Cựu chủng sinh Hoà Bình thuộc GP Qui Nhơn

DANH SÁCH CỰU SINH VIÊN ĐCV HÒA BÌNH GIÁO PHẬN QUI NHƠN VÀ CUỘC SỐNG CỦA ANH EM SAU 1975

Kính thưa quý anh em.

Thay mặt cho anh em Cựu sinh viên ĐCV Hòa Bình thuộc Giáo Phận Qui Nhơn, trước tiên xin có lời chào đến tất cả quý anh em và lời chúc sức khỏe, bình an trong Chúa Kitô, Người đã nối kết tất cả chúng ta nên một – UT SINT UNUM.

Sau đây tôi xin lược qua Danh sách cựu sinh viên ĐCV Hòa Bình và cuộc sống trong Giáo Phận sau 1975.

DANH SÁCH CỰU SINH VIÊN ĐCV HÒA BÌNH GIÁO PHẬN QUI NHƠN

KHÓA I (1972)

1- Andreas Trần Trung Hòa
2- Joannes Phạm Văn Hùng
3- F.X Nguyễn Vũ Khiêm (RIP)
4- Joseph Nguyễn Thanh Liêm
5- Petrus Lê Quang Nhu
6- Petrus Nguyễn Bá Phụng
7- Petrus Nguyễn Viết Tấn
8- Joseph Lê Thành Thái (RIP)

KHÓA II (1973)

1- Paulus Nguyễn Ngọc Ban
2- Andreas Nguyễn Minh Cương
3- Joseph Đỗ Văn Hòa
4- Jacobus Nguyễn Tấn Hùng
5- Petrus Lê Mến
6- Antonius Lê Văn Phú
7- Andreas Nguyễn Văn Phước
8- Paulus Nguyễn Sao
9- Petrus Trần Văn Tâm (Linh Mục)
10-Petrus Huỳnh Xuân Thượng
11-Joseph Nguyễn Văn Toàn
12-Michael Văn Quang Trúc
13-J.B Nguyễn Công Từ (Linh Mục)

KHÓA III (1974)

1- Petrus Huỳnh Anh Dũng
2- Antonius Nguyễn Huy Điệp (Linh Mục)
3- Joachim Trịnh Văn Hồng
4- Joseph Trần Công Huấn (Phó Tế)
5- Joachim Trần Thanh Long
6- Joachim Cao Văn Luyện
7- F.X Nguyễn Kim Sơn (Linh Mục)
8- Jacobus Hồ Bá Tánh
9- F.X Phùng Khắc Thảo

Tóm lại về nhân sự của GP Qui Nhơn:

- Khóa I: Vào ĐCV có 8 anh em - Hiện nay qua đời: 2
- Khóa II: Vào ĐCV có 13 anh em - Trong đó 2 Linh Mục.
- Khóa III: Vào ĐCV có 9 anh em - Trong đó 2 Linh Mục và 1 Phó Tế.

Sau tháng 3 năm 1975, chiến sự bắt đầu rối loạn, anh em Qui Nhơn đã tùy nghi di tản, người xuống tàu, người tìm vào phi trường hy vọng may ra có cơ hội để đi. Chiến tranh, tán loạn, hòa theo đoàn người di tản và thế là anh em mất liên lạc. Kẻ đi người kẹt ở lại. Sau ngày 30. 4. 1975 đất nước hoàn toàn giải phóng anh em Qui Nhơn mới dần kéo nhau về Giáo Phận với hy vọng mong manh tập trung tại chủng viện để tiếp tục đời sống tu trì.

Trước tình hình tranh tối tranh sáng, với sự khôn ngoan và hiểu biết của Đức Cha Phaolô Huỳnh Đông Các, người đã từng sống trong giai đoạn chín năm kháng chiến, đối với chế độ cộng sản: Lao động là vinh quang. Chính vì thế cấp tốc Ngài đã thành lập 4 trung tâm và phân tán mỏng các chủng sinh và đại chủng sinh về các trung tâm tùy theo lớp.

- Trung tâm Vi Nhân ( cơ sở của giáo phận ban đầu giao cho các Sư Huynh La San dạy học sau GP lấy lại đổi tên là Vi Nhân) gồm các thầy đang theo học tại ĐCV Xuân Bích Huế.

