CHÚA VẪN THƯƠNG CON
Một buổi sáng đẹp trời vào giữa tháng 09 năm 1974, lần đầu tiên trong đời, tôi bước xuống máy bay tại phi trường Đà Nẵng. Và cũng là lần thứ nhất, tôi xách va li bước vào một tòa nhà uy nghi, mới xây xong một nửa, cũng như tôi đã đi được nửa đường của một tiểu chủng sinh nhập Đại Chủng Viện, từ làm chú sang làm thầy. Một cảm giác khó diễn tả, vừa vui sướng vừa hồi hộp. Tất cả như reo lên theo một điệp khúc: “Chúa đã thương con”…
Thế mà thời gian trôi qua đã 42 năm. Sau cuộc chia ly không hẹn ngày trở lại ấy, tưởng rằng cái kỷ niệm ngắn ngủi và ít dấu ấn quá, so với những biến cố thấm đậm hơn nhiều, sẽ khó được gợi lại một cách cụ thể. Ai dè “Chúa vẫn thương con”: Cuộc hội ngộ “Cựu chủng sinh ĐCV Hòa Bình” đã được lên lịch, để cái không gian ấy, những con người ấy, một thời kỷ niệm ấy, lại xuất hiện như một dấu tích lịch sử chưa hề phai, dù tất cả, sau chừng ấy năm trời, đã chứng kiến biết bao đổi thay. ĐCV Hòa Bình, chỉ hoạt động có ba năm, nhưng đã để lại những con người vẫn tiếp tục bươn chải trên hành trình làm Kitô hữu trong một Giáo Hội vẫn vững mãi như bàn thạch. Những cựu chủng sinh ấy giờ đây đang là Giám mục, Linh mục, Tu sĩ, hoặc trong những gia đình Công giáo đích thực. Và theo dòng thời gian, anh em Hòa Bình đang trôi dạt khắp nơi khắp chốn trên trần gian này…
Từ lúc nghe tin có ngày hạnh ngộ, những hình ảnh và con người của dạo ấy bỗng hiện càng lúc càng rõ nét, như những dấu chấm phết vẫn còn ướt mực. Và dù kỷ niệm này có khó nhớ hết lại, vì anh em lúc này đều đã bước qua tuổi thọ, chắc chắn sẽ được đong đầy khi có dịp về bên nhau.
Ước mơ mà học sinh nào chẳng có là được học tới nơi tới chốn, đặc biệt khi lên đại học, lúc bước chân vào giảng đường, ngồi bên cạnh những người giờ được gọi là sinh viên. Đặc biệt hơn nữa, những sinh viên ấy lại là những Đại chủng sinh. Nhớ những ngày mới lên Đại chủng viện, lần đầu tiên được mặc chiếc áo dòng đen, sao mà lúng túng đến ngây ngất lạ lùng!. Lý tưởng Linh mục như càng gần gũi hơn. Và rồi sự ngưỡng mộ hướng đến các Cha giáo, những Đấng bậc, không những là Linh mục, mà còn là những nhà giáo dục cho các ứng viên Linh mục.
Cha Giám đốc, với tướng người bệ vệ, khuôn mặt nhân hậu, vầng trán cao, ăn nói duyên dáng, dễ chinh phục người đối diện ngay giây phút khởi đầu. Khi cùng nhau đến chào, Ngài đã dẫn anh em vào phòng bên coi sách vở. Đúng là một kho với những kệ đầy sách cao ngất ngưởng. Thảo nào trán Ngài phải to và cao mới chứa được bằng ngần ấy kiến thức. Tôi thán phục, chặc lưỡi lẩm bẩm như thế!. Nhớ những giờ tiếng Tàu. Học chữ Tàu thì ít, nhưng nghe chuyện về chữ Tàu thì nhiều. Thảo nào người ta bảo: Chữ Tàu là chữ tượng hình, mà đúng thật, hình ảnh thường gợi lên một câu truyện. Cũng như những bản nhạc “vàng” theo điệu “bò leo rào”: Mỗi bản nhạc là một câu truyện tình, dù tình thật buồn!.
Nhớ Cha Quản lý, giáo sư Xã Hội. Nghe nói có một thời Ngài đi quân dịch. Hèn chi Cha có oai phong của một chiến sĩ, giọng nói đĩnh đạc như phát súng bắn vào hồ cá giữa nhà?.
Nhớ Cha Giám luật, giáo sư Triết Đông. Đúng là một nhà mô phạm với khuôn mặt dễ nghiêm trang. Nhiều lúc thấy hơi khó, nhưng biết đâu đó là vai Ngài phải đóng, đối với những người đang được huấn luyện kia mà.
Nhớ Cha giáo Phụng vụ, lúc nào cũng mang vẻ “rắc lô” như những hàng “Chữ đỏ” trong Sách Lễ Rô Ma.
Nhớ Cha giáo Triết Tây, người nhỏ nhắn dễ mến, giọng “thuốc lào” trầm ấm. Những giờ học môn của Ngài hơi bị mỏi tay vì phải chép bài. Hình như Ngài sợ học trò mau quên, điểm kém thì mang tiếng chết!.
Nhớ Cha giáo Kinh Thánh. Giọng nói nhỏ nhẹ có phần hơi yểu điệu, như bà mẹ hiền âu yếm con thơ trong Tân Ước.
Nhớ Cha giáo Tu Đức đã cao niên, nhưng tính tình rất trẻ thơ. Ngài có thể ngay tức khắc hóa thân từ một ông thần dữ sang ông bụt hiền hòa. Tôi đã chọn Ngài làm Linh hướng, có lẽ để dễ biến đổi và nên thánh?.
Nhớ Cha giáo tiếng Anh. Phong cách rất nghệ sỹ và hồn nhiên. Lúc đó tôi chưa được đi Âu