho chính mình và gia đình mình là vô trách nhiệm.
Đại diện cho cả dân tộc đi giao lưu với những tương thích của thế giới, của năm châu bốn bể, phải biết tự trọng trong mọi ứng xử, vì trên vai mình chính là danh dự của cả đất nước. Không chỉ với “đôi kiếng” là mặc nhiên mình có kiến thức, thậm chí uyên thâm. Bộ cánh thẳng nếp, đôi hia bóng láng, bước đi nhịp nhàng là điều kiện cần và đủ cho lãnh đạo!? Các phản ứng, cả về nét mặt, cái nhìn, cử điệu gật đầu, múa tay đối đáp với những đồng cấp khoa bảng chính thống bằng các “tiểu xảo” mới phô bày tất cả những mạnh yếu của mình, uy tín của cả dân tộc, thể diện của cả quốc gia. Hãy biết cho rằng, các ứng xử và ngôn từ ngoại giao rất khác, và lắm khi trái ngược với cảm nhận chủ quan của đối tác! Cố chấp, lì lợm trong những kém cỏi tụt hậu là vô trách nhiệm.
d. Sau cùng, phải biết tự giác về trình độ khả năng của mình trước trọng trách mà “toàn dân trao cho”. Nếu tự cảm thấy không xứng hợp, không có đủ khả năng để hoàn thành đầy đủ, chớ không cần đến mức viên mãn, thì nên rút lui, từ chức, nhường sàn diễn lại cho người khác xứng hợp hơn. Đó là một biểu hiện tích cực của tinh thần trách nhiêm.
Ngược lại, cầm cố, o ép, gây áp lực, uy hiếp, đe dọa… không để cho người ta rút lui, từ chức, vì phe nhóm đã chọn, vì thanh danh phe nhóm lại là một vô trách nhiệm trầm kha hơn – kềm hãm bước tiến của xã hội! Quan sát các tổ chức xã hội trên thế giới, ai cũng nhận ra sự khác biệt. Trăm phần trăm tin theo những ngôn từ ngoại giao là nông nổi, ấu trĩ! Tự ban thưởng cho mình những thứ bậc ngất ngưỡng với những mỹ từ “văn minh, tiên tiến, đi trước thời đại, đón đầu…” đều là những bánh vẽ, ảo tưởng, ếch ngồi đáy giếng, đều là vô trách nhiệm với tiền đồ của tổ quốc, với sự tồn vong của dân tộc!
4. Đối với môi trường
4. Đối với môi trường
Môi trường ở đây được hiểu là không khí, đất đai, nguồn nước, rừng cây, và nguồn lương thực…, tóm lại là những thực tại thiết yếu để con người sinh sống, phát triển, và tồn tại. Những thực tại này được phú ban miễn phí cho con người.
a. Thật vậy, không khí tự nhiên rất trong lành, ai muốn hấp thụ, hít thở bao nhiêu tùy ý không phải tiêu tốn một chi phí nào. Làm ô nhiễm, nặng nề, ngột ngạc khó thở là do con người.
b. Đất đai tự nhiên chứa nhiêu phù sa màu mỡ, phù hợp cho mọi cây trồng tự nhiên phát triển xoay vòng với thời hạn ngắn dài theo hương vị đặc trưng của mình, phủ kín mọi nhu cầu phát triển lành mạnh và tồn tại lâu dài của con người. Cưỡng bức đất phải sản sinh gấp đôi, gấp ba so với tư nhiên bằng những hóa chất, phương pháp nhân tạo là làm ô nhiễm đất, mà gián tiếp là tự làm hại mình, tự thu ngắn tuổi thọ đáng quí của mình.
c. Tương tự, nguồn nước tự nhiên rất trong lành, có thể dùng ngay, mà không cần phải trải qua một thủ tục hay qui trình pha chế nào. Các dòng nước trong lành ngày đêm tuôn chảy từ những đỉnh núi cao, các tảng băng địa cực đã chẳng là một minh chứng. Khiến cho dòng nước không còn dùng ngay được chẳng phải là do con người – tùy tiện xả thải những cặn bã, dơ bẩn?
