Đời sống thiêng liêng là gì?


ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG LÀ GÌ

Nói với người khôn ngoan, còn không thì hãy giữ thinh lặng,
Vì người đời sẽ chế giễu ngay.
Tôi ca tụng những gì thật sự sống động,
những ước nguyện được bừng cháy cho đến chết.

Trong dòng nước êm đềm của đêm tối tình yêu,
nơi bạn đã được sinh ra, nơi bạn đang và sẽ sinh sôi
một cảm giác kỳ lạ tràn ngập trên bạn
khi bạn thấy cây nến đang cháy trong cô tịch.

Giờ đây, bạn không còn bị kẹt trong nỗi ám ảnh bóng tối,
và một khát khao thương yêu cao hơn sẽ cuốn bạn lên cao hơn nữa.

Khoảng cách không làm bạn chùn bước,
giờ đây, khi bước tới trong điều kỳ lạ, khi bay lên cao,
và cuối cùng, say sưa với ánh sáng,
bạn là cánh bướm và bạn ra đi. 
Và cho đến lúc nào bạn chưa nếm được kinh nghiệm này: chết để được lớn lên,
bạn chỉ là vị khách phiền muộn trên mặt đất đen tối này.

Johann Wolfgang Von Goethe, “The Holy Longing”

Đời sống thiêng liêng là gì?

“Chúng ta được bắn vào cuộc đời bằng một sức điên cuồng đến từ các vị thần, điều này làm chúng ta tin rằng chúng ta có thể có một tình yêu cao cả, duy trì được mãi mãi dòng giống riêng mình và suy tính những điều thần thánh thiêng liêng.” (Platon)

Khát khao, căn bệnh cơ bản của chúng ta

Đi trên trần thế này mà tìm được bình an là chuyện không phải dễ. Trong lòng chúng ta, có vẻ như có một cái gì đó xung khắc với nhịp điệu của sự việc, lúc nào cũng lo lắng, bất mãn, hụt hẫng và đau đớn. Ước muốn quá nhiều nên khó mà đơn thuần nghỉ ngơi. Ước muốn luôn luôn mạnh hơn cảm giác hài lòng.

Nói một cách đơn giản hơn, trong lòng chúng ta có một căn bệnh cơ bản, một ngọn lửa không cách nào dập tắt, làm chúng ta không bao giờ có được bình an trọn vẹn trong cuộc sống. Khát khao này ở trọng tâm đời sống, trong xương tủy, trong cõi sâu thẳm tâm hồn. Chúng ta không phải là những con người an lạc chỉ thỉnh thoảng mới bấn loạn, bồn chồn, những con người bình thản chỉ đôi lúc mới bị ám ảnh bởi lòng khát khao. Ngược lại thì đúng hơn. Chúng ta là những con người bị thôi thúc, luôn luôn bị ám ảnh, bị bệnh bất an từ bẩm sinh, như thi sĩ Thoreau từng nói, chúng ta sống trong nỗi tuyệt vọng sâu kín, chỉ thỉnh thoảng mới cảm nghiệm được bình an. Lòng khát khao luôn khuấy động như ống hút khuấy nước.

Trọng tâm các nền văn học, thơ ca, nghệ thuật, triết học, tâm lý học, tôn giáo lớn, đều chú trọng đến việc nhận diện và phân tích lòng khát khao này. Vì vậy, nhật ký của Anne Frank, của thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, của Etty Hillesum ám ảnh chúng ta. Ước muốn tác động ngầm trong chúng ta, khuấy động tâm hồn. Chúng ta thích những câu chuyện nói về ước muốn – chuyện tình, tình dục, phiêu lưu, ám ảnh nhớ nhà, tham vọng vô bờ bến, mất mát đau thương. Rất nhiều các nhà tư tưởng thế tục đương đại đã nhóm lên ngọn lửa này, sức mạnh ám ảnh này và đó là trọng tâm suy tư của họ.

Ví dụ, Sigmund Freud nói về ngọn lửa không trọng điểm cháy ở trọng tâm đời sống chúng ta, thúc đẩy chúng ta đi tìm lạc thú mãi hoài không chùn chân mỏi gối, không cách nào thoả mãn được. Đối với Freud, ai ai cũng bị nạp quá nhiều năng lượng hơn mức cần thiết cho cuộc sống này. Carl Jung thì nói đến những năng lực sâu thẳm, không thể thay đổi, mang tính cách truyền thừa, năng lực này cấu trúc tâm hồn chúng ta, bắt buộc chúng ta chú ý đến nó một cách tuyệt đối. Jung cảnh báo, năng lượng không thân thiện với chúng ta. Khi nào chúng ta quá bất an, xáo trộn đến mức không ngủ được, chúng ta sẽ hiểu được phần nào điều ông nói. Doris Lessing nói về một loại điện thế nào đó trong cơ thể, một ngàn vôn năng lượng dành cho tình yêu, tình dục, hận thù, nghệ thuật, chính trị. Còn James Hillman thì nói về ngọn lửa màu xanh trong con người chúng ta, về việc bị ám ảnh bởi ma quỷ từ bên ngoài, không phải do bản chất hay do giáo dục, nhưng do ma quỷ, những linh hồn không siêu thoát và đầy đòi hỏi ở bên ngoài, đó mới thực sự là các yếu tố quyết định đối với hành xử của chúng ta. Cả đàn ông lẫn đàn bà đều hay nói đến một loại năng lượng hoang dã nào đó mà chúng ta cần tiếp cận để hiểu đầy đủ hơn. Phái nữ thì nói về tầm quan trọng làm sao đồng hành với chó sói, phái nam thì nói về cuộc hành trình của những người đàn ông hoang dã và lửa sôi sùng sục trong dạ. Các guru của phong trào Thời Đại Mới thì vạch ra quỹ đạo chuyển động của các hành tinh và bảo chúng ta thuận theo những hành tinh phù hợp với mình, nếu không chúng ta sẽ không được bình an.

Dù diễn đạt thế nào đi nữa, rốt cuộc, ai cũng nói về một chuyện – ngọn lửa không thể nào dập tắt, nỗi bất an, niềm khao khát, giày vò, đói khát, cô quạnh, nỗi nhớ cồn cào, một sức hoang dã không chế ngự được, căn bệnh bẩm sinh ở trọng tâm kiếp nhân sinh, sức mạnh tối hậu điều khiển mọi chuyện. Đó là căn bệnh, nỗi bất an phổ quát. Khát khao có mặt ở mọi nơi, không hề có ngoại lệ.

