Dấu lặng

DẤU LẶNG



Thế là lịch sử của Đại Chủng Viện Hòa Bình đã sống lại và sang trang với hoàn cảnh mới. Tiếng trống trường thành của Cánh chim đầu đàn, tại Trung Tâm Mục Vụ Gp Đà Nẵng hồi cuối tháng 7, đã lung lay bóng nguyệt…

Ngày 10.11.2017 vừa qua, anh em cựu chủng sinh ĐCV Hòa Bình đã về họp mặt tại giáo xứ Xuân Khánh, thị xã Long Khánh, nơi Cha giáo Đaminh Trần Thái Hiệp đang nghỉ hưu. Không theo thông lệ như khi ĐCV còn hoạt động: Cha con anh em họp mặt và chia tay vào những kỳ nghỉ tết hoặc dịp hè. Mà từ đây, mỗi lần họp mặt lại mang mỗi vẻ khác nhau, cả về thời gian, không gian, lẫn mục đích. Tháng 11 là tháng nhớ về ông bà tổ tiên, nên lần này, anh em hướng về các Ân sư và những anh em đã qua đời. Hình ảnh những người đã khuất như sống lại qua tình thương và nỗi nhớ nơi anh em con cháu. Và thế là không gì quí báu hơn khi được qui tụ chung quanh Cha giáo Đaminh, để nói như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Người chết nối linh thiêng vào đời”… của những người đang sống!

Cha giáo Đaminh, sắp bước vào tuổi 86, bỗng như trẻ lại hàng thập niên, khi thấy đoàn môn sinh tấp nập qui tụ về bên thày giáo cũ của mình. Không chỉ cha vui, mà anh em cũng vui. Vì lần này, con số đã vượt ngưỡng không phanh buổi ban đầu. Đặc biệt hơn là có đến chín “long nữ” của đại gia đình Hòa Bình hôm nay.

Trong bài nói chuyện, Cha đã làm cho anh em sống lại quá khứ đầy nhiệt huyết và hào hùng của một kiến trúc sư tâm hồn, đã dành cả một đời cho những môn sinh trân quí, mà giờ đây, đang quây quần bên ngài, với muôn màu muôn vẻ, trong khu vườn tỏa đầy sắc hương: Giám mục, Linh mục và đa phần là anh em, theo cách diễn tả của ngài, đang "sống thánh giữa đời". Hôm nay, Cha giáo lúc nào cũng tươi cười, và sẽ vẫn tươi mãi, vì ĐCV Hòa Bình đã sống lại.

Nói đến anh em, thì phải nói đến hình ảnh của những ngọn núi lửa đang phun trào, sau 42 năm âm ỉ trong lòng đất. Sau buổi gặp gỡ ban đầu ở Đà Nẵng, nay nhiều khuôn mặt mới đã xuất hiện. Lớp nào cũng đông. Câu nói đầu tiên là hỏi tên nhau, đặc biệt đúng cho khóa 3, nhưng sẽ đúng cho tất cả, là cuộc đời đầy bí ẩn của nhau, mà khi gặp lại, ai cũng muốn biết. Buổi tối ngày áp, có 5 anh em từ Qui Nhơn, Phú Yên, Bảo Lộc, Đak Min, sau bữa cơm thịnh soạn tại nhà anh Mỹ, về một khách sạn nhỏ để nghỉ ngơi sau một ngày đường mệt nhọc, nhưng đâu có ngủ được, lại ngồi bên nhau to nhỏ chuyện trò. Câu chuyện bắt đầu từ Ơn gọi, về sự chuyển hướng, của những vui buồn trong 42 năm, đã thành những cuốn phim nhiều tập, coi đến mờ mắt, ngồi đến mỏi lưng, mà cũng chưa biết sẽ đi về đâu…Rồi trong nửa ngày họp mặt chính thức, bao nhiêu cảnh ngộ đã được khơi mào, nhưng đâu có thời gian để bước vào. Chương trình quá xít sao, tất cả tập trung vào việc mừng Cha giáo Đaminh và Thánh Lễ cầu cho các Ân sư và anh em quá cố. Lúc chia tay ra về, ngồi trên xe, tôi mới có dịp nhìn lại tấm hình chung mới chụp, nhưng đã quên tên một số người. Vì mọi người, đông thật, nhưng như thoắt đến rồi chợt đi. Hy vọng trong chuyến đi dài ngày sang năm tại vùng tây bắc, anh em sẽ có nhiều thời gian hơn. 

