Hành trình về bên ân sư của anh em cựu chủng sinh ĐCV Hoà Bình ấm áp và đầy niềm vui và nghĩa tình



HÀNH TRÌNH VỀ BÊN ÂN SƯ CỦA ANH EM CỰU CHỦNG SINH ĐCV HÒA BÌNH ẤM ÁP VÀ ĐẦY NIỀM VUI VÀ NGHĨA TÌNH

“Ơn Thầy, trò nguyện ghi khắc mãi
Nghĩa nặng tình thâm tựa biển khơi.”

Tôi xin mở đầu cho bài viết này bằng 2 câu thơ của ai đó mà tôi không còn nhớ tên.

Đối với chúng tôi, những cựu môn sinh của Đại Chủng Viện Hòa Bình, thời gian thụ giáo dưới mái trường thân yêu này quá ngắn ngủi, dài nhất cũng chỉ là 2 năm 6 tháng. Riêng Khóa 3 chỉ vỏn vẹn 6 tháng, sau biến cố 1975, thì bị bức tử. 

Thế nhưng thời gian ngắn hay dài không làm nên thước đo về tình cảm bạn bè, nghĩa ân sư của anh em cựu chủng sinh ĐCV Hòa Bình chúng tôi.Tôi chợt nhớ câu nói của Rabindranath Tagore: “Đời bướm đo bằng khoảnh khắc chứ không phải bằng tháng ngày, nhưng nó vẫn có đủ thời gian.” (The butterfly counts not months but moments, and has time enough).

Vâng, trong cái “khoảnh khắc” ngắn ngủi tại ĐCV Hòa Bình, chúng tôi đã sống, đã đủ thời gian nhận biết bao nhiêu mật ngọt của cuộc đời: tri thức, nhân đức, tình đồng môn và nhất là TÌNH THẦY TRÒ.

Cho đến nay, dù đã 45 năm tan tác và chia cách, mỗi người vẫn mang trong lòng một đóm lửa đầy yêu thương và biết ơn đối với những ân sư đã dành hết tâm huyết của mình để truyền thụ lại cho các học trò thân yêu những tri thức, cách sống làm người, cuộc đời tận hiến, nền tảng đức tin và đạo đức… tất cả những hạt giống các Ngài đã gieo trồng đã nảy lộc đâm mầm để mỗi người chúng tôi trưởng thành và sống theo ơn gọi riêng của từng người. Dầu là giám mục, linh mục hay giáo dân, chúng tôi đều được thừa hưởng những công lao trời biển đó làm hành trang để dấn thân vào đời.

Và hôm nay, chúng tôi cùng nhau từ khắp nơi tìm về với các ân sư, để tỏ lòng tri ân và lòng thương nhớ các Ngài sau nhiều năm xa cách do biến cố thời cuộc. Người xa nhất là GM An Phong Nguyễn Hữu Long đến từ Vinh, từ Huế có Cha Phaolô Nguyễn Luận (K.3), Đà Nẵng có cha Phêrô Trần Đức Cường (K.3), Sông Cầu-Phú Yên có Cha Antôn Nguyễn Huy Điệp (K.3), Nha Trang với vợ chồng Phùng Tâm (K.2)-Phạm Thị Bắc. Lâm Đồng có Trương Phước (K.1), Ngọc Lâm có Trần Thắng (K.3), Biên Hòa có chị Thái Hiệp thay mặt phu quân Đa Minh Lê Văn Sự (RIP.) (K.3)  Gần hơn từ Sài Gòn có Phan Đình Thi (K.1), Phan Ngọc Hùng (K.1), Nguyễn Sao (K.2), Lê Thanhh Gioan (K.3), Lê Xuân (K.1); Vùng Xuân Lộc có Cha Bênêdictô Nguyễn Phi (Hành) (K.1), Hoàng Văn Hội (K.1), Cù Bị có Nguyễn Ánh (K.2), Nguyễn Phong (K.2); và Phan Thiết có cha Phêrô Nguyễn Huy Hồng (K.1).         

Ngoại trừ 5 vị ân sư đã được Chúa gọi về: Cha Giám đốc An Di Phạm Năng Tĩnh, Cha Phêrô Nguyễn Châu Hải, Cha Phêrô Trịnh Thiên Thu, Cha F.X. Nguyễn Tiến Cát và Cha Mathêu Chong Shun Tien, lần này dầu chỉ trong thời gian ngắn ngủi có 2 ngày, chúng tôi có may mắn được hạnh ngộ cùng tất cả 4 Cha giáo vẫn còn sống dầu các Ngài đã bước vào tuổi thượng thọ của đời người.

1. Cha giáo Phêrô Nguyễn Lân Mẫn:
2. Cha giáo Phêrô Nguyễn Hữu Đăng
3. Cha giáo Gioan Baotixita Nguyễn Văn Đán
4. Cha giáo Đa Minh Trần Thái Hiệp  

Người ân sư đầu tiên chúng tôi đến thăm là Cha giáo Phêrô Nguyễn Lân Mẫn.