Tuy nhiên khát khao biểu hiện ra thành nhiều tâm trạng và bộ mặt khác nhau. Đôi khi nó chạm mặt chúng ta dưới hình thức nỗi đau – sự bất mãn, hụt hẫng, đau đớn. Lúc khác, sự chi phối của nó không gây cảm giác đau đớn tí nào, mà là nguồn năng lượng sâu xa, như một cái gì đẹp đẽ, một sức mạnh không cưỡng lại được, quan trọng hơn bất cứ cái gì bên trong chúng ta, kéo chúng ta đến với tình yêu, cái đẹp, sáng tạo, và một tương lai vượt khỏi hiện tại hữu hạn của chúng ta. Khát khao có thể biểu hiện như một nỗi đau nhức nhối hay một niềm hy vọng ngọt ngào.

Đời sống thiêng liêng, về tối hậu, là về những gì chúng ta làm để đối xử với lòng khát khao này. Những gì chúng ta làm để đối xử với lòng khát khao, cả những nỗi đau đớn và niềm hy vọng mà chúng mang lại, là đời sống thiêng liêng của chúng ta. Vì vậy, khi triết gia Platon nói rằng chúng ta đang bị đốt cháy vì linh hồn chúng ta đến từ bên trên và cái bên trên này, thông qua khát khao và hy vọng, tạo ra ngọn lửa trong lòng chúng ta, nó cố gắng hướng chúng ta quay lại với nó, ông đã vạch những nét lớn cho một cuộc sống thiêng liêng. Thánh Âu-Tinh cũng nói vậy: “Lạy Chúa! Chúa đã tạo dựng con cho Chúa, lòng con chỉ hết khắc khoải lo âu khi nào con được nghỉ an trong Chúa.” Những gì chúng ta làm đối với nỗi lo âu khắc khoải của mình, đó là hướng đi tinh thần của chúng ta. Tuy nhiên, tất cả những điều này cần phải được giải thích thêm. 

Thế nào là đời sống thiêng liêng?

Hiện nay, ít từ ngữ nào bị hiểu lầm nhiều trong ngôn ngữ tiếng Anh như từ linh đạo, spirituality (linh đạo, đời sống thiêng liêng, tu đức học, trường phái tu đức). Trước hết, đây là một từ tương đối mới trong tiếng Anh, ít nhất là về mặt ngữ nghĩa hiện nay. Từ này trong tiếng Pháp thì không như vậy, vì trong tiếng Pháp, từ linh đạo có một lịch sử lâu dài và phong phú hơn. Tuy nhiên, trong tiếng Anh, chỉ trong vòng ba mươi năm qua, từ này đã trở thành một từ phổ biến. Vì vậy, ví dụ có ai đến thư viện tiếng Anh xem các đề mục sách, họ sẽ thấy, trừ vài trường hợp ngoại lệ, từ linh đạo chỉ xuất hiện ở những sách mới xuất bản trong vòng ba thập kỷ trở lại đây. Đó cũng là những năm khái niệm linh đạo, đời sống thiêng liêng trở nên phổ biến, cả về mặt đạo và đời. Bây giờ ở các tiệm sách đạo và đời, đều có đầy sách nói về linh hướng, linh đạo, đời sống tinh thần, đời sống thiêng liêng.

Cách đây một thế hệ, ngoại trừ vài trường hợp ngoại lệ rất nổi bật, chuyện này chưa xảy ra. Hồi đó, thế giới thế tục gần như không quan tâm đến lãnh vực này. Điều này cũng đúng đối với hầu hết các Giáo hội. Những gì chúng ta bây giờ gọi là linh đạo thì hồi đó cũng đã tồn tại, nhưng có một diện mạo rất khác. Trong các nhà thờ Công giáo, nó tồn tại chủ yếu trong các nhóm cầu nguyện có sức thu hút nhất định, các tư tưởng thần học của giáo phái Hiện Xuống (Pentecost), hoạt động xã hội của giáo phái Tin Lành, và đời sống tận hiến trong Giáo hội Công Giáo La Mã. Trong các nhà sách thế tục, rất ít sách nói về hướng đi thiêng liêng, linh đạo, đời sống thiêng liêng ngoài một phần trong Thánh Kinh, và một số sách viết về đời suy nghĩ tích cực. Vì đây được xem như một lãnh vực khác biệt hẳn so với thần học kinh viện khắt khe, nên ở các nhà sách đạo cũng có rất ít sách này, còn ở các nhà sách Công giáo La Mã, thì có sách về tận hiến và một số sách được xếp vào loại thần học khổ tu.

Bây giờ đâu cũng có các sách nói về linh hướng, hướng đi thiêng liêng, linh đạo, đời sống thiêng liêng. Tuy nhiên, dù có sự nở rộ trong lãnh vực này ở phương Tây, đặc biệt trong lãnh vực sách đời, vẫn còn một vài hiểu lầm lớn về khái niệm này, rằng đời sống thiêng liêng là cái gì đó kỳ lạ, huyền bí, không phải cái gì đó từ cuộc sống cơm gạo đời thường. Vì vậy, với nhiều người, phạm trù thiêng liêng, linh hướng gợi lên hình ảnh của cái gì đó huyền bí, mầu nhiệm, thánh thiêng, mộ đạo, đạo đức, thế giới khác, Thời Đại Mới, một cái gì đó phi thường và tùy người chọn lựa. Rất hiếm khi đời sống thiêng liêng được hiểu như một điều gì đó cốt yếu và không thể đánh đổi được ở cốt lõi đời sống chúng ta.

Đây là một hiểu lầm trầm trọng. Đời sống thiêng liêng không phải là một cái gì phi thường, một lựa chọn của những người có khuynh hướng đặc biệt. Không ai trong chúng ta có chọn lựa nào khác. Ai cũng phải có đời sống tinh thần, và thật sự ai cũng có, hoặc một đời sống cho đi, hoặc một đời sống hủy hoại. Không ai có được cái xa xỉ chọn lựa ở đây, bởi vì tất cả chúng ta đều bị bắn vào đời một sức lực điên cuồng nào đó đến từ các vị thần và chúng ta phải làm cái gì đó với nó. Chúng ta không tỉnh dậy thanh bình, tĩnh lặng nhìn thế giới này, được hưởng xa xỉ lựa chọn làm cái này, không làm cái kia. Chúng ta tỉnh dậy trong tiếng khóc, hừng hực đốt cháy vì ước muốn, vì điên cuồng. Những gì chúng ta làm với cơn điên cuồng này, đó chính là đời sống tinh thần của chúng ta.

