Vẫn Còn Đó... Một Khối Tình

VẪN CÒN ĐÓ… MỘT KHỐI TÌNH



Thời gian chẳng bao giờ ngừng trôi.

Ngày hạnh ngộ đã đến! Sáng ngày 27.07.2017, sau ngày khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 400 năm Tin Mừng đến với với Giáo phận Qui Nhơn (26.07), đoàn cựu sinh viên tu sĩ ĐCV Hòa Bình thuộc Giáo phận Qui Nhơn mới có thể lên đường đi Hội ngộ.
Từ Qui Nhơn, tổng số lúc ban đầu là 6, nhưng phút cuối chỉ còn 4, vì hai anh em mới gặp tai nạn giao thông: Trịnh Văn Hồng, HB 3, bị bể 3 xương sườn, anh Lê Quang Nhu, HB 1, bị nặng hơn, gãy cả tay và chân. Hồng đã đi Sài Gòn để gia đình chăm sóc, Nhu nhập bệnh viện chờ giải phẫu. Cũng may có hai anh em khác đã đi từ Sài Gòn là Văn Quang Trúc và Nguyễn Sao, HB 2, nên tổng số vẫn là 6.

Trên đường đi, cha Mai Thái, HB 1, và những anh em đã đến trước, cứ từng lúc lại gọi điện hỏi thăm xem đoàn đang đi tới đâu. Có một điều là… lạ! Càng đến gần Đà Nẵng, trong tôi bỗng nhen lên một tâm trạng khó hiểu: Không biết khi anh em ba lớp tái ngộ, sự “gặp gỡ” sẽ như thế nào???...

Lớp HB 3 chúng tôi mang tiếng là học một niên khóa tại ĐCV Hòa Bình, nhưng thực ra chỉ vỏn vẹn có 5 tháng: Nhập học mới tháng 10.1974, thì tháng 3.1975, ĐCV giải tán. Trong lớp chưa kịp biết tên nhau, lấy đâu nhớ hết đàn anh 2 lớp trên, trừ một số ít có tương quan tiếp tục sau này…

Điều đầu tiên làm tôi nhẹ nhõm, khi biết tin anh em vẫn đang chờ đoàn Qui Nhơn đến mới dâng Thánh lễ, mà theo chương trình là lúc 10g00 sáng.

Khoảng 15g30, đoàn chúng tôi mới bước vào phòng họp. Đức Cha Long và anh em đang quây quần thảo luận. Tất cả như òa lên, anh em tay bắt mặt mừng, trong tâm trạng lẫn lộn, vừa ngạc nhiên vừa thích thú… Chỉ 5 phút đầu thôi, tất cả những gì là xa xa, lạ lạ, nhớ nhớ, quên quên… đã tan biến, để nhường chỗ cho niềm vui của sự đoàn tụ. Và từ đó, tất cả chỉ còn là dòng chảy của những khúc sông đang uốn về biển Thái Bình.

Lần đầu tiên sau 42 năm, số sót trong anh em dắt nhau tìm về những con đường tình ta đã đi, về thăm những mái nhà mình đã từng sống. Vẫn còn đó, khung trời kỷ niệm An Thượng. Tòa nhà cũ chưa mất, nhưng không vào được vì đã đổi chủ; nơi Hòa Khánh, ngôi trường xưa vẫn ngạo nghễ, nhưng bóng dáng nhà tu chẳng còn vì trường đã thay tên. Bây giờ tôi mới hình dung được An Thượng, nối với Hòa Khánh, làm thành ĐCV Hòa Bình của một thời, oanh liệt và… xa xưa.

Nhìn anh em, với những ánh mắt rạng ngời, những bước chân thoăn thoắt, nụ cười mãn nguyện, nhưng dưới những mái tóc đã điểm bạc, vết thời gian đã tạo hình trên khuôn mặt, tôi ngộ ra rằng hình hài và cuộc đời dẫu nhiều đen bạc, nhưng lòng chúng ta vẫn tươi thắm, vì vẫn còn đó, một khối tình… Tình Chúa và tình người…

Mà quả thật! Cuộc Hội ngộ đã biến thành Hạnh ngộ. Trong không gian và thời gian của những ngày họp mặt này, không còn ranh giới của sự khác biệt về tuổi tác, địa vị, tầng lớp… mà đã chan hòa vào nhau, bổ túc cho nhau, làm thành một gia đình. Người Anh Cả trong gia đình đặc biệt này là Đức Cha An Phong, tiếp theo là Anh Hai, Cha Tổng Bônaventura, đến các Linh mục, rồi các anh em sống đời gia đình… Tất cả đã như vô hình tạo nên một tương quan rất linh thiêng và sâu thẳm: tôn trọng nhau, yêu thương nhau, và tìm mọi cách xây dựng một hình ảnh đẹp nhất trong số “Những Hình Ảnh Đẹp” mà Chúa đã dựng nên, nơi những con người đã một thời và mọi thời, tiếp tục hoàn thiện… kể từ dạo ấy.

Bây giờ, khi đã về nhà, tôi thấy bật ra một khối ý tưởng có thể sẻ chia, biết bao giờ mới nói hết, còn phải nhường cho anh em khác.

Nhưng vẫn còn đó, ngôi trường ĐCV Hòa Bình trên không, nơi chúng ta vẫn chờ và vẫn đợi thấy nhau…

Mãi đến đêm, ở những phút cuối trước khi chia tay, anh em đến bệnh viện Da Liễu TW Qui Nhơn thăm anh Lê Quang Nhu. Nằm trên giường bệnh trong phòng hồi sức, Nhu chăm chú nghe anh em kể chuyện hạnh ngộ. Không nói gì nhiều vì còn mệt sau cuộc giải phẫu, ánh mắt anh chớp chớp theo từng biến cố của câu truyện. Tay run run, anh nhận những món quà của Hạnh ngộ.

Nơi cửa phòng, anh em chia tay với chị Tâm, vợ anh Nhu. Chị túc trực chăm sóc chồng với chiếc nạng gỗ bên hông, hậu quả của một tai nạn giao thông gần đây. Chị cũng vừa trải qua một cuộc phẫu thuật chân…

Rồi thật bất ngờ! Lời chia sẻ của anh em chưa dứt câu, chị đã đổ gục xuống trong tiếng nức nở. Chị đã khóc…vì gần đây, bóng thánh giá ngã xuống trên anh chị quá liền lạc. Chị đang khóc…vì thương cho chồng không đi gặp được anh em, sau thời gian tích cực chuẩn bị. Và chị càng khóc…vì thấy tình nghĩa anh em thật đậm đà…

Chúng tôi đã rời bệnh viện dưới trời mưa không dứt, rồi biết rằng: Khi mà con người biết thương nhau, thì đến Thượng Đế cũng phải khóc…/.

Gx Sông Cầu, 31.07.2017

Lm Antôn Nguyễn Huy Điệp, HB3

(Nguồn: dcvhoabinh.quetroi.net)

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.