Môn sinh ĐCV. Hòa Bình mừng Kỷ niệm 60 năm hồng ân Linh Mục của Cha giáo Phêrô Nguyễn Hữu Đăng (31/5/1960 - 31/5/2020)


MÔN SINH ĐCV. HÒA BÌNH MỪNG KỶ NIỆM 60 NĂM HỒNG ÂN LINH MỤC CỦA CHA GIÁO PHÊRÔ NGUYỄN HỮU ĐĂNG (31/5/1960 - 31/5/2020)

Từ giã Cha Giáo Mẫn, chúng tôi lên đường đi Phan Thiết. Đến Nhà thờ Xuân Long ở Ngã Ba Dầu Giây đón Cha Bênêdictô Nguyễn Phi (Hành) (HB1). Ngôi Nhà thờ này cũng là nơi một Cha giáo của chúng tôi đã làm quản xứ suốt 13 năm ròng (1980-1993) trước khi nghỉ hưu: Cha giáo Phêrô Trịnh Thiên Thu. Ngài qua đời ngày 31/10/2011 và được an táng tại Đất Thánh GX. Khiết Tâm – Thủ Đức. Nếu Ngài còn sống thì dịp này sẽ là niềm vui được nâng lên gấp đôi vì Ngài chịu chức Linh mục cùng ngày với Cha giáo Phêrô Nguyễn Hữu Đăng (31/5/1960) mà hôm nay chúng tôi đi Phan Thiết để mừng lễ Ngọc Khánh. 

Đối với Cha giáo Trịnh Thiên Thu, tôi có cái may mắn ký lạ là khi Ngài về nghỉ hưu tại Trụ sở Xuân Bích ở Thị Nghè (1993 – 2000), cùng Phường 17 Quận Bình Thạnh với gia đình Mẹ tôi, tôi vẫn thường xuyên gặp gỡ và được Cha giáo tiếp tục làm linh hướng. Rồi vào năm 2000, khi Ngài chuyển về nghỉ hưu tại Tu Hội Naza ở 209 QL1A, KP4, P. Bình Chiểu, Q. Thủ Đức thuộc GX. Khiết Tâm, tôi cũng mua nhà chuyển về ở tại cư xá Savimex, ngay sát Tu hội Naza, hai cha con vẫn thường có dịp gắn bó với nhau. Sau này từ năm 2009, Cha giáo Phêrô Nguyễn Châu Hải cũng về nghỉ hưu tại Dòng  Thánh Thể, tại GX. Khiết Tâm, ba cha con thường gặp nhau kể lại những kỷ niệm thời còn ở ĐCV. Hòa Bình. Cha giáo Phêrô Nguyễn Châu Hải mất ngày 3/5/2018 và được an táng ngay gần mộ Cha giáo Phêrô Trịnh Thiên Thu tại Đất Thánh GX. Khiết Tâm.

Xin cám ơn hai Cha Giáo đã là chỗ tựa thân thiết và vững chắc trong những thời khắc khó khăn nhất trong cuộc sống hôn nhân và đời sống đạo của con. Nhờ thế mà con vững bước đi lên trong đức tin cho đến ngày hôm nay. Xin Chúa trả công cho hai Cha giáo và xin phù hộ cho anh em chúng con, những môn sinh yêu dấu của hai Cha, vẫn còn tiếp tục cuộc sống khó khăn nơi trần thế này. 

Đến Ngã Ba Tân Phong, chúng tôi dừng xe chào đón thêm Giuse Hoàng Văn Hội (HB1), Phaolô Nguyễn Ánh (HB2) và Giuse Nguyễn Phong (HB2). Đức cha An Phong thiết đãi anh em một chầu sầu riêng thật ngon miệng để tăng thêm vị ngọt ngào của tình đồng môn trong chuyến đi này.

Đến Phan Thiết, xe đưa thẳng đoàn về Khách sạn Minh Tâm cách nhà hưu và TGM Phan Thiết chỉ khoảng 800m mà tôi đặt sẵn từ trước để mọi người nghỉ ngơi và chờ đón phái đoàn từ Đà Nẵng vào.