Do đó, đời sống tinh thần không phải là chuyện ung dung chọn hay nghĩ kỹ để làm vài sinh hoạt thiêng liêng nào đó như đi nhà thờ, cầu nguyện, suy niệm, đọc sách thiêng liêng, hay khởi sự một cuộc đi tìm thiêng liêng rõ ràng nào đó. Đời sống tinh thần còn căn bản hơn thế rất nhiều. Rất lâu trước khi chúng ta làm bất cứ cái gì có tính tôn giáo rõ ràng, chúng ta phải làm một cái gì đó với ngọn lửa đang hừng hực cháy trong lòng chúng ta. Những gì chúng ta làm với ngọn lửa này, chuyển hóa nó như thế nào, đó là hướng đi thiêng liêng, là đời sống tinh thần của chúng ta. Vì thế, tất cả chúng ta đều có một đời sống tinh thần, một lối sống thiêng liêng dù muốn dù không, dù có đạo hay không. Đời sống thiêng liêng đúng hơn là chuyện mỗi tối mình có thể ngủ được hay không, hơn là chuyện mình có đi nhà thờ hay không. Đó là chuyện đang tụ lại hay đang tán ra, ở trong cộng đồng hay cô quạnh, hài hòa với Đất Mẹ hay xa rời Đất Mẹ. Bất kể chúng ta có để bản thân mình ý thức để theo bất kỳ một tôn giáo nào, chúng ta đều hành động theo những cách khiến chúng ta lành mạnh hay bệnh tật, yêu thương hay cay đắng. Những gì định hình hành động của chúng ta là đời sống tinh thần, là hướng đi thiêng liêng của chúng ta.

Và những gì định hình hành động chúng ta cơ bản là những gì hình thành ham muốn của chúng ta. Ham muốn làm chúng ta hành động, và qua hành động, nó sẽ làm chúng ta tụ nhiều hơn hoặc tán nhiều hơn, từ trong cá tính, tâm trí, thân thể, và nó củng cố hoặc phá hoại mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa, với tha nhân, và với vũ trụ. Các thói quen và kỷ luật chúng ta dùng để gọt giũa ham muốn tạo nên nền tảng cho đời sống tinh thần, bất kể thói quen và kỷ luật này có một chiều kích tôn giáo rõ ràng hay không, thậm chí bất kể chúng có được biểu hiện ra một cách có ý thức hay không.

Đời sống tinh thần liên quan đến những gì chúng ta làm đối với lòng ham muốn. Nó có gốc rễ ở lửa yêu (eros) trong lòng chúng ta, và là tất thảy những gì về cách chúng ta rèn giũa và ghép kỷ luật đối với lửa yêu này. Thánh Gioan Thánh Giá, nhà đại thần bí Tây Ban Nha, bắt đầu thiên khảo luận nổi tiếng của ngài về hành trình của linh hồn với những lời sau: “Một đêm tối kia, bị đốt cháy bằng những khát khao cấp bách của tình yêu.” Đối với ngài, đó là khao khát cấp bách, lửa yêu mãnh liệt, đó là điểm khởi đầu của đời sống tinh thần, và trong quan điểm của ngài, đời sống tinh thần, hướng đi thiêng liêng cơ bản được định nghĩa là cách chúng ta đối xử với lửa yêu này.

Như vậy, để đưa ra một ví dụ nổi bật về thế nào là hướng đi thiêng liêng, cách người đó xử lý với lửa yêu, chúng ta so sánh cuộc sống của ba phụ nữ nổi tiếng: Mẹ Têrêxa, ca sĩ Janis Joplin, và công nương Diana.

Bắt đầu với Mẹ Têrêxa. Tôi nghĩ rằng ít có ai trong chúng ta xem Mẹ Têrêxa là một phụ nữ đầy tình ái. Chúng ta nghĩ về Mẹ như một phụ nữ có đời sống thiêng liêng. Vậy mà Mẹ là một phụ nữ tràn đầy tình ái, dù không nhất thiết hiểu từ đó theo nghĩa hẹp mang sắc thái lý luận của Freud. Mẹ là phụ nữ tràn đầy tình ái vì mẹ là nguồn phát năng lượng mãnh liệt. Nhìn mẹ tưởng mẹ yếu đuối, hiền lành, nhưng thử hỏi bất kỳ ai từng chặn bước đường đi của mẹ thì xem họ sẽ thấy đúng hay sai. Mẹ là xe ủi đất, một phụ nữ thôi thúc bởi tình ái tràn đầy. Tuy nhiên, Mẹ là một phụ nữ rất kỷ luật, một lòng một dạ tận tụy với Thiên Chúa và người nghèo. Ai cũng cho Mẹ là thánh. Tại sao vậy?

Một vị thánh là người có thể, nói một cách chính xác là, chuyển hóa lửa yêu mãnh liệt một cách sáng tạo, theo cách dâng hiến cuộc đời mình cho tha nhân. Triết gia Soren Kierkegaard đã có lần định nghĩa thánh là người có khả năng chỉ quyết chí một chuyện. Không ai phủ nhận, Mẹ Têrêxa chỉ quyết chí duy nhất một chuyện – Thiên Chúa và người nghèo. Mẹ có năng lượng rất mạnh, một năng lực được ghép vào kỷ luật. Tình yêu cháy bỏng của Mẹ dồn hết cho Thiên Chúa và người nghèo. Tận hiến trọn vẹn cho Chúa và người nghèo – là dấu ấn của mẹ, là hướng đi thiêng liêng, linh đạo, đời sống tinh thần của Mẹ. Điều đó làm nên con người của Mẹ.

Bây giờ chúng ta xem đến trường hợp cô ca sĩ Janis Joplin, ngôi sao nhạc rock chết ở tuổi hai mươi bảy vì uống thuốc quá liều, ít người cho rằng cô là người có hướng đi thiêng liêng. Vậy mà cô có. Có người nghĩ cô là hình ảnh đối ngược với Mẹ Têrêxa, tràn đầy tình ái, không có đời sống tinh thần. Tuy nhiên, Janis Joplin không quá khác Mẹ Têrêxa, ít nhất là về cá tính và khi cô không trang điểm. Cô cũng là một phụ nữ đặc biệt, người có lửa yêu rực cháy, một người yêu tuyệt vời, người với nguồn năng lực hiếm có. Nhưng ngược với Mẹ Têrêxa, cô không quyết chí làm một chuyện duy nhất. Cô ước mong và quyết chí làm nhiều chuyện. Năng lượng dồi dào của cô tràn tứ phía, cuối cùng thành quá độ, mệt mỏi quá sức, cô chết yểu. Nhưng những hoạt động đó – một hiến dâng hết thảy cho sáng tạo, biểu diễn, rượu mạnh, tình dục, cọng với việc bỏ bê không nghỉ ngơi bình thường – đó là lối sống tinh thần của cô. Đó là dấu ấn của cô. Đó là cách cô hướng lửa yêu của cô. Trường hợp của cô, cũng là trường hợp của các nghệ sĩ có tài năng, kết cục, ít nhất ở trần gian này, không phải là một sự kết tụ lành mạnh mà là tiêu tán. Đến một lúc, đơn giản cô đã đánh mất những thứ mà thông thường gắn kết một con người bằng da bằng thịt lại với nhau, cô bị vỡ tung dưới quá nhiều áp lực.

