Điều Răn thứ 8: từ Tin Giả đến Tin Mừng

ĐIỀU RĂN THỨ 8: TỪ TIN GIẢ ĐẾN TIN MỪNG


Điều răn thứ 8 dạy: “Ngươi không được làm chứng dối.” Để tránh sự giả dối, chúng ta cần phục vụ cho sự thật. Và để phục vụ cho sự thật, chúng ta cần nỗ lực kiểm tra các sự kiện, nghiên cứu độ tin cậy các nguồn tin, tuân theo các nguyên tắc logic và chỉnh sửa lại thành kiến của chúng ta. Khi chúng ta không cố gắng đủ để thực hiện các việc đó, chúng ta rất có thể bị lừa để tin tưởng vào sự giả dối và thậm chí là lặp lại nó. Và điều này thể hiện sự lười biếng và không trung thực của chúng ta.

Do đó, tội về điều răn thứ 8 không chỉ bao gồm sự giả dối mà còn bao gồm việc phục vụ cho sự giả dối qua những hành động khiến người khác nghi ngờ sai về lý trí con người hoặc về sự tồn tại của sự thật khách quan, cũng như lặp lại sự giả dối thay vì cố gắng điều tra các tuyên bố gây tổn hại đến danh tiếng của người khác.

Cho nên, việc tham dự hay khuyến khích những hành động xét đoán thiếu suy nghĩ, cũng như vội vã lặp lại những gì chúng ta không biết chắc chắn, đều là những tội thiếu sót chống lại sự thật. Còn sự vu khống là cố tình nói sai sự thật về một người để phỉ báng cả quyền tự nhiên căn bản lẫn danh tiếng tốt của người đó. Vu khống là một tội cố tình chống lại sự thật. Những tội thiếu sót hoặc cố tình này khuyến khích sự không trung thực hơn là sự trung thực; cũng như làm mất lòng tin vào sự thật.

Bên cạnh những việc làm chứng dối do thiếu sót hoặc cố tình, thì việc chia sẻ những sự thật không thích hợp cũng là tội. Ví dụ, bạn phá vỡ tính bí mật riêng tư của một người và tung tin bí mật đó cách công khai, thì cho dù điều đó là sự thật, chẳng lẽ nó không phải là một tội sao? Phàn nàn cũng có thể là một tội, trong trường hợp vì yêu bản thân quá mức, chúng ta than phiền và phóng đại những tổn thương của mình hoặc làm xáo trộn sự bình yên của mọi người. Tuy nhiên, ngồi lê mách lẻo và tin đồn thì có mức độ thường xuyên và nguy hiểm hơn.

Việc ngồi lê mách lẻo là việc nói chuyện những lúc nhàn rỗi, nhưng nó tồi tệ ở chỗ là thường chia sẻ thông tin một cách không cần thiết ở mức độ riêng tư; còn tin đồn cũng vậy, nhưng ở mức độ công khai thông qua các phương tiện truyền thông xã hội. Cả hai đều là tội, nặng hay nhẹ tùy vào mức độ chúng gây bất lợi đối với người bị liên quan. Những tội phổ biến như ngồi lê mách lẻo và tin đồn đáng để khám phá thêm.

Mọi người đều yêu thích một câu chuyện hay, và một cách dễ dàng để trở thành trung tâm của sự chú ý là xây dựng một câu chuyện. Do đó, những câu chuyện ngồi lê mách lẻo như Băng Vải Dính (Velcro), luôn cuốn hút mọi người, nhưng nó cũng thường luôn phóng đại những chi tiết gốc của câu chuyện. Và nạn nhân của việc ngồi lê mách lẻo không bao giờ có cơ hội để tự bảo vệ mình hoặc thậm chí là để làm rõ sự việc.

Hơn nữa, sau khi bạn rời khỏi một căn phòng đầy những lời mách lẻo nói xấu, làm sao bạn biết những người trong phòng không mách lẻo với bạn? Xét cho cùng, những người đó thường thích nói về người khác hơn là nói về họ. Việc ngồi lê mách lẻo tạo ra sự chia rẽ và làm mất lòng tin vì nó thúc đẩy sự không trung thực hơn là sự trung thực minh bạch.

Cả ngồi lê mách lẻo và tin đồn đều giống như những kẻ xâm lược; một khi được phát ra, chúng ta không thể biết hết được chúng tàn phá thế nào. Cũng như không có cách nào để thu hồi chúng. Mách lẻo và tin đồn gieo rắc sự mất đoàn kết, bởi vì vòng luẩn quẩn chia rẽ và nghi ngờ mà chúng gây ra chỉ dẫn đến sự chia rẽ và phân cực nhiều hơn, đó là điều làm suy yếu lòng tin. Phục vụ sự thật trong tình yêu thúc đẩy lòng tin.

Và chẳng phải lòng tin là một điều quý hiếm hơn bao giờ hết hay sao? Tại sao lại phung phí nó, dù chỉ một chút, với những đôi môi mách lẻo?

Chúng ta lên án sự giả dối là đúng. Nhưng chúng ta có kiểm tra lương tâm để xem chúng ta cũng đã góp phần vào sự giả dối và nghi ngờ đó như thế nào không?

Những lỗi nhỏ chống lại sự trung thực sẽ từ từ phát triển thành vụ bê bối lớn về sự không trung thực. Nếu chúng ta muốn sống trong một cộng đồng trung thực, chân thành và tin tưởng, chúng ta phải tránh nói dối, cũng như tránh loan truyền bất kỳ thông tin: thiếu suy xét, bất lợi cho người khác, bôi nhọ danh tiếng của họ, tiết lộ bí mật riêng tư chính đáng của họ, hay than phiền quá mức. Thay vào đó, chúng ta nên khuyến khích sự trung thực trí tuệ, giá trị của sự chân thành và thiện chí, giữ những bí mật riêng tư và khuyến khích lẫn nhau.

Trong thời đại các sự kiện bị thay thế và tin tức bị giả mạo, chúng ta phục vụ cho Tin Mừng khi chúng ta cần thi hành trách nhiệm giải trình và lòng trung thực từ việc kiểm tra lương tâm cá nhân đến việc kiểm tra chéo ở tòa án. Thế giới của chúng ta sẽ tốt hơn khi chúng ta tuân thủ tất cả các điều răn; nhưng chúng ta không thể tuân giữ, thậm chí là biết bất kỳ điều răn nào, nếu chúng ta thi hành điều răn đó mà thiếu sự trung thực vốn có trong điều răn thứ 8.

Văn Việt trích dịch từ catholic-link.org

(Nguồn: hdgmvietnam.com)

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.