ĐÔI DÒNG TÂM SỰ NHÂN KỶ NIỆM 25 NĂM LINH MỤC
Vào lúc 20g00, tối thứ Hai, 24/5/2021 - giờ VN 9 (tức 8g00, sáng thứ Hai, 24/5/2021 - giờ ở Oklahoma, USA) Cha Giuse Nguyễn Thanh Khiết (SDB 50) Lớp Phaolô TCV Thánh Gioan Đà Nẵng và Khóa 1 ĐCV Hòa Bình, chính thức mừng Kỷ niệm 25 năm Hồng Ân Linh Mục (24/5/1996 - 24/5/2021) tại Blessed Sacrament Church - Oklahoma, USA.
Trong những ngày qua nhiều anh chị em trong lớp Phaolô, Gia đình Gioan và Gia đình CCS ĐCV Hòa Bình đã cầu nguyện, hiệp thông và chúc mừng “Bố Già”, “NGƯỜI VỀ ĐÍCH CUỐI CÙNG CỦA LỚP PHAOLÔ” (dòng chữ thêu trên áo lễ Lớp Phaolô quốc nội gửi tặng Bố Già nhân dịp trọng đại này) mà hôm nay Bố đã mặc trong Thánh Lễ Kỷ Niệm.
Nhân dịp này, Bố Khiết có gửi cho mình một vài dòng tâm sự. Được sự đồng ý của Bố Già, mình xin đăng lại nguyên văn bài viết của Bố.
XIN NHỚ NHAU TRONG LỜI CẦU NGUYỆN VÀ HIỆP THÔNG TRONG TÌNH HUYNH ĐỆ.
PHAN NGỌC HÙNG - SDB 44 LỚP PHAO LÔ TCV THÁNH GIOAN ĐÀ NẴNG - KHÓA 1 CCS ĐCV HÒA BÌNH.
24/5/2021
Kính thưa Anh Em và Gia Đình,
Hôm nay 24/5, 25 năm trước, mình được hồng phúc lãnh nhận thiên chức linh mục, chắc chắn có lời nguyện cầu của Anh Em và Gia Đình. Hôm nay cũng nhằm ngày kính Đức Nữ Trinh Maria, Mẹ Giáo Hội. Trong thánh lễ một mình sáng nay, người viết này xin dâng cầu cho tất cả Anh Em và Gia Đình, được đặt dưới sự bảo trợ của Đức Maria, Mẹ Giáo Hội, cũng là Mẹ của từng người trong Gia Đình chúng ta. Giờ phút này, xin chân thành cám ơn Anh Em và Gia Đình. Như Anh Em đã biết, tháng trước mình có thông báo với Anh Em về dự tính mừng 25 năm trùng hợp với việc Giáo Hội mừng kính Năm Thánh Thánh Giuse. Đến nay, qua lòng sùng kính Thánh Giuse với sự quảng đại đóng góp của Anh Em và Gia Đình, mình đã có thể dâng cúng đợt 01 gồm một số tượng đáng kể thánh Giuse và tượng Đức Mẹ Fatima. Số tượng này được mình thông báo cho bên VN ngày 01/5/2021 nhân dịp Lễ Kính Thánh Giuse Lao Động. Anh Em có thể xem trên FB nơi trang mình (Khiet Nguyen) hoặc trang Anh Ngoc Tran. Ngày hôm nay, 24/5, mình cũng cho bên ViệtNam thông báo dâng cúng đợt 2 thêm một số tượng nữa. Kỳ này mình để bên Việt Nam tùy ý chọn tượng thánh Giuse hay tượng Đức Mẹ Fatima theo nhu cầu. Mình được thông báo, số tượng Anh Em và Gia Đình dâng cúng không những được tôn kính nơi vùng truyền giáo Tây Bắc (giáo phận Hưng Hóa), mà ngay cả nơi miền truyền giáo Tây Nguyên (giáo phận Ban Mê Thuột). Có được thành quả này, một lần nữa, mình xin chân thành cám ơn sự nhiệt tình ủng hộ của Anh Em và Gia Đình trong chiến dịch này. Mình cũng xin chấm dứt và ngưng nhận mọi đóng góp cho chiến dịch này từ đây.