Nhìn vào đời sống của Joplin, và cuộc sống riêng của mỗi người chúng ta, có một suy ngẫm thú vị về định nghĩa thánh của Kierkegaard, thánh là người chỉ quyết chí một chuyện. Hầu hết chúng ta đều khá giống Mẹ Têrêxa ở điểm chúng ta đều quyết chí với Thiên Chúa và với người nghèo. Chúng ta quyết chí vì Thiên Chúa và người nghèo. Vấn đề là ở chỗ là chúng ta còn quyết chí các thứ khác nữa. Vậy là, chúng ta vừa muốn là thánh, vừa muốn trải nghiệm mọi cảm giác của người tội lỗi; vừa muốn ngây thơ trinh khiết, vừa muốn nếm tất cả hương vị cuộc sống; vừa muốn phục vụ người nghèo và sống giản dị, vừa muốn có tất cả tiện nghi của người giàu, vừa muốn có chiều sâu nội tâm trong cô tịch, vừa không muốn từ bỏ chuyện gì; vừa muốn cầu nguyện, vừa muốn xem truyền hình, đọc sách báo, nói chuyện với bạn bè, ra ngoài chơi. Vì thế, chẳng ngạc nhiên khi cuộc sống bình thường trở thành một cuộc gắng gỗ trường kỳ và chúng ta thường mệt mỏi, bị kéo căng quá độ một cách bệnh hoạn.

Có câu châm ngôn triết học thời Trung cổ: Mỗi lựa chọn là một từ bỏ. Đúng vậy. Mỗi lựa chọn là một ngàn từ bỏ. Chọn một chuyện là quay lưng với nhiều chuyện khác. Kết hôn với một người là không kết hôn với tất cả các người khác, có con là bỏ nhiều chuyện khác, cầu nguyện là bỏ xem truyền hình, bỏ đi chơi với bạn bè. Điều này khiến việc lựa chọn thành khó khăn. Chẳng ngạc nhiên gì khi chúng ta phải gắng gỗ rất nhiều để giữ vững các cam kết. Không phải chúng ta không muốn những điều đó, nhưng chỉ vì chúng ta biết rằng, nếu chọn chúng thì buộc phải bỏ quá nhiều những thứ khác. Không phải dễ dàng mà thành thánh, có kỷ luật như Mẹ Têrêxa, chỉ ước mong và quyết chí một chuyện. Nguy hiểm là ở chỗ rốt cục, chúng ta giống tình cảnh Janis Joplin, có tâm tốt, đầy năng lượng, bị thôi thúc để thụ hưởng mọi thứ trên đời, nhưng có nguy cơ sụm và chết vì thiếu nghỉ ngơi.

Janis Joplin có lẽ là một ví dụ hơi quá. Đa số chúng ta không chết ở tuổi 27 vì thiếu nghỉ ngơi. Tôi cho rằng, hầu hết chúng ta có phần nào giống công nương Diana – một nửa của Mẹ Têresa, một nửa của Janis Joplin.

Công nương Diana đáng được suy ngẫm ở đây, không phải chỉ vì cái chết của cô làm cho cả thế giới đột nhiên ngưng lại, mà cho tới nay rất ít người nào được như vậy, mà vì điều thú vị là khi quan sát cô, không giống trường hợp Mẹ Têrêxa hay Janis Joplin, người ta thấy ngay cô có hai yếu tố lửa yêu và lối sống thiêng liêng. Công nương Diana được xem như người có cả hai: đầy tình ái và có đời sống tinh thần. Đó là điều hiếm có, xét theo cách hiểu phổ biến về đời sống thiêng liêng. Thường thường chúng ta thấy người này có khía cạnh này, người khác có khía cạnh kia, nhưng ít thấy ai có cả hai khía cạnh đó. Hơn nữa, cô xứng đáng danh hiệu này vì cô thật sự cho thấy khá rõ cả hai chiều kích này.

Yếu tố tràn đầy tình ái nơi cô là rõ ràng, dù không phải lúc nào cũng theo cách thoạt đầu khi nghĩ đến danh từ này. Nhìn bề ngoài thì rất dễ: Cô là phụ nữ được chụp hình nhiều nhất thế giới, được ngưỡng mộ vì ngoại hình, sắm áo quần hàng triệu đô-la và rõ ràng không phải là một nữ tu độc thân. Cô yêu đương, nghỉ hè với các tay chơi trên du thuyền sang trọng ở Địa Trung Hải, ăn uống ở những tiệm ăn đắt nhất ở Luân-đôn, Paris và Nữu Ước, có lối sống khó mà giống lối sống các thánh ngày xưa. Nhưng đó là bề ngoài, không nhất thiết phải là người có lửa yêu mãnh liệt mới làm như vậy. Rất nhiều người làm những chuyện này nhưng họ tầm thường. Quan trọng chính là năng lượng của cô. Ở đây cô là một Mẹ Têrêxa và Janis Joplin, rõ ràng cô có ngọn lửa lớn, có sự điên cuồng mà người Hy Lạp nói tới. Một phần điều này không nắm bắt được, nhưng một phần là cái có thể thấy được trong mỗi cử động, mỗi quyết định, mỗi đường nét trên khuôn mặt cô. Không phải ngẫu nhiên, cũng không đơn thuần vì sắc đẹp hay các việc thiện của cô, mà cô có sức thu hút mạnh mẽ như vậy. Năng lượng của cô còn hơn cả sắc đẹp hay các việc thiện của cô, đó mới làm cho cô ngoại hạng.

Phần đời sống tinh thần của cô cũng rõ ràng, rất lâu trước khi cô là bạn của Mẹ Têrêxa và nghiêm túc làm việc thiện, đời sống thiêng liêng của cô cũng khá rõ ràng. Chính người anh trai của cô đã nói về khía cạnh này khi ca ngợi cô, các việc thiện của cô, đúng vậy, nhưng quan trọng hơn, đó là cái gì khác ở nội tâm cô, là chiều sâu, là khát vọng đạo đức không bao giờ cho phép cô bằng lòng mình là người chu du khắp thế giới, một người có thói quen nép mình, khao khát làm vui lòng người khác, một người sống theo kỷ luật, dù thường là bị bắt buộc, một người mà, nhưng như Kierkegaard nói, ước mong và quyết chí về Chúa và người nghèo, dù không hoàn toàn, dù cô vẫn khát khao những chuyện khác nữa.

