Thập Giá – Lời Chứng Cho Cuộc Tình

THẬP GIÁ – LỜI CHỨNG CHO CUỘC TÌNH

“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt, 16, 24)



Mùa Chay Thánh và Phục sinh năm nay, con người phải đối diện và trải qua thách đố sống còn trong cơn đại dịch. Thế giới cách ly; hằng triệu người đang vật vả chiến đấu với con virus nhỏ bé; số người chết tăng lên không phải hằng chục mà là hằng trăm ngàn người. Người Kitô hữu lại càng cảm thấy bất an hơn khi cuộc sống đạo bị đảo lộn: không nhà thờ, không trực tiếp tham dự Thánh lễ, không được rước Mình Thánh Chúa, không cùng nhau hát ca cùng cộng đoàn giáo dân… Chúng ta bỗng nhiên có cảm giác cô đơn lạc lối như người đang bước đi mò mẫm trong một thế giới mù sương không tìm được lối ra. Và chúng ta tự đặt câu hỏi: Lạy Chúa, Chúa đang ở đâu? Tại sao Chúa im lặng?

Và Chúa trả lời cho chúng ta: Thánh Giá và Tình Yêu – Thiên Chúa vẫn ở đó, Chúa vẫn gõ cửa lòng mỗi người để đưa chúng ta khỏi vùng u tối. Tiếng Chúa vẫn vọng vang từ đồi Can Vê qua muôn ngàn thế hệ. Âm thanh vang vọng đó tác động không ngừng cho Tình Yêu Chúa trổ sinh.

Thánh Giá Chúa đã trở nên biểu tượng của Tình Yêu: Yêu là hy sinh, là đóng đinh, là quên mình vì người mình yêu. Cũng chính hình ảnh Chúa trên Thập Giá đã để lại lẽ sống cho chúng ta: đó là tình yêu luôn gắn liền với đau khổ. Không có tình yêu, chúng ta sẽ chẳng bao giờ cảm thấy khổ đau trước nỗi khốn cùng của đồng loại, sẽ chẳng bao giờ biết cảm thương chia sẻ. Không yêu, chúng ta không cảm thấy đau lòng trước người thân bạc tình bội ước. Yêu càng nhiều, đau khổ càng lớn. Nhưng nhờ đau khổ, tình yêu thêm mạnh mẽ kiên trung. “Có oằn mình đớn đau mới hiểu được tình yêu” (Đời đá vàng – Vũ Thành An).

Trong những ngày vừa qua, nhất là vào Thứ Sáu Tuần Thánh, đang khi một mình lặng lẽ “giữa tường trắng lặng câm” để chiêm ngắm Thập giá Đức Kitô, tôi đã âm thầm nhỏ lệ dõi theo bước chân Chúa từ dinh quan Tổng trấn Pilate trên con đường Dolorosa (con đường Khổ nạn) cho đến đồi Golgotha trong cuốn phim “The Passion of the Christ” của đạo diễn Mel Gibson. Từ đó tôi nhận ra tình yêu của Thiên Chúa vĩ đại đến dường nào và giúp chúng ta chan chứa hy vọng những tháng ngày u uất này. Tình yêu là trung tâm của đời sống Kitô hữu. Tình yêu là nền tảng cho một cuộc sống hướng đến niềm vui và bình an. Rồi tôi bỗng thấy vững tin khi nhớ lại lời giáo huấn trong bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Buổi Cầu nguyện đặc biệt hôm 27/3/2020:

“Chúng ta có một chiếc neo: đó là qua thập giá của Ngài chúng ta được cứu độ. Chúng ta có một hoa tiêu: đó là qua thập giá của Ngài chúng ta được cứu chuộc. Chúng ta có một hy vọng: đó là qua thập giá của Chúa, chúng ta được chữa lành và ôm ấp để không có gì và không một ai có thể tách biệt chúng ta ra khỏi tình yêu cứu độ của Chúa.”

Vâng, Thánh giá không còn là biểu tượng của sự đau khổ mà còn được Chúa thánh hóa thành Lời chứng của Tình Yêu.

Và từ sự thống khổ của cơn đại dịch này, chúng ta hãy biến nó thành điểm tựa vực dậy Tình Yêu thương giữa người với người, để nhân loại không còn giết chóc, hận thù mà cùng nắm tay nhau hát khúc Phục sinh cùng Tình yêu của Chúa Giêsu.

Từ tâm tình trên, với sự gợi hứng từ một sáng tác của nhạc sĩ Phan Ngọc Hiến – em trai tôi – tôi đã làm Clip Video theo tên bài hát “Thập Giá – Lời chứng cho cuộc tình”, như một cảm xúc bằng hình ảnh gửi tặng đến mọi người tôi yêu thương trên cõi đời này.

Tuần Thương Khó năm 2020

PHAN NGỌC HÙNG – Paul Sartre (HB1) 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.