Chiến tranh và hòa bình (Ký sự)

CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH
(Ký sự chuyến đi Nha Trang ngắn ngày, 28.11.2017)



- Chào anh Vinh. Hai ngày nữa, em có việc vào Nha Trang. Em sẽ đến thăm anh em.

- Tốt quá! Mình sẽ báo cho anh em họp mặt. Khi nào đến Lương Sơn, báo cho mình biết để đón và dẫn đường.

Thế là anh em lại sắp có dịp gặp nhau. Tôi gọi cho anh Lê Quang Nhu ở Qui Nhơn. Anh Nhu mừng quá, hứa sẽ thu xếp cùng đi. Bác sĩ vừa đồng ý cho anh được đi bằng nạng, chứ không phải ngồi xe lăn như trước. Lần đi Long Khánh về, và sau chuyến đi đường quá dài, anh Nhu đã phải nằm một ngày để các khớp xương “tìm nối lại” với nhau. Nhưng đến giờ chót, anh Nhu buồn rầu báo tin không thể đi vì chân còn đau lắm, sợ không chịu nổi đường trường, tuy rằng lộ trình Qui Nhơn – Nha trang chỉ hơn 200 cây số.

Chiều ngày áp, anh Công Long hết gọi điện rồi nhắn tin hỏi xem đã đi tới đâu. Lại một sự nhầm lẫn về thời gian. Đây là bệnh chung của tuổi tác?, giống như bản thông báo về ngày họp mặt tại Long Khánh? Anh em càng ngày càng hiểu nhau hơn. Nhớ lại câu nói anh Nhu: Cố gắng mà đi gặp nhau, kẻo không còn sống mà thấy nhau! 

Ngày hẹn hò đã đến. Anh Visigod dẫn đường đến một một quán ăn, để anh em trò chuyện trong một bữa cơm chiều ở miền thùy dương. Trời mưa nhẹ, nhưng cũng đủ làm ướt ai đó đang đi ngoài đường. Anh Phùng Tâm đi bộ tới vì nhà gần. Anh Công Long đội áo mưa, đi xe Honda vượt quãng đường 10 cây số từ Cầu Ké. Cha Kim Phú không thể đến vì vừa mổ thận. Cha Ngọc Anh cũng vậy. Hôm nay ĐCV Sao Biển đang có việc. Cha Hồ Mạnh Tín tối nay phải đi Sài Gòn chữa bệnh, cha có “sự cố” tại tuyến tiền liệt, lại còn quàng thêm cái chân bị giãn tĩnh mạch, hiện đang ở nhà an dưỡng Gp Nha Trang gần đó. Nhưng khi nghe tin, cha đã sẵn sàng đến, nhưng phải có người chở và dìu đi. Cha Vinh tình nguyện làm bác tài xế xe ôm, và lao xe đi trong mưa gió… Từ ngoài đường, cha Tín như lê từng bước đi, nhưng hôm nay cha không phải “từng bước từng bước thầm”…Anh em xúm lại, mỗi người đỡ một tay. Cha Tín nở một nụ cười tươi, nhưng hơi “héo” vì không làm chủ được như xưa. Chợt nhớ lại hình ảnh “Người thầy 86 tuổi đẩy xe lăn cho học trò 64 tuổi”, trong bài viết rất cảm động của anh Ngọc Hùng mới xuất hiện trên trang web Hòa Bình: Cha giáo Đaminh cười tươi, trong khi ngược lại, anh Nhu phải chặn môi lại để khỏi bật khóc. Sự rạng rỡ đi kèm với nỗi thổn thức trầm lắng. Anh em giờ đây đã lớn tuổi, đã trải qua những khúc thăng trầm của cuộc sống. Những thăng trầm ấy không chỉ là chuyện của quá khứ, nhưng đang rõ mồn một nơi mỗi người. Giờ đây, ngồi bên cạnh người bạn cùng lớp. Một người vẫn còn “phong độ”, và người kia, sức khỏe không đỡ nổi thân người. anh Công Long có nhắc đến anh Nhu, người đã gọi điện tỏ ý tiếc nuối không đi được chuyến này. Và anh thêm: Giờ chắc Nhu đang ngồi khóc!. Những hình ảnh trước mắt làm tôi liên tưởng đến cuốn trường thiên tiểu thuyết, đến nay vẫn là kiệt tác, của văn hào Nga Lev Tolstoy: “Chiến tranh và Hòa Bình”. Anh em mình, thời gian ở tiểu và đại chủng viện trước 1975, chắc không chú nào và thầy nào mà không biết, hoặc chưa từng đọc. Còn nhớ câu chuyện thật dài, đến 04 cuốn dày cộm, hấp dẫn từ đầu đến cuối. Khung cảnh và nhân vật trong truyện, nếu không là tiền đề, thì cũng là hiện thân cho những vui buồn sướng khổ, mạnh mẽ yếu đau, hạnh phúc hay nghẹn ngào, và bên cạnh đó, đã khai mở bao câu chuyện về những cuộc đời và phận người.

Bên ngoài trời còn mưa, và bên trong, câu chuyện của anh em vẫn chưa có đoạn kết. Kẻ này chưa dứt câu thì người kia đã muốn ngỏ lời. Lần gặp gỡ này tuy ít thôi nhưng cũng có đủ anh em 3 khóa. Khóa 1: anh Công Long; Khóa 2: anh Phùng Tâm, cha Vinh và Khóa 3: cha Điệp, cha Tín. 

Rồi cũng đến lúc phải chia tay. Cha Tín về chuẩn bị đi Sàigòn lúc 10g00. Cha Vinh nghỉ ngơi chuẩn bị cho lễ an táng ngày mai tại Vạn Giả. Anh Công Long vội đi vì nhà xa mà trời mưa không dứt. Nhà anh Phùng Tâm cách quán có vài nhà, nên anh Tâm mời tôi đến thăm nhà. Hai vợ chồng anh Tâm và tôi lại tiếp tục câu chuyện giữa ba người. Anh chị kể về cô con gái vừa bị đồ rớt xuống gãy chân. Cuộc đời và trần gian là như thế. Cứ hết chuyện vui rồi lại đến chuyện buồn. Nhưng khi vui buồn có nhau thì cuộc đời lại dễ gánh vác…Anh Phùng Tâm chỉ tay về phía sau bộ sa lông và kể: “Chỗ này đây, tối ngày 27.04.2017, Đức Cha Long và anh em đã ăn cơm tối với nhau, vui lắm!”. Và đó chính là “Bữa ăn đã làm nên lịch sử”, khởi động cho ngày Hạnh ngộ anh em cựu chủng sinh ĐCV Hòa Bình, tại Trung Tâm Mục Vụ Gp Đà Nẵng hồi cuối tháng Bảy, và mở màn cho những cuộc gặp gỡ sau này…, trong đó có cả đêm nay, ngày 28.11,2017, như một vòng tròn đầy đặn. 

Còn lại một mình, đi dọc theo bờ biển Nha Trang ban đêm, dưới cơn mưa lất phất, bên thành phố đã lên đèn rực rỡ, nhìn những bóng người vội vã về nhà tìm lại mái ấm, lòng tôi vẫn thấy ấm cúng và đầy ắp hòa bình, sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi nhưng sâu lắng vừa qua…./.

Sông Cầu, ngày 30.11.2017

Lm Antôn Nguyễn Huy Điệp, HB 3

(Nguồn: http://dcvhoabinh.quetroi.net/)

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.