Đúng 2g15, Cha giáo GB Nguyễn Văn Đán và Cha Phêrô Trần Đức Cường (HB3) đến nhập đoàn. Anh em lại mừng rỡ tíu tít quay quanh Cha giáo. Có nhiều người đã gần 45 năm mới được gặp lại Cha giáo. Thời gian đã nhuộm tuyết sương trên mái tóc của cả Thầy lẫn trò, nhưng nó không xóa nhòa đi những ký ức đẹp về tình Thầy trò, nghĩa ân sư.

Xin cám ơn Cha giáo Gioan Baotixita: dầu đã gần bước vào tuổi thượng thọ 90, Cha giáo vẫn không ngại quảng đường xa 750km từ Đà Nẵng đi xe vào Phan Thiết để hội ngộ cùng các môn sinh và chúc mừng ngày vui của linh mục đồng môn.

Sau khi nghỉ ngơi, đúng 16g00, anh chị em trong đoàn lên xe đến Tòa Giám Mục Phan Thiết. Cha Phêrô Nguyễn Huy Hồng (HB1) đang là Quản xứ GX. Đức Mẹ Vô Nhiễm thuộc GP. Phan Thiết cũng đến hội ngộ cùng anh em. Trước tiên, chúng tôi đến chào thăm Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Giám mục Chính tòa GP. Phan Thiết. Ngài vui vẻ đón tiếp chúng tôi và nói sơ qua về tình hình Giáo phận. Theo anh em nhận xét, kể từ ngày về Phan Thiết, Ngài trông trẻ và đẹp trai thêm. Xin cảm tạ Hồng ân Thiên Chúa.

Từ giã Đức cha, chúng tôi vào Nhà Hưu Giáo Phận để chào Cha giáo Phêrô Nguyễn Hữu Đăng, nhân vật chính cho cuộc Hội ngộ và buổi lễ hôm nay.

Niềm vui òa vỡ khi anh em gặp Cha giáo. Hầu hết anh em đều chia ly với Ngài kể từ biến cố 1975 – nước mất trường tan. Chúng tôi như bầy chim lạc đàn tan tác khắp mọi nơi. Thầy trò cách biệt, đồng môn ly tán. Trong trái tim chúng tôi, đó là nỗi đau mà chúng tôi không bao giờ quên.

“Chim xa bầy thương cây nhớ cội, 
Người xa người tội lắm ai ơi!”

Riêng tôi và các môn sinh của Cha giáo ở GP. Đà Nẵng, có một điều may mắn là còn giữ được sợi dây liên kết với Cha giáo sau năm 1975, khi Ngài tiếp tục làm quản xứ GX. Thanh Đức – GP. Đà Nẵng từ tháng 5/1975 đến tháng 7/1991. Sau thời gian đó, sợi dây liên lạc bị đứt hẳn. Chúng tôi không biết Ngài còn sống hay đã mất hoặc lưu lạc phương nào. Mãi gần đây, nhờ Đức cha An Phong thông tin, chúng tôi mới biết Ngài đang sống hưu tại Giáo phận này. Nhìn mái tóc bạc phơ lưa thưa của Cha giáo, chúng tôi tự nhiên thấy một niềm ân hận hối lỗi dáy lên trong lòng. Biết bao nhiêu lần chúng tôi đi qua vùng đất này, công tác hoặc du lịch, mà không hề hay biết Cha giáo của mình đang âm thầm sống lặng lẽ nơi này. Để rồi mãi đến hôm nay, sau mấy chục năm, mới tìm được đến bên Cha giáo khoanh tay cúi đầu tạ lỗi.

“Thời gian ơi xin dừng lại đừng trôi
Cho chúng con khoanh tay cúi đầu tạ lỗi
Gọi tiếng thầy với tất cả yêu thương.”

Nói về Cha giáo, anh em luôn nhớ đến nụ cười hơi ngây thơ và lãng đãng của Ngài.

Chắc không ai quên câu nói của Ngài khi dạy Triết học Đông Phương: “Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật và chết ở Việt Nam.” Chỉ riêng nói về đám tang ở Việt Nam, Cha giáo – Tiến sĩ Triết học Sorbonne – đã đưa chúng tôi về với cội nguồn dân tộc, tâm thức kính trọng người chết và quan niệm gần gũi của dân tộc Việt với Kitô giáo về cái chết. “Sinh ký tử qui” (sống gửi, thác về) giống như người Công Giáo coi cuộc đời này là cõi tạm, chỉ “khi chết đi là khi vui sống muôn đời” (“c’est en mourant qu’on ressuscite à l’éternelle vie”- Kinh Hòa Bình – Thánh Phanxicô)… Và còn nhiều nữa mà chúng tôi vẫn nhớ mà không thể kể hết được. Chỉ có một điều, qua sự truyền thụ của Cha giáo ngày xưa, cái triết lý Phương Đông chọn lọc đã thấm dần vào tim óc chúng tôi, thể hiện ra bên ngoài cuộc sống, giữ mình khỏi bị tha hóa, bị chao đảo trước những cám dỗ vật chất vô thần và sống trọn cuộc đời trần thế tốt lành để hướng về miền đất hồi sinh tươi đẹp vĩnh cửu sau khi đi vào cõi chết.  