Cha giáo hiện đã nghỉ hưu và sống riêng tại căn nhà nhỏ tại đường Chu Văn An gần GX Gia Yên.

Đối với thế hệ cựu chủng sinh TCV Thánh Gioan, Ngài thường được gọi là Bố Mẫn, và kể từ ngày Ngài về hưu, nhiều anh em vẫn thường xuyên lên thăm Ngài. 

Riêng với các môn sinh ĐCV Hòa Bình, trừ Đức cha An Phong từng cùng Ngài giảng dạy cho ĐCV Huế một thời gian dài, đây là lần đầu tiên nhiều anh em mới được dịp hạnh ngộ cùng Cha giáo.


Tuy thời gian đã bào mòn đi ký ức nhưng khi tôi giới thiệu từng anh em mà lâu này Cha giáo không gặp, trong đôi mắt của Ngài vẫn lóe lên niềm vui và đôi môi nở nụ cười rạng rỡ. Việc trước tiên là chúng tôi làm là vào viếng Chúa trong ngôi phòng nguyện đường nhỏ , nơi mà Cha giáo hằng ngày vẫn dâng Thánh Lễ và âm thầm cầu nguyện cho các môn sinh. Đức cha An Phong bắt nhịp bài hát quen thuộc ngày xưa Cha giáo thường xướng lên mỗi khi chúng tôi Chầu Thánh Thể hoặc viếng Chúa: “Thờ lạy tin yêu Chúa từ nhân. Vì quá yêu con lưu lạc thế trần. Ðã hy sinh nên Bánh trường sinh để giúp con đủ sức về Thiên đình.” Bài hát đưa chúng tôi về những kỷ niệm và hồi ức của một thời làm chú ở tiểu chủng viện, làm thầy ở đại chủng viện. Ôi ngày xưa đó, trong tôi dậy lên nỗi nhớ cồn cào của những ngày xưa yêu dấu: dưới mái trường xưa, những bóng chiếc áo chùng thâm cùng tiếng hát bên thềm điện thánh…  

Trong phòng khách, Cha giáo đã bày sẵn bàn tiệc để mừng hội ngộ các môn sinh. Đức cha An Phong thay mặt các môn sinh tặng quà và gắn huy hiệu ĐCV. Hòa Bình cho Cha giáo. Ngài cười tươi thật vui. Những kỷ niệm về Cha giáo với môn sinh lại tiếp nối trào dâng trong bàn tiệc. Cha giáo cứ nhắc: “Các trò ăn đi.” Ô, tiếng “các trò” quen thuộc khiến lòng tôi rưng rưng đưa tôi về miền ký ức của tuổi thơ học trò bên người Thầy giản dị, đơn sơ nhưng rất thánh thiện và vĩ đại. Trong cuộc đời, mỗi lần ngồi vào bàn viết, tôi vẫn luôn thì thầm câu nguyện mà Cha giáo đã sáng tác để chúng tôi buông viết, đọc lớn khi nghe tiếng chuông nhắc nhở trong giờ etude, chắc các bạn lớp Phaolô và F.X. 1 (TCV Thánh Gioan) còn nhớ: “ Lạy Chúa, dưới mắt âu yếm của Chúa, chúng con muốn sống ngoan ngoãn và chăm chỉ làm việc.”


Một hình ảnh của Cha giáo mà tôi không bao giờ quên là sau biến cố 1975, TCV Thánh Gioan và ĐCV Hòa Bình bị trưng dụng, có một thời gian Cha giáo về làm Quản xứ GX Hòa Thuận. Trong một lần về công tác tại Đà Nẵng vào một ngày cuối đông, tôi ghé về thăm Cha giáo và ở một đêm tại nhà xứ. Sáng dậy, lúc 4g, tôi nghe tiếng giật chuông lễ của nhà thờ, tôi ra khỏi phòng, nhìn thấy Cha giáo vừa giật chuông xong, mặc chiếc áo field jacket bạc màu đang co ro quét sân nhà thờ, sau đó Cha vào cầm chổi lông gà quét bụi hết các bàn quì của giáo dân rồi tự tay chuẩn bị đồ lễ. Nhìn chiếc bóng âm thầm lặng lẽ của Cha giáo làm mọi việc của Nhà xứ, tôi trào nước mắt. Không ai biết được đó là một trong những tiến sĩ giáo dục đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp từ một đại học Mỹ. Một tấm gương về linh mục dành cả cuộc đời tận hiến cho Giáo hội và tha nhân trong mọi hoàn cảnh và biến động.

Khi chào biệt Cha giáo, chúng tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh Ngài cố chống gậy từng bước ra tiễn chân học trò, đôi mắt Cha giáo vẫn dõi theo cho đến bóng dáng các trò xưa khuất sau cánh cổng.

Các trò nhỏ đã khuất sau hàng dậu,
Có bóng Thầy lặng lẽ đứng nhìn theo.
Có chút khói hoàng hôn trong khóe mắt,
Trong sân nhà, trơ trọi lá vàng hoe.

Phan Ngọc Hùng - Paul Sartre - 7/6/2020

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.