Một Nụ Cười Chợt Tắt...

MỘT NỤ CƯỜI VỪA CHỢT TẮT…



Lúc 09g00 sáng ngày 04.05.2018, Cha cố Phêrô Nguyễn Châu Hải, cựu giáo sư Đại Chủng Viện Hòa Bình Đà Nẵng từ niên khóa 1972 - 1975, đã về với Chúa. Tin này đối với tôi đã gây ấn tượng. Ấn tượng không phải vì cha đã qua đời như những những trường hợp ra đi khác của những người thân. Sau “Lễ mừng thượng thọ bách niên và kim cương Linh Mục” của cha vào ngày 16.01.2016, trong tôi bỗng có cảm tưởng rằng cha đã trở thành người “bất tử”. Con người ta thường chúc cho nhau sống lâu trăm tuổi. Mà cha thì vẫn sống khi tuổi đã tròn 100, như thế cha đã vượt qua cái ngưỡng thọ bình thường, nên cha như…“bất tử”. Từ lúc này, Cha có thể thanh thản ra đi bất cứ lúc nào Chúa thương gọi cha về. Và như thế, cha đã hoàn tất trọn vẹn cuộc đời dương thế, sau 102 tuổi đời, và 70 năm Linh Mục. Nhưng cái ấn tượng thực sự xâm chiếm lòng tôi, đó là từ hôm nay, một NỤ CƯỜI VỪA CHỢT TẮT…

Mỗi môn sinh đều có những kỷ niệm đầy ấn tượng về người thầy của mình. Đối với tôi, khi nghĩ về cha cố Phêrô, tôi vẫn ghi nhớ hình ảnh một nụ cười. Vì chọn cha làm linh hướng, nên tôi thường có dịp tiếp xúc với cha, mà câu chuyện bàn bạc lại là “chuyện một tâm hồn”, nên lắng đọng khó quên. Ngài có những lời khuyên rất nghiêm túc, nhưng luôn ẩn sau một khuôn mặt thanh thản, điểm thêm một nụ cười rất tươi. Hình ảnh cuối cùng của cha mà tôi thấy, là hôm Đức Cha Anphong và anh Ngọc Hùng đếm thăm cha cố, sau ngày họp mặt tại giáo xứ Xuân Khánh, Xuân Lộc (10.11.2017). Cha đã già yếu và mong manh như ngọn đèn sắp hết dầu, nhưng tôi vẫn hình dung được một nụ cười le lói qua đôi môi như run rẩy.

Rất may mắn, hay đúng hơn là có “duyên nợ”, tôi đã kịp tham dự lễ an táng của cha. Lúc cha qua đời, tôi không biết, nhưng trùng hợp vào một chuyến đi Sàigòn vì một công việc khác. Tôi định về Sàigòn vào sáng thứ hai bằng máy bay, nhưng vì vé mắc quá, nên quyết định đi bằng xe lửa vào tối Chúa Nhật (06.05). Sáng Chúa Nhật, anh Hùng báo tin cha mất, và lễ An táng sẽ vào lúc 07g00 sáng thứ hai (07.05.2018). Anh Hùng hỏi ngày giờ lên tàu, và nói: “Cha yên tâm, mình sẽ đón cha tại ga Hòa Hưng để chở đi giáo xứ Khiết Tâm, Thủ Đức, cho kịp lễ an táng. Thong thả mà, còn giờ uống cà phê ăn sáng nữa!”. Nhưng ai ngờ chuyến tàu SE 3, vốn là tàu ưu tiên, cũng bị trễ 45 phút vì lý do kỹ thuật, nên mãi 06g15 mới đến Sàigòn.Vừa ra khỏi nhà ga, đã thấy anh Hùng chờ sẵn, anh đã ăn sáng trước, và mua một ổ bánh mì cho tôi ăn sáng trên xe thồ do anh làm tài xế, vì không còn thời gian. Đây là lần đầu tiên ăn “fast food” trên chiếc xe 2 bánh lao vun vút giữa dòng xe giờ cao điểm của thành phố. Anh chạy xe giỏi thiệt. Sau này tôi mới biết anh Hùng cũng còn có biệt danh là “anh Hùng xa lộ”! Nhìn kim đồng hồ qua nhanh từng phút giây; giờ lễ an táng gần đến; lượng xe càng lúc càng đông; đèn đỏ liên tục chào đón, tôi thầm khấn xin: “Nếu cha sống khôn thác thiêng, xin giúp con đến kịp lễ”. Anh Hùng cũng sốt ruột: “Cha Điệp ơi! Chắc không kịp rồi.” – “ Không sao, nếu trễ thì anh em mình đứng dưới dự lễ cũng được mà”…

Xe vừa vào cổng lớn Nhà thờ Khiết Tâm, thì đoàn đồng tế đã lên cung thánh, cộng đoàn đang nghe đọc tiểu sử cha cố. Tôi chỉ còn kịp lấy áo lễ ra, gửi xách tay cho anh Hùng, chạy bộ theo hông Nhà thờ lên cánh gà, mặc áo lễ và vào chỗ đoàn đồng tế đang đứng. Như có một sự xếp đặt trước, hàng ghế đồng tế vẫn còn một chỗ trống. Hú hồn! Cám ơn cha cố!...