Linh hướng là về cách chúng ta hướng đường đi cho lửa yêu. Trong những gắng gỏi của công nương Diana để hướng lửa yêu, chúng ta thấy đôi điều mà đa số chúng ta đều có, một phức tạp khủng khiếp, một đấu tranh đau đớn để lựa chọn và cam kết, một kết hợp đầy tính người giữa tội lỗi và đức hạnh. Đời sống thiêng liêng là những gì chúng ta làm trong tinh thần đó. Vì vậy, với công nương Diana, lối sống thiêng liêng của cô vừa là cam kết cho người nghèo vừa là các kỳ nghỉ hè ở Địa Trung Hải… cùng với tất cả đau khổ và vấn đề ở giữa hai điều đó. Như chúng ta thấy, linh đạo của cô là con đường pha trộn. Cô không đi trọn con đường của Mẹ Têrêxa, cũng không đi trọn con đường của Janis Joplin. Cô chọn một vài chuyện để kết tụ cho tâm hồn và thể xác nhưng cô cũng chọn những chuyện làm tan rã tâm hồn và thể xác. Và đó là lối sống tinh thần. Đó là về tụ và tán, về việc chọn lựa mà công nương Diana phải làm và sống với những gì mà quyết định đó đưa đến.

Như thế chúng ta có thể định nghĩa đời sống thiêng liêng theo cách này: Đời sống thiêng liêng là những gì chúng ta ứng xử với ngọn lửa trong lòng chúng ta, về cách thức chúng ta hướng đường đi cho nó. Và cách chúng ta hướng nó, các kỷ luật và thói quen chúng ta chọn để sống theo, hoặc sẽ đưa đến kết tụ nhiều hơn, hoặc phân tán hơn trong cơ thể, tâm trí, linh hồn, đưa đến tụ nhiều hơn hay tán hơn trong tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, với tha nhân, với vũ trụ. Chúng ta thấy điều này thể hiện qua cách sống của Mẹ Têrêxa, một cách khác nơi Janis Joplin, và một cách khác nữa nơi công nương Diana.

Từ tất cả những chuyện này, chúng ta có thể thấy đời sống thiêng liêng là những gì chúng ta làm với tinh thần, với linh hồn chúng ta. Từ tất cả những chuyện này, chúng ta cũng thấy một tinh thần lành mạnh, một linh hồn lành mạnh phải làm công việc kép: thứ nhất, phải cho chúng ta năng lượng và ngọn lửa, để chúng ta không mất sức sống, và tất cả ý nghĩa của cái đẹp và niềm vui sống. Như thế, ngược lại với người có đời sống thiêng liêng không phải là người không tin Chúa và sống như người ngoại đạo. Đối nghịch của đời sống thiêng liêng là lối sống không có năng lượng, mất tất cả niềm say mê cuộc sống, nằm ườn trên ghế, xem đá banh, xem phim hài trên tivi, nốc bia như tiêm dịch truyền! Chức năng khác của đời sống thiêng liêng – việc thứ hai – và một chức năng rất cốt yếu – gắn bản thân mình lại với nhau, là tụ lại, là không tán ra và chết. Theo khía cạnh này, ngược lại với người có đời sống thiêng liêng là người đánh mất bản sắc, đánh mất mình, nghĩa là, người mà vào một thời điểm nào đó không còn biết họ là ai. Một linh hồn lành mạnh giúp chúng ta vừa có năng lượng vừa gắn kết với nhau.

Tuy nhiên, để hiểu điều này sâu sắc hơn, chúng ta cần phải nhìn kỹ linh hồn hơn, vừa ở khía cạnh ngọn lửa, vừa ở khía cạnh chất keo gắn kết bản thân ta lại.

Hai chức năng của linh hồn

Linh hồn là gì? Thật thú vị khi ghi lại cảm nhận đến ngay lập tức trong đầu khi nghe hai chữ tâm hồn. Đối với nhiều người, tôi ngờ rằng, nếu từ này có gợi lên chút gì đó, thì đó là một hình ảnh, một hình ảnh rất mơ hồ, mờ ảo, của một tấm giấy mỏng thiêng liêng nào đó màu trắng, gần như không nhìn thấy, được trôi nổi đâu đó sâu trong chúng ta, bị nhuốm bẩn khi chúng ta phạm tội, và sẽ rời thân xác chúng ta khi ta chết, và bay đi để chịu sự phán xét của Chúa. Dù hình ảnh này không phù hợp đến mức nào, thì nó không phải là không có giá trị. Rốt cuộc chúng ta đang cố gắng hình dung về một điều không thể hình dung được, và chúng ta cần hình thành một hình ảnh nhất định về  nó.

Tuy vậy, điều sai lầm trong quan niệm này là nó tách bạch linh hồn quá mức khỏi cái cốt lõi của bản thân con người chúng ta, khỏi bản sắc ý thức của chúng ta. Linh hồn chúng ta không phải là cái mà chúng ta có, mà đúng hơn, đó chính là chúng ta. Đó chính là mạch sống, xung năng trong chúng ta, chính nó làm chúng ta còn sống. Chính vì vậy, khi chúng ta nói ai ở phút lâm chung là nói lúc hồn lìa khỏi xác. Điều này hoàn toàn chính xác. Linh hồn là nguyên tắc sống trong một cơ thể con người, vì quả thật, đó là xung động sống trong bất cứ sinh thể nào. Như vậy linh hồn có hai chức năng:

Trước hết, nó là nguyên tắc năng lượng. Sự sống là năng lượng. Chỉ có duy nhất một thể xác không hề có bất kỳ năng lượng hoặc căng thẳng nào bên trong, đó là xác chết. Linh hồn là cái đem lại sự sống. Bên trong nó là ngọn lửa, là lửa yêu, là năng lượng điều khiển chúng ta. Vì thế, lúc nào chúng ta còn sống thì lúc đó linh hồn còn ở trong thể xác chúng ta, và chúng ta chết ngay giây phút linh hồn rời khỏi thể xác.