Trong lúc giải lao chuẩn bị cho Thánh Lễ, một cách như tình cờ, tôi gặp gỡ phu nhân của người bạn cùng khóa 3 đã không còn trên dương thế, anh Đaminh Lê Văn Sự. Chị Thái Hiệp đã xin tôi cầu nguyện cho chồng, và tặng tôi một tập thơ của chị. Tập thơ nho nhỏ, nhưng in ấn thật đẹp và trang trọng. Cuộc gặp diễn ra quá mau, đến nỗi tôi không kịp hỏi thăm về người bạn chỉ còn nhớ mang máng, vì chương trình đi quá nhanh. Khi về nhà, sau khi đã đọc hết 23 bài thơ của chị, tôi mới có thể hình dung ra đôi điều về cảnh ngộ của hai vợ chồng bạn. Qua tập thơ, hình ảnh thật rõ nét về tình yêu của một cựu chủng sinh ĐCV Hòa Bình và người bạn đời của mình, hòa quyện vào tình yêu Chúa và Mẹ Maria, trong một hoàn cảnh thật “sóng gió và chông chênh”. Qua những bài thơ, có một cuộc đối thoại giữa hai người, nhưng có lẽ chị đã đóng cả hai vai, nửa người này như thấy nửa người kia trong cùng đôi mắt và tâm hồn. Một kiếp người đã diễn ra trong tin yêu, say đắm, rồi đến lúc phải ly tan, nếu không dựa vào Chúa thì sẽ cô đơn và buồn thảm đến rã rời… Bên cạnh chị Thái Hiệp, còn có chị Vũ Bích Hường, góa phụ của anh Vinh Sơn Trần Quốc Vụ, khóa 2. Cả hai chị vẫn chung thủy cho đến hôm nay. Hình ảnh hai cựu chủng sinh Hòa Bình đoản mệnh vẫn còn tươi sáng trong tâm hồn những người ở lại. Xin cám ơn ĐCV Hòa Bình.

Không biết tôi đã cảm nghiệm được bao nhiêu tâm tư của nữ thi sĩ Nguyễn Thị Thái Hiệp, nhưng điều gây ấn tượng cho tôi là tựa đề của tập thơ này: DẤU LẶNG.

Dấu Lặng giờ đây hiện ra trong tâm trí tôi, không còn chỉ giới hạn với tựa đề của một tập thơ, hoặc dấu chấm hết cho một cuộc tình đẹp như trong tranh, nhưng nó thật ý nghĩa và tượng hình trong ngày họp mặt gia đình của cựu chủng sinh ĐCV Hòa Bình:
  • Dấu Lặng đã thành dấu chấm hết cho thời gian 42 năm thinh lặng của ĐCV Hòa Bình. Để từ nay, ĐCV Hòa Bình đã sống lại, và tiếp tục lớn lên trong tâm hồn và cuộc sống của những ai đã một lần đi qua trong đó.
  • Đời sống con người đều đã hoặc sẽ có một Dấu Lặng sau cùng trên dương thế. Hôm nay, chúng ta họp nhau hướng đến và cầu nguyện cho các Ân sư và anh em đã qua đời.
  • Con người có một thời để hoạt động, thì cũng có một thời để nghỉ ngơi, ở giữa hai thời ấy là một Dấu Lặng. Chúng ta qui tụ về bên Cha giáo Đaminh để thể hiện tâm tình hiếu thảo, của những người ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Xin cám ơn Đức Cha Anphong và anh em, sau đó đã đi thăm Cha giáo 101 tuổi Phêrô Nguyễn Châu Hải. 
  • Dấu Lặng cũng là dấu sang trang cho một câu chuyện, câu chuyện ĐCV Hòa Bình, tưởng đã trở thành huyền thoại, sẽ không bao giờ còn được nhắc đến, nay đã hiện về, để mỗi lần anh em họp mặt bên nhau, câu chuyện tình và đời sẽ dài lê thê…
  • Sau bữa cơm trưa thân mật, Dấu Lặng đã kết thúc ngày họp mặt gia đình cực chủng sinh ĐCV Hòa Bình, nhưng lại mở ra những khoảng thân thương và tiếc nuối, để lần gặp sau sẽ đông hơn và vui hơn…
Giờ đây, anh em chúng ta hãy dành một phút Lặng Thinh, hồi tưởng những giây phút họp mặt đã qua, nhưng chưa chấm hết. Trước hết, xin cảm tạ Chúa đã thương cho chúng con được khởi đầu trong một môi trường đặc biệt, để hôm nay chúng con vẫn nhiệt thành với con đường mà Chúa đã mở ra cho mỗi người. Xin cám ơn Cánh chim đầu đàn mang tên Đức Cha Anphong, cám ơn các Ân sư, các anh chị em đang làm nên một gia đình mang tên Hòa Bình. Xin cám ơn các anh em trong Ban tổ chức. Ước gì tinh thần Hòa Bình tiếp tục sống và lan tỏa trên chúng ta.

Trước khi đặt dấu chấm hết cho bài viết này, xin trích nguyên văn những dòng chữ cuối cùng (không có dấu chấm phết) của tập thơ DẤU LẶNG: 

“…Người ta chỉ có một thời để yêu và một thời để chết và nếu hoàng hôn để lại những nắng chiều nhẹ trên những cành cây khô trụi thì đời người cũng có những dư âm vang vọng một thời trong ký ức… hãy trao cho nhau để khỏi tiếc nuối khi đời người bắt đầu hoàng hôn.”./. 

Sông Cầu, ngày 14.11.2017

Lm. Antôn Nguyễn Huy Điệp, HB 3

(Nguồn: http://dcvhoabinh.quetroi.net/)

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.