d. Rồi rừng cây, biển cả, nguồn lương thực… tất cả ngày nay đã không còn lành mạnh, thiếu dinh dưỡng, gây nhiều tác hại cho sức khoẻ của cả con người và súc vật chẳng phải là do chính con người gây ra? Chẳng phải con người quá ấu trĩ hay ích kỷ đã vô trách nhiệm một cách trầm trọng với môi trường, ngôi nhà chung của nhân loại? Cấu trúc tự nhiên của từng vùng miền đã được thiết kế một cách hài hòa hợp lý đến độ mà con người chỉ biết ngưỡng mộ và thán phục. Thật vậy, thời tiết nắng mưa xoay vần theo chu kỳ. Cản bớt giòng chảy của mưa lũ, tránh được thảm họa của lụt lội đã có rừng cây. Giảm thiểu những ngập tràn bất ưng, gây ra vô số thiệt hại đã có những ao đầm chứa nước. Con người đã thách thức thiên nhiên, lấp ao, san đầm, đổ nền, lên tấm, thậm chí còn cao ngạo “nghiêng đồng đổ nước ra sông”, “thay trời làm mưa…!”. Kết quả thực tế đã quá rõ. Con người đã không biết hay cố tình quên chân lý ngàn đời là “định luật tự nhiên là định luật sắt đá!” Đi ngược lại hay chống lại thì chỉ có tự chuốc lấy thảm họa mà thôi!
e. Rồi khoáng sản cũng là một tài nguyên môi trường vô giá đã được ban tặng nhưng không cho trái đất, cho con người, chỉ với một điều kiện, theo chúng tôi, là con người phải biết sẻ chia. Bo bo cho một mình là ích kỷ, là sai. Tự ý phân vẽ địa giới, ỷ vào thế mạnh nước lớn tranh giành, hăm dọa bất kể các nguyên tắc luật pháp lại càng sai, nếu không muốn nói là xấc xược, ngạo mạn, chà đạp ngay cả những điều mình đã cam kết. Phân bổ cho những ai, cho những vùng nào không thuộc quyền con người. Con người đã không tốn công gieo vãi, cũng chẳng mất tiền mua. Con người chỉ phải nằm lòng một điều là quản lý chu đáo, là khai thác thật tốt, với chừng mực phù hợp cần thiết, là sẻ chia một cách quảng đại, vì “Ở đời, muôn sự của chung. Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi!” Anh hùng ở đây là biết người biết ta, biết đúng, biết sai, biết trọng danh dự, chữ tín, ngôn hành như nhất. Làm càn, nói ẩu thì không ai công nhận là anh hùng. Phải chăng đó chính là sống có trách nhiệm với môi trường?
II. Trách nhiệm
A. Nghĩa vụ hay tùy ý?
Đã là trách nhiệm thì không còn tùy ý. Thật vậy, trách nhiệm là một yêu cầu, đòi buộc, nếu không muốn nói là một nghĩa vụ mang tính cưỡng bức, vì trách nhiệm là một cảm thức của lương tâm lành mạnh, minh mẫn. Người điên, mất trí, tâm thần không có trách nhiệm. Mà đã là một cưỡng bức thì không có chuyện vay mượn, nhờ vả, hay chuyển nhượng. Ai làm nấy chịu. Đã vay phải trả. Đừng bao giờ non nớt mà nghĩ rằng “sau cái chết là hết!” Bây giờ, đời này không trả, thì đời sau phải trả. Dân gian, các bậc ông bà tiên tổ của chúng ta, đã chẳng rút ra được kinh nghiệm rất khắt khe này sao – “đời cha ăn mặn, đời con khát nước, đời có vay có trả”? Mà định luật nhân quả, “khi trả phải có lời!”
B. Ý thức hay bản năng?
B. Ý thức hay bản năng?
Như đã đề cập. Thú vật chỉ có bản năng. Chúng không có trách nhiệm. Nhưng con người, có cả bản năng và ý thức. Chính ý thức này ban cho con người danh hiệu thượng đẳng, quản cai xã hội, chăm sóc vũ trụ. Tự biến chất mình, tự tha hóa mình bằng những buông thả theo bản năng là phạm trọng tội không chỉ với chính mình, với những liên hệ với mình, mà còn với toàn xã hội, với cả vũ trụ trời đất nữa. Đó chính là trách nhiệm. Như vậy, phẩm giá cao quí của con người đòi hỏi con người phải chịu trách nhiệm cả về bản năng và ý thức nữa.
Nguyễn Cang HB1
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.