Hôm nay, được hội ngộ cùng Cha giáo, nhìn nụ cười tràn đầy nét tuổi thơ yêu đời không bị năm tháng đánh mất, chúng tôi mới thấm thía lời dạy dỗ đầy tính triết lý của Ngài: “Người không sợ Chết thì sẽ luôn mãi mãi yêu cuộc sống”. 

“Hôm nay thấy lại nụ cười
Hiền hòa, thân thiện của người thầy xưa.”


Thánh lễ mừng kỷ niệm 60 năm Hồng ân Linh Mục của Cha giáo được cử hành trong nguyện đường nhỏ nhưng ấm cúng của Nhà Hưu dưỡng. Đây là lần đầu tiên Cha giáo được cử hành Thánh lễ đồng tế với đồng môn và Giám mục, linh mục môn sinh ĐCV. Hòa Bình của Cha giáo. 90 năm đời người và 60 năm Linh mục, đó là quảng thời gian hiếm cho một đời hiến tế. Chúng tôi cùng Cha giáo Tạ ơn Chúa luôn đồng hành cùng Ngài, dẫn bước Ngài vững vàng vượt qua bao gian lao thử thách để sống trọn cuộc đời tận hiến. Tiếng hát của anh chị em CCS. Hòa Bình hôm nay thật sốt sắng và tuyệt vời thể hiện tất cả ý nghĩa của buổi lễ trang trọng hôm nay diễn tả cả một đời cao đẹp của Cha giáo: 

“Từ ngàn xưa Cha đã yêu con Cha chọn con giữa muôn người. Giờ đây con hân hoan bước lên bán thánh. Dâng tiến Cha xác hồn trắng tinh như ánh quang rạng ngời. Đưa bước tung gieo lời chân lý hầu cứu thoát muôn dân muôn người. Từ bụi tro Chúa nâng con lên hàng tư tế. Và gọi con là bạn nghĩa thân tình. Ban muôn ân thiêng dẫn đưa con trên dương gian vương ngàn nguy khó và hồn con nào biết lấy chi báo đền.”


Sau Thánh lễ, anh Phan Đình Thi thay mặt toàn thể môn sinh tại Việt Nam và hải ngoại gửi đến Cha giáo lời biết ơn chân thành, đầy yêu thương của các học trò, dầu đang hiện diện hay vắng mặt, vẫn luôn hướng về Cha giáo. Đức cha An Phong đã trao tặng những món quà do các môn sinh trong nước và hải ngoại gửi cho Cha giáo thể hiện tấm lòng “tôn sư trọng đạo” đối với một người Thầy, người Cha của tất cả anh em CCS. ĐCV. Hòa Bình. 

Bữa tiệc mừng Cha giáo tuy đơn sơ, nhưng cũng không thiếu phần hấp dẫn với những món đặc sản miền biển Phan Thiết. Tham dự bữa tiệc còn có sự hiện diện của Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Giám mục Chính tòa GP. Phan Thiết và Cha Giuse Hỗ Sĩ Hữu, Tổng đại diện GP. Phan Thiết. Nhân dịp này, Đức cha cũng gắn Huy hiệu ĐCV. Hòa Bình cho hai Cha giáo Phêrô Nguyễn Hữu Đăng và Gioan Baotixita Nguyễn Văn Đán.

Từ giã Cha giáo trong luyến tiếc, chúng tôi chúc Cha giáo sức khang an để còn tiếp tục cùng Hội ngộ với các môn sinh trong dịp Kỷ niệm 50 năm ĐCV. Hòa Bình vào năm 2022 tới.

Hình ảnh

Phan Thiết, 7/6/2020

Phan Ngọc Hùng (HB3)

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.