- Trung tâm Long Mỹ, tọa lạc tại Thôn Long Mỹ, Phú Thạnh. Từ quốc lộ 1 vào tới trung tâm khoảng 5 cây số, qua một con dốc cao. Nơi đây là một vùng đất hoang, nằm sát chân núi, giữa núi rừng hoang sơ là một căn nhà gỗ dành cho các thầy học tại ĐCV Hòa Bình. Anh em chúng tôi, sau giải phóng, cả 3 niên khóa khi đó chỉ còn 16 người. Và 4 thầy về trình diện trước thì Đức Cha chỉ định giúp xứ như thầy Phú giúp Bồng Sơn, thầy Dũng giúp Tân Dinh…

Còn lại 12 người tập trung tại Long Mỹ để sống và chiến đấu với khẩu hiệu Lao động là vinh quang và lang thang là chết đói. Với cuộc sống rẫy rừng anh em chúng tôi lúc đó như con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô. Trồng đậu phụng tới mùa thu hoạch thấy toàn lá, trồng đậu xanh thì cây nào cây nấy lên như cọng giá gặp nắng lại héo và chết đi. Tới mùa thu hoạch Đức Cha có hỏi thì đổ thừa cho đất và nước. Đất khô cằn, nước cạn khô. Nhưng thực tế thì không dấu giếm gì các bác chẳng qua cũng vì khổ và đói quá nên đã lỡ lựa hột đậu phụng giống to đem rang lên để ăn với cơm nguội rồi, còn đậu xanh bự thì tối đến thỉnh thoảng sau giờ kinh tối cải thiện đời sống bằng bát chè đậu xanh ăn để lấy sức sáng hôm sau làm việc cho có hiệu quả. Cuộc sống lúc đó là thế đấy!!!

Còn về đời sống thiêng liêng thì cũng song hành theo cuộc sống vật chất. Cứ chiều thứ 7 cuối tuần sau khi phân công để lại 2 người ở lại trực coi rẫy, còn lại thì đạp xe xuống núi về nhà thờ Phú Thạnh để dự lễ chủ nhật. Những khi như vậy anh em chúng tôi rất phấn khởi còn hơn trúng tủ câu hỏi oral của cha giáo triết học Trần Thái Hiệp nữa. Vừa được rước Chúa vào lòng như của ăn bồi bổ cho một tuần kế tiếp, để nhận sức mạnh nơi Ngài mà chiến đấu khỏi sa chước cám dỗ và nhất là vui vì được nhìn thấy đèn trắng, đèn vàng của đường phố, cũng như nhộn nhịp của cuộc sống chung quanh khu nhà thờ. Cũng chính vì đời sống thiêng liêng quá hạn hẹp nên dần đưa một số anh em sao lãng việc đạo đức và tự xuống núi tìm đi một con đường khác không bao giờ trở lại.

Trước tình hình đạo đức xuống cấp trầm trọng, Đức Cha mới giải tán trung tâm Long Mỹ, số thầy còn lại 7 thì cha sở Phú Thạnh có xin Đức Cha để thầy Hồng lại giúp xứ, còn lại 6 anh em Nhu, Tâm, Huấn, Điệp, Sơn, Thảo chuyển về Làng Sông học và tiếp tục đời sống tu trì cùng với anh em đang ở trung tâm Làng sông, lúc đó là các chủng sinh vừa mãn lớp đệ nhất chuẩn bị lên ĐCV Hòa Bình (Lớp Đức Cha Bản, GM Ban Mê Thuộc). Tại Trung tâm này anh em đã dần dần hấp thụ mọi hồng ân và ân sủng qua thánh lễ hằng ngày và tham dự những giờ kinh trưa, sớm tối, những giờ huấn đức, và cuộc sống cũng tương đối đầy đủ hơn, không còn cảnh chia phiên đi chợ, nấu ăn hằng ngày, mặc dù vẫn phải lao động nhưng có hạn chế hơn và từ đó anh em đã cảm nhận được câu Kinh Thánh: “Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì.”

Chính vì được hâm lại trong một môi trường thánh thiện nên tuy có 6 người nhưng đến hôm nay trong số đó có 3 linh mục là Cha Petrus Trần Văn Tâm (cha sở Gx Gò Muồng, Gp Nha Trang), Cha Antonius Nguyễn Huy Điệp (cha sở Gx Sông Cầu, Gp Qui Nhơn), Cha F.X Nguyễn Kim Sơn và thầy Phó tế Joseph Trần Công Huấn hiện ở USA.