Cũng nhân dịp này, xin chúc mừng Cha Giuse Trần Văn Kiểm, một người anh em giữa chúng ta, năm nay mừng kỷ niệm 30 năm linh mục (1991-2021). Như Anh Em đã rõ, ngày 11/5 vừa qua Đức Giáo Hoàng ra một tự sắc thiết lập thừa tác vụ cho các giáo lý viên nhằm khuyến khích càng ngày càng có nhiều người dấn thân trong lãnh vực hoạt động tông đồ. Người viết này mạnh mẽ tin tưởng rằng, Anh Em và mỗi thành viên trong gia đình luôn tìm dịp để sinh hoạt nơi xứ đạo mình đang sống hầu có cơ hội biến đức tin thành việc làm.
Mình chợt nhớ đến 1 câu chuyện trong truyện Lục Mạch Thần Kiếm của Kim Dung khi 2 nhà sư Thiên Trúc tên là Triết La Tinh và Ba La Tinh từ biệt nhau. Triết La Tinh trở về Thiên Trúc đang khi Ba La Tinh quyết chí ở lại chùa Thiếu Lâm. Xin gửi 1 đoạn đối thoại giữa 2 nhà sư. “Còn đang suy nghĩ đã nghe tiếng chân người rầm rập bảy tám lão tăng trong chùa đi ra trong đó gồm Thần Sơn thượng nhân, cùng bọn Triết La Tinh cao tăng bên ngoài. Huyền Tịch, Huyền Sinh mọi người hành lễ từ biệt, Ba La Tinh đứng ở sau lưng tất cả cùng chắp tay tiễn khách. Triết La Tinh nói: “Sư đệ, ta trở về Thiên Trúc, hôm nay chia tay rồi cách xa nghìn trùng, không biết bao giờ mới có dịp gặp lại. Ngươi quyết ý không về cố hương, định ở cho tới chết già ở Trung Thổ hay sao?”. Y dường như muốn cho các nhà sư Thiếu Lâm khỏi hồ nghi nên dùng tiếng Hoa nói chuyện với sư đệ. Ba La Tinh mỉm cười: “Sư huynh sao vẫn còn chưa tham ngộ? Thiên Trúc cũng là Trung Thổ, Trung Thổ cũng là Thiên Trúc, chính là ý của Đạt Ma sư tổ khi đông lai.”. Triết La Tinh hơi thảng thốt nói: “Một lời của sư đệ đã khiến ta thức tỉnh. Ngươi không còn là sư đệ mà là sư phụ ta rồi.” Ba La Tinh cười đáp: “Nhập môn có người trước kẻ sau, ngộ đạo có kẻ sớm người muộn. Sớm cũng tốt mà muộn cũng tốt, được tham ngộ lại càng tốt hơn.”
Phần cuối truyện Lục Mạch Thần Kiếm, có đoạn nhà sư Vô Danh chữa trị cho Tiêu Viễn Sơn, bố của Tiêu Phong, và Mộ Dung Bác, bố của Mộ Dung Phục. Nhà sư đã khuyên họ: “Nào 4 tay nắm chặt để khí dương tiêu khí âm, khí âm tiếp khí dương, Nào mưu đồ quyền vị, nào hậnthù sâu lắng, tất cả hãy tan vào biển cả mênh mông.” Hay như trong truyện Cô Gái Đồ Long, cũng vào phần gần cuối, khi Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn giác ngộ, muốn gia nhập phái Thiếu Lâm và chọn Không Văn làm Sư Phụ. Giây phút đó, Độ Ách, sư Phụ của Không Văn gọi Tạ Tốn và điểm hóa: “Tạ Tốn đi đến trước mặt Không Văn, quì xuống nói: “Đệ tử tội nghiệt thâm trọng, mong phương trượng cho ở lại, xuống tóc tu hành.” Không Văn chưa kịp trả lời, Độ Ách nói: “Ngươi lại đây, lão tăng thu ngươi làm đồ đệ. Tạ Tốn đáp: “Đệ tử không dám mong được phúc duyên như thế.” Ông ta bái Không Văn làm thầy là đệ tử hàng chữ Viên, còn như bái Độ Ách làm thầy là ở vào hàng chữ Không, cùng Không Văn, Không Trí xưng hô huynh đệ. Độ Ách quát lên: “Hừ, Không đã đành là không, Viên cũng lại là không, Ngã tướng với nhân tướng, Nào có chi bất đồng.” (Không cố thị không, Viên diệc thị không. Ngã tướng nhân tướng, Hảo bất mông đồng) Tạ Tốn ngạc nhiên nhưng lập tức hiểu ngay, sư phụ đệ tử, hàng trên hàng dưới, pháp danh thứ tự đối với nhà Phật cũng đều là huyễn ảo nên liền đọc ngay: “Sư phụ vốn là không, Đệ tử cũng không nốt. Không tội, nghiệp sao còn, Công đức đâu mà kết.” (Sư phụ thị không, Đệ tử thị không. Vô tội vô nghiệp, Vô đức vô công). Độ Ách nghe thế cười ha hả: “Thiện tai! Thiện tai! Ngươi vào làm môn hạ của ta, tên ngươi vẫn là Tạ Tốn, ngươi có hiểu chăng?” Tạ Tốn đáp: “Đệ tử hiểu rồi! Tạ Tốn hay cục phân, Cũng đều là hư ảnh. Đến thân còn chẳng chấp, Lẽ nào vướng vào danh?” (Ngưu xí Tạ Tốn, Giai thị hư ảnh. Thân tức vô vật, Hà huống ư danh?). Tạ Tốn văn võ toàn tài, chư tử bách gia đâu đâu cũng thông suốt, nay được Độ Ách điểm hóa, lập tức hiểu ngay tinh nghĩa nhà Phật, từ đó đi vào cửa không về sau trở nên một cao tăng đức độ. Độ Ách nói: “Thôi đi! Thôi đi! Đã ngộ được đạo đừng trở vào ma chướng nữa.”
Thưa Anh Em và Gia Đình, là người cuối cùng của lớp Phaolô chịu chức linh mục, nhưng người viết này luôn tâm niệm rằng, chúng ta kẻ trước người sau được Thiên Chúa nhân lành đặt để trong thế giới này và kêu gọi chúng ta giác ngộ theo Ngài, giống như trong Phúc Âm với dụ ngôn những người làm vườn nho, kẻ sớm người muộn (Mt. 20: 1-15). Với chúng ta, tất cả đều đã qua ngưỡng cửa 50, 60; quỹ thời gian còn lại không nhiều nữa; mong rằng chúng ta và gia đình luôn đắm chìm trong biển cả mênh mông yêu thương của Đức Mẹ, Thánh Giuse và Thánh Gioan Tông Đồ. Cũng hy vọng rằng chúng ta theo gương Tạ Tốn, tất cả đều là không trước mặt Thiên Chúa từ nhân hầu chúng ta và gia đình có thể nhận được nhiều ơn sủng từ trời cao. Thời xưa ở sân TCV dấu yêu có trồng hoa sứ, giờ chơi Anh Em chúng ta hay ra hái và tìm kiếm hoa sứ 6 cánh. Trong Lục Mạch Thần Kiếm có loại hoa gọi là hoa mạn đà la hay hoa trà. Hoa này giống như hoa sứ năm xưa, không được thơm cho lắm, nhưng nó biểu thị tấm chân tình của Trấn Nam Vương Đoàn Chính Thuần, bố của Đoàn Dự với các người tình của ông cũng như hoa sứ năm xưa biểu lộ sự đoàn kết, chung tay giữa các Anh Em chúng ta. Mong rằng với ý hướng đó cùng với sự trợ giúp từ trời cao của Đức Nữ Trinh Maria, Thánh Giuse, và Thánh Gioan Tông Đồ dấu yêu, chúng ta cùng Gia Đình đều có thể “tham ngộ” cũng như luôn liên kết với nhau không những trong cuộc sống thế trần mà luôn hướng lòng về cuộc sống mai sau.
Muôn vàn trân trọng (kiểu nói của cha giáo Phêrô Hoàng Xuân Nghiêm),
Giuse N. T. Khiết
1996-24/5-2021 2020-8/12-2021
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.