Điều thú vị là đôi khi chúng ta dùng từ linh hồn và nghĩ rằng chúng ta đang nói một cách ẩn dụ, nhưng thật ra chúng ta đang sử dụng từ đó một cách chính xác đến lạ lùng. Chẳng hạn khi chúng ta nói “nhạc có hồn” (soul music). Cái gì làm cho âm nhạc có hồn? Sẽ hiểu rõ điều này nếu nhìn vào cái ngược lại. Cứ tưởng tượng loại nhạc bạn nghe mãi ở phi trường, siêu thị, trong thang máy. Nó đơn giản chỉ là loại nhạc máy móc lấp cho đầy, không có tâm hồn. Nó chẳng tác động gì đến bạn. Nó không làm cho tế bào của bạn rung cảm. Một số loại nhạc khác làm cho bạn rung cảm, vì thế chúng ta gọi nó là nhạc có hồn. Nó đầy năng lượng, đầy lửa yêu, và tất cả những gì lửa yêu mang đến – ước muốn, khắc khoải bồn chồn, hoài niệm, thèm muốn, khao khát và hy vọng. Lửa yêu là linh hồn và linh hồn cho năng lượng.

Nhưng linh hồn không chỉ đơn thuần cho năng lượng. Nó cũng là chất kết dính gắn bản thân ta lại, là nguyên tắc tụ và tính cá biệt của chúng ta. Linh hồn không chỉ làm chúng ta sống, nó còn làm chúng ta là một thể hợp nhất. Điều này dễ thấy ở cấp độ thực thể. Về mặt sinh học, thể xác chúng ta chỉ là tổng hợp của các hóa chất. Tuy nhiên, chừng nào chúng ta còn sống, còn có một linh hồn bên trong, thì tất cả hóa chất này cùng kết hợp với nhau, tạo ra một sinh thể hợp nhất, một thể xác, trong đó tất cả các chất hóa học đơn lẻ và tất cả tiến trình mà các hóa chất này tạo ra kết hợp với nhau để tạo ra một cơ thể sống hợp nhất, một thể hợp nhất vốn dĩ cao hơn một phép phối hợp đơn thuần tất cả các bộ phận của nó. Chúng ta gọi đây là một cơ thể, và mỗi cơ thể phụ thuộc vào một linh hồn mới tồn tại được. Vì vậy, khi thấy một người nào đó chết, chúng ta thấy chính xác là từ giây phút họ chết trở đi, chúng ta không còn một cơ thể nữa. Đúng ra, chúng ta thậm chí còn không gọi đó là cơ thể nữa, mà gọi là xác chết. Ngay giây phút chết, tất cả các hóa chất bắt đầu đi theo con đường riêng của chúng. Cái chết và sự mục rữa chính là đây. Các hóa chất trước đây cùng kết hợp để tạo ra một thể hợp nhất, và thật sự chúng là một thể hợp nhất, thì từ nay mỗi thứ đi mỗi đường. Một thời gian sau khi chết, chúng vẫn còn giữ hình dạng của một cơ thể, nhưng chỉ vì chúng còn dính với nhau. Nhưng điều đó cũng sớm thay đổi. Một khi linh hồn đã lìa khỏi xác, cơ thể không còn là cơ thể nữa. Các hóa chất, mỗi thứ đi mỗi nẻo, không làm nên sự sống nữa.

Cái gì đúng về mặt sinh hóa thì cũng đúng về mặt tâm lý. Ở đây cũng vậy, linh hồn là nguyên tắc hợp nhất. Trong tâm trí chúng ta, linh hồn cũng là cái gắn kết bản thân ta lại. Do đó, khi chúng ta dùng cụm từ “đánh mất linh hồn,” không hẳn chúng ta nói đến án phạt đời đời. Theo cách nói lóng ngày nay, đánh mất linh hồn nghĩa là rã ra. Đánh mất linh hồn một người là làm cho nó tan rã. Vì thế khi tôi cảm thấy thế giới nội tâm của tôi sụp đổ hoàn toàn, khi tôi không còn biết tôi là ai, khi tôi phóng ra theo mọi hướng nhưng cùng lúc lại không biết mình đang đi đâu, đó là lúc tôi đánh mất linh hồn. Điều đó, cũng như câu hỏi về sự sống đời đời, là khi Chúa Giêsu hỏi: “Được cả thế gian thì ích gì khi đánh mất linh hồn của chính mình”?

Vì vậy, một linh hồn lành mạnh phải làm hai chuyện cho chúng ta. Trước tiên, nó phải châm chút lửa trong mạch máu, giữ cho chúng ta đầy tràn sinh lực, sống động, say mê, tràn đầy hy vọng, cảm nhận cuộc sống rốt cuộc thật ý nghĩa, tuyệt đẹp và đáng sống. Bất cứ lúc nào ngọn lửa này suy sụp trong lòng chúng ta, thì hẳn linh hồn chúng ta đang không ổn. Khi nỗi hoài nghi, tuyệt vọng, cay đắng hay trầm cảm làm tê liệt năng lượng chúng ta thì một phần linh hồn chúng ta đang bị tổn thương. Thứ hai, một linh hồn lành mạnh phải gắn kết bản thân ta lại. Nó phải liên tục cho chúng ta cảm nhận chúng ta là ai, chúng ta đến từ đâu, chúng ta đi về đâu, và ý nghĩa của tất cả những chuyện này. Khi chúng ta đứng trước gương, hoang mang nhìn chính mình và tự hỏi liệu có có ý nghĩa gì hay không trong cuộc sống chúng ta, là lúc chính nửa kia của tâm hồn chúng ta, nguyên tắc tụ của chúng ta đang yếu đi.

Nói cách khác, linh hồn có một nguyên tắc hỗn loạn và một nguyên tắc trật tự, sự lành mạnh của linh hồn tùy thuộc vào việc dành cho mỗi phần này một mức thích đáng. Quá nhiều trật tự thì bạn có thể chết ngộp; quá nhiều hỗn loạn thì bạn chết vì tán loạn. Vì thế, mỗi linh hướng lành mạnh phải có hai đền thờ: các đền thờ của Chúa hỗn loạn và đền thờ của Chúa trật tự. Vị Chúa này giữ cho chúng ta tràn đầy năng lượng, vị Chúa kia giữ bản thân chúng ta gắn kết lại. Hai chức năng này của linh hồn luôn luôn ở trong tình trạng căng thẳng có tính sáng tạo. Điều này giải thích vì sao đôi khi chúng ta trải qua những đấu tranh nội tâm mãnh liệt. Năng lượng và sự kết tụ, đam mê và khiết tịnh, lửa và nước, luôn luôn cự lại với nhau, và mỗi thứ đều có chuyện chính đáng để lo cho sức khỏe chúng ta. Chẳng ngạc nhiên khi thấy sống không phải là điều đơn giản.

Điều này có ý nghĩa thực tiễn vô cùng to lớn đối với cuộc sống của chúng ta. Cái gì lành mạnh và không lành mạnh cho linh hồn chúng ta? Vì vậy, chẳng hạn, có lành mạnh khi xem những cảnh bạo lực, tình dục trên phim hay vô tuyến không? Kinh nghiệm cụ thể này hay kinh nghiệm kia lành mạnh hay không lành mạnh cho tôi bây giờ? Trong bối cảnh này, chúng ta thấy vấn đề cái gì làm cho linh hồn lành mạnh hay không lành mạnh rất phức tạp, vì có ngày chúng ta cần kết tụ, cần định nhiều hơn cần năng lượng, có ngày thì ngược lại. Chỉ cần lấy một ví dụ đơn giản: Nếu tôi cảm thấy tán loạn, không biết tôi là ai và đâu là ý nghĩa của đời tôi, thì tôi nên đọc sách của Jane Austen hơn là của Robert Wailer, xem phim Lý trí và Tình cảm (Sense and Sensibility) hơn là xem Những cây cầu ở quận Madison (The Bridges of Madison County), dành thì giờ để thinh lặng hơn là đến chốn phồn hoa. Ngược lại, nếu tôi cảm thấy lòng tôi như chết, không thể tìm được một sức sống nào, tìm thấy bất kỳ nhiệt tình nào cho cuộc sống, thì tôi cần phải xem lại công thức sống. Có những thứ mang lửa lại cho chúng ta, có những thứ khác giúp chúng ta kiên nhẫn chịu đựng căng thẳng. Cả hai đều có vị trí riêng của nó trong đời sống linh hướng.

Vì lý do đó mà các yếu tố nước và lửa luôn luôn là biểu tượng trọng tâm trong các tôn giáo. Lửa tượng trưng cho năng lượng, tình yêu, đam mê. Nước tượng trưng cho sự dịu lại, kiềm chế, một khuông bảo bọc an toàn. Theo thần thoại, đời sống thiêng liêng thường được ví như một tương tác, đan xen giữa các yếu tố này, lửa và nước. Cũng không lấy làm ngạc nhiên. Trong huyền thoại, linh hồn luôn luôn ở trong lò luyện kim, được lửa hun nóng và định dạng, sau đó được nước làm nguội lại.

Cùng trong chiều hướng đó, thật ngoạn mục khi nghiên cứu, các câu chuyện cổ tích khác nhau trong các nền văn hóa khác nhau về nguồn gốc linh hồn, và tất cả những gì liên hệ đến việc linh hồn đi vào thể xác chúng ta.

Trong văn hóa Nhật Bản, có một quan niệm rằng trẻ sơ sinh bước vào cộng đồng loài người từ một nơi rất xa. Linh hồn của nó còn lạ lẫm với thế giới này, nên điều tuyệt đối quan trọng là thoạt tiên, đứa bé phải luôn được chăm chút sát sao, và bà mẹ hay người săn sóc ban đầu không bao giờ được để em bé một mình. Tạo vật lạ này phải làm sao luôn cảm nhận là mình được chào đón. Có một cái gì đó, một ngọn lửa, bên trong em bé, vốn dĩ đến từ một nơi khác. Trong số các câu chuyện cổ tích của Na Uy, có một truyền thuyết rất đẹp là, trước khi đặt linh hồn vào cơ thể, Thiên Chúa hôn linh hồn đó và, trong suốt cuộc sống trên trái đất, linh hồn vẫn giữ ký ức không rõ ràng, nhưng rất mạnh, sâu thẳm, về nụ hôn đó, và liên hệ tất cả mọi điều đến nụ hôn đó. Còn truyền thuyết Do Thái thì cho rằng trước khi Thiên Chúa đặt linh hồn vào cơ thể, linh hồn đó được yêu cầu quên đi cuộc sống siêu nhiên trước đây của nó. Vì vậy, ngay khi linh hồn nhập vào cơ thể, thì một trong những thiên thần của Chúa ấn miệng em bé lại, một cử chỉ nói lên rằng, trong suốt cuộc sống trần thế của em, em phải giữ thinh lặng về nguồn gốc thiêng liêng của mình. Vết lõm nhỏ ngay dưới mũi chính là dấu ấn ngón tay trỏ của thiên thần, niêm phong đôi môi của bạn – đó là lý do tại sao, khi bạn cố gắng nhớ một điều gì, khi bạn suy nghĩ, ngón tay trỏ của bạn tự nhiên đưa lên và để vào vết lõm đó.

Đúng là các huyền thoại đẹp đã vinh danh linh hồn. Chúng cũng gợi cho biết, như chúng ta nãy giờ đã nói, có một ngọn lửa từ rất xa đến trong linh hồn chúng ta và những gì linh hồn làm trong cuộc sống này đều được ngọn lửa này hướng dẫn rất nhiều.

Một điều cuối cùng, và là điều quan trọng, là linh hồn hiện diện trong tất cả mọi sự của thiên nhiên. Người thời cổ đại và trung cổ tin rằng, không phải chỉ có con người mới có linh hồn và đời sống thiêng liêng. Theo quan điểm của họ, mọi sinh vật sống, cây cối, côn trùng, súc vật đều có linh hồn và đời sống thiêng liêng. Họ đúng. Hơn nữa, ngày nay, với sự hiểu biết của chúng ta về vật lý, chúng ta biết ngay cả các hạt nhỏ nhất của vũ trụ, với điện tích dương và điện tích âm, đều có một cái gì đó giống như khao khát, và vì thế chúng cũng có một loại linh hồn riêng. Quan trọng là nhận ra điều này, không phải vì lý do lãng mạn hay thần thoại, mà vì tất cả chúng ta đều là một mảnh nhỏ của thiên nhiên. Để hiểu chính mình, và hiểu linh hướng có ý nghĩa như thế nào đối với chúng ta, chúng ta cần đặt chính mình trong bối cảnh lớn nhất có thể – toàn thể vũ trụ.

Pierre Teilhard de Chardin*, vừa là khoa học gia, vừa là thần học gia, từng định nghĩa con người là một quá trình tiến hoá để trở nên tự tri. Đó là một tri kiến sâu sắc, bởi vì chúng ta, những con người, không tách ra khỏi thiên nhiên, mà đơn giản là một phần của thiên nhiên biết suy nghĩ, cảm nhận, hành động có ý thức về bản thân. Thiên nhiên là một tổng thể, một chuỗi tiếp nối; một số có thể tự tri, một số đơn thuần ý thức, một số chỉ có ý thức rất tối, ý thức mơ hồ. Nhưng tất cả, kể cả chúng ta, những con người, đều được hướng dẫn bởi linh hồn, tinh thần, ước muốn, lửa yêu, khát khao. Thiên nhiên cũng bị đốt cháy bởi một cơn điên cuồng đến từ các vị thần. Sự khác biệt ở đây là, trước khi có mức độ tự ý thức và tự do của con người, sức mạnh điều khiển thiên nhiên là một lực tối, dường như mù, đôi khi tàn nhẫn, không khoan nhượng. Không có gì thực sự tĩnh lặng, ở cả mức độ cơ bản nhất của thiên nhiên.