Khi mọi chuyện đã ổn định, tôi mới nhìn lại các anh em Hòa Bình đang cùng hiện diện trong biến cố đặc biệt này. Trong đoàn đồng tế thật đông đảo, tôi đã gặp cha Trần Đức Cường, bạn cùng lớp khóa 3 ĐCV/HB. Tại nghĩa trang, tôi đã gặp vợ chồng anh Phan Đình Thi, anh Cang HB 1, anh Paul Sao, HB 2. Một người không thể thiếu được trong dịp này là Đức Cha Anphong, nhưng anh em nói Đức Cha không thể có mặt vì một công việc quan trọng…

Có điều gì đó như trùng hợp và đan xen vào nhau: Điều tốt đẹp luôn là những gì mà các tiền nhân để lại cho con cháu, các ân sư truyền đạt lại cho môn sinh. Cha cố Phêrô đã để lại cho tôi ấn tượng về nụ cười và tính hài hước dí dỏm trong giao tiếp. Đó cũng là điều tôi bắt gặp được trong những người mà tôi biết và thán phục: Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I được mệnh danh là Giáo Hoàng của nụ cười. Mẹ Thánh Têrêxa thành Calcutta đã kể lại: “Nhiều người đến thăm tôi tại Calcutta, và trước khi ra về thường ngỏ ý với tôi: “Xin cho chúng tôi một lời khuyên để chúng tôi sống tốt đẹp hơn”. Tôi liền bảo họ: “Quí vị hãy về và hãy ban tặng cho nhau những nụ cười. Một nụ cười cho vợ của ông. Một nụ cười cho chồng của bà. Một nụ cười cho con cái của ông bà. Hãy cười tươi với tất cả mọi người, bất luận người đó là ai. Với những nụ cười tươi như thế, quý vị sẽ lớn lên trong tình yêu hỗ tương.” Nghe vậy, một người trong nhóm hỏi tôi: ‘Bà có lập gia đình không?’ Tôi gật đầu và nói: “Đôi khi tôi cũng cảm thấy khó nở một nụ cười với vị hôn phu của tôi”. Và mẹ Terêxa kết luận: “Đúng thế, Chúa Giêsu có thể đòi hỏi rất nhiều. Và chính khi Ngài đòi hỏi như thế, thì không gì đẹp cho bằng nở một nụ cười thật tươi với Ngài”. Mấy hôm nay, tôi có dịp coi lại những cuộc thi tài năng của Mỹ và Anh. Bé gái Darci Lyne, 12 tuổi, đến từ thành phố Oklahoma, Mỹ, đã đạt giải quán quân America’s Got Talent 2017. Em có khả năng nói tiếng bụng, đã một lúc đóng nhiều vai qua các con rối do em tạo ra: bà cụ già Edna, chú chuột Osca và cô thỏ Petunia. Em đã đưa chúng cùng với em vào các câu truyện và bài hát để đời, làm thót tim khán thính giả, và làm tan chảy trái tim của ba vị giám khảo. Điều gây ấn tượng của em là tính hài hước và một nụ cười luôn nở trên môi. Gặp bé, ai cũng cảm nhận được sự đơn sơ, chân thành, vui tươi và đầy tính nhân văn…

Cha cố Phêrô cũng đã ảnh hưởng trên các môn sinh Hòa Bình về niềm vui , tính lạc quan và nụ cười, mà mỗi khi gặp nhau rất dễ nhận ra. Trên đường đến giáo xứ Khiết Tâm, tôi ngồi sau lưng anh Ngọc Hùng, và có dịp hỏi thăm nhiều hơn về cuộc sống của anh. Lần này, tôi đã biết nhiều về anh. Nhưng việc tôi biết về anh lại đi ngược với tính cách bên ngoài của anh. Lúc nào anh cũng vui tươi và nhiệt thành. Anh như là người đang chắp cánh cho sinh hoạt của Gia đình Gioan (CCS/TCV Gioan/Đà Nẵng), và của cả anh em Hòa Bình. Có lẽ những gia đình ấy đang thay được cả gia đình của riêng anh?! Rồi anh Paul Sao, nổi tiếng với nghề “Sơn đông mãi võ” từ khi rời mái trường ĐCV Làng Sông/Qui Nhơn, và đến giờ vẫn trung thành với nghề. Giọng nói “tỉnh tỉnh” và hài hước của anh làm mát rượi không khí hanh khô buổi trưa hè, vì nó mát từ trong ruột mát ra. Gặp anh Thi, vẫn giọng nói và dáng vẻ nghiêm túc của một huynh trưởng Hướng Đạo năm nào, rất điềm tĩnh và dí dỏm điều hành công việc. Anh là điều phối viên của anh em Hòa Bình mà! Còn anh Cang thì đạo mạo không ai bằng, lúc nào cũng bình tĩnh lắng ghe với nụ cười mỉm chi…

Thế đấy, khi anh em gặp nhau, thì niềm vui không bao giờ thiếu, và thời gian chẳng bao giờ thừa, chuẩn bị chia tay thì sắp lại có dịp gặp nhau nữa rồi: Tháng bảy với đám cưới con gái anh Thi, tháng chín có chuyến đi vùng tây bắc với Đức Cha Anphong. Rồi sang năm 2019, có cuộc gặp gỡ tại Sông Cầu, trong vịnh Xuân Đài, nơi vừa được công nhận là vịnh đẹp nhất nước.

Trên đường về, anh Cang mời anh Hùng và tôi ghé thăm nhà. Ngôi nhà anh, nhỏ thôi, nhưng ngăn nắp lạ thường, và con người trong nhà cũng thế, đều là những người học thức và cuộc sống mô phạm. Mừng cho anh em, dù thế nào vẫn giữ được phong thái của người đã từng sống trong Nhà Đức Chúa Trời…

Xin cha cố Phêrô, khi ở bên Chúa, cầu bầu cho các môn sinh được luôn sống với niềm vui, và trong Chúa của Niềm Vui Vĩnh Cửu./.

Sông Cầu, ngày 25.05.2018

Lm Antôn Nguyễn Huy Điệp HB 3

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.