Riêng tôi, cũng xin anh em cho vài phút để nói thêm về số phận lao đao của người mang danh là Thủ Chỉ của anh em ĐCV HB tại tung tâm Long Mỹ, tên thân thương mà anh em vẫn hay gọi là NHUỐM. Xuất thân từ lớp đầu tiên ở TCV Qui Nhơn (1965). Lớp đầu tiên ở ĐCV Hòa Bình (1972). Và sau 75 tôi là người được vinh dự đi các trung tâm của GP ở Qui Nhơn. Sau khi về trung tâm Làng Sông được 3 tháng, Đức Cha chuyển tôi về học tại Trung tâm Vi Nhân với các thầy ĐCV Xuân Bích, ở thời gian gần 1 năm trung tâm bị giải tán. Đức Cha lại chuyển toàn bộ các thầy về Trung tâm TCV và sau cùng vì một sự xung đột nên theo nhóm cách mạng toàn bộ lại ra đi. Khi đó anh em đồng thanh cùng hát Ra đi mà không biết đi về đâu? Và sau cùng điều đau buồn nhất cho lớp niên khóa 65 TCV là giờ đây không một ai là linh mục. Đó là thời niên thiếu, nhưng hôm nay thật đại phúc cho tôi và cho các bạn của tôi khóa 1 ĐCV Hoà Bình, không phải thấy người sang bắt quàng làm họ, nhưng thật vinh dự là lớp có:

1- Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Đà Nẵng
2- Cha TĐD Bonaventura Mai Thái, Đà Nẵng
3- Cha F. X Nguyễn Văn Cần, Huế
4- Cha Petrus Phùng Chí, Huế
5- Cha Joseph Bùi Văn Đồng, Đà Nẵng
6- Cha Petrus Nguyễn Huy Hồng, Nha Trang
7- Cha Joseph Nguyễn Thanh Khiết, Đà Nẵng
8- Cha Paulus Trần Khôi, Huế
9- Cha Hieronymus Nguyễn Ngọc Linh, Đà Nẵng
10- Cha Dominicus Nguyễn Văn Lượng, Nha Trang
11- Cha Petrus Trần Bá Ninh, Nha Trang
12- Cha Antonius Trương Gia Ninh, Đà Nẵng
13- Cha Paulus Trần Kim Phán, Huế
14- Cha Benedictus Nguyễn Phi, Huế
15- Cha F. X Nguyễn Ngọc Tâm, Kon Tum
16- Cha Alphonsus Nguyễn Ngọc Thạch, Huế
17- Cha Nguyễn Cao Thiều, Kon Tum
18- Cha J. B Trần Quang Truyền, Kon Tum

Kính thưa quý anh em.

Trải qua bao thăng trầm của năm tháng với công việc rẫy rừng ở Long Mỹ, biết thế nào là muỗi, rắn rết, bọ cạp. Những tháng ngày tại Làng Sông chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, chúng tôi biết thế nào là đỉa cắn, biết thế nào là mùi thơm của chuột đồng. Giờ đây gặp lại anh em tôi như mang một tâm trạng của con trẻ khi được xưng tội lần đầu. Đó là những điều tôi nhớ được, còn những điều quên, điều sót tôi rất muốn kể ra, nhưng không làm sao nhớ được vì thứ nhất tuổi nay đã xế chiều, thứ hai thời gian xa cách quá lâu, thứ ba hôm nay sau 42 năm anh em gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi, đầy xúc động và thổn thức trong lòng khi có dịp về thăm lại trường xưa và được gặp lại những bạn bè đã cùng học, cùng ăn, cùng chơi và cùng sống bên nhau sau 42 năm xa cách.

“Hôm nay tôi trở về thăm trường cũ. 
Nhiều nét đổi thay tường mái rêu mờ. 

Bên hiên hằng giờ tìm những bạn xưa. 

May ra có còn đôi đứa. 

Vẫn yên vui sống đời tu trì. 
Bâng khuâng đợi chờ người sao chẳng đến? 
Hỏi lá hỏi hoa chỉ thấy im lìm.”


Tôi muốn nói, muốn kể biết bao câu chuyện nhưng giờ đây quá vui vì cuộc hạnh ngộ này nên… quên hết.

Xin các anh em Qui Nhơn có gì muốn bổ sung xin tiếp tục.

Chân thành cám ơn.

27/7/2017

Pet Lê Quang Nhu (HB1)


(Nguồn: dcvhoabinh.quetroi.net)

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.