Ôxy kết hợp với hyđrô và sự kết hợp này đến lượt nó lại bị kéo ra ngoài để kết hợp với các nguyên tố khác, và cứ thế mà tiếp tục. Tất cả mọi thứ trong thiên nhiên, cũng như tất cả mọi người, đều mang bất an, căn bệnh nền tảng và bị thôi thúc ra bên ngoài. Dưới đây là một minh họa:

Một người bạn của tôi kể câu chuyện, sau khi mua căn nhà, anh quyết định chặt cây tre già ở lối xe ra vào. Anh đốn cây, lấy rìu chặt rễ, và sau khi diệt đi ở mức tối đa có thể, anh đổ một loại thuốc độc diệt cây cỏ vào phần còn lại. Cuối cùng, anh lấp hố bằng một lớp đá sỏi dày cả mét, đầm chặt lại rồi tráng xi măng lên.

Hai năm sau xi măng nứt, cây tre dần dần nhú lên mặt đất. Nguyên tắc sống của nó, cái lực sinh sôi vô hình, đã không hề bị búa rìu, chất độc, xi măng ngăn cản.

Trong tất cả mọi sự vật, chúng ta đều thấy cái linh hồn dường như mù, không thể tin nỗi này. Trong mọi sự vật, từ các nguyên tử cho đến con người, có một sức mạnh vô hình gắn kết mọi sự với nhau và phát triển. Không có gì có thể ngăn chặn được nó. Nếu bạn đặt một miếng thép cứng chung quanh cây dưa hấu đang lớn, khi cây lớn, nó sẽ phá tung miếng thép.

Tất cả đều hướng ra ngoài, đất đá, cỏ cây, côn trùng, súc vật đều tràn đầy tình ái, bị thúc đẩy không ngừng, cũng như con người. Ở đây, trong một mức độ nào đó, có một sự giống nhau lạ kỳ giữa giữa hình ảnh cây tre cố gắng đội bê tông nứt lên từ nơi mù mịt, việc cho em bé ăn, việc các thiếu niên bị kích thích tố chi phối không ngừng, trạng thái bất an rõ rệt trong một quán bar của những kẻ độc thân, Mẹ Têrêxa quỳ gối cầu nguyện đầy ý thức với Chúa. Khát khao đang thôi thúc trong mỗi trường hợp, đôi khi trong mù mịt, đôi khi có ý thức. Thánh Phaolô chắc sẽ nói, trong mỗi trường hợp, Chúa Thánh Thần đang cố gắng cầu nguyện thông qua một điều gì đó hay một ai đó. Luật của trọng lực và sức hút của ám ảnh xúc cảm cũng không quá khác nhau.

Teilhard de Chardin đã từng nói Thiên Chúa nói với mỗi yếu tố bằng ngôn ngữ mà yếu tố đó có thể hiểu được. Như vậy, Thiên Chúa hút khí hyđrô qua tính hấp dẫn của ôxy đối với hyđrô. Cũng một cách như vậy, Thiên Chúa lôi cuốn mọi thứ, kể cả từng người một trong chúng ta. Rốt cùng, có một sức mạnh, một tinh thần hoạt động trong toàn vũ trụ. Các hóa chất trong bàn tay chúng ta, các hoá chất trong bộ não chúng ta được tôi trong cùng một lò luyện với các vì sao. Chính cái tinh thần khiến khí ôxy gắn với khí hyđrô cũng làm em bé khóc khi đói bụng, làm các thiếu niên bị kích thích tố chi phối và tụ tập bên ngoài, mời gọi  Mẹ Têrêxa đến nhà thờ cầu nguyện. Có một sự bất mãn, một từ khác để chỉ linh hồn và tinh thần, trong mọi sự vật, và những gì mà những sự vật này, hay những con người này, ứng xử với tình trạng bất đồng đó chính là đời sống thiêng liêng của họ.

Chúng ta là một phần của vũ trụ, cái phần đã trở nên tự tri, nơi đó mọi thứ đều khát khao một điều gì vượt cao hơn chính nó. Trong con người chúng ta có linh hồn, có tinh thần, và những gì chúng ta làm với linh hồn chính là đời sống thiêng liêng của chúng ta. Ở một mức độ rất cơ bản, trước khi cần đề cập đến tất cả những gì là tôn giáo rõ ràng, thì sự thật là nếu chúng ta làm gì để duy trì cho bản thân có năng lượng và kết tụ, để ngọn lửa còn cháy và bản thân ta gắn kết, thì chúng ta có một đời sống thiêng liêng lành mạnh. Ngược lại, nếu khát khao của chúng ta đẩy chúng ta vào những hành động làm chai cứng tâm hồn hay làm chúng ta tán và chết, thì chúng ta có một đời sống thiêng liêng không lành mạnh. Đời sống thiêng liêng là những gì chúng ta làm với nỗi khát khao bất tận này trong lòng chúng ta, cái điên cuồng đến từ các vị thần.

Ai cũng phải có một đời sống thiêng liêng. Dù sự thật này đã rõ ràng, nhưng trong nền văn hóa phương Tây ngày nay nó không được hiểu một cách rõ ràng cho lắm, hay đã được chấp nhận nhiều cho lắm. Với tất cả mọi lý do, chúng ta đang gắng gỗ khó khăn với lối sống thiêng liêng, và dù có là kitô hữu hay không, tất cả chúng ta đều có khuynh hướng vất vả chật vật với khía cạnh tôn giáo của đời sống thiêng liêng. Giờ đây chúng ta quay sang chính điều đó – những nỗ lực chật vật để hiểu điều đó cả về mặt lý thuyết lẫn hiện sinh.

* Pierre Teilhard de Chardin là khoa học gia, triết gia, thần học gia, nhà thơ. Ông sống từ 1882-1955. Ông là linh mục dòng Tên, nhà cổ sinh vật học nổi tiếng thế giới. Ông nghiên cứu ngành cổ sinh vật học ở Trung Quốc nhiều năm, viết một số sách trong cả hai lĩnh vực khoa học và tôn giáo. Trong khoa học, tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là The Phenomenon of Man (New York: Harper and Row, 1955). Trong thần học, tác phẩm lớn của ông là: The Devine Milieu (New York: Harper and Row, 1960). Ít người ở thế kỷ chúng ta tạo được sự kết hợp độc đáo và phong phú như vậy về khoa học, thần bí và đức tin kitô giáo như ông.

(Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, Ronald Rolheiser)

Nguyễn Kim Long dịch

(Nguồn: phanxico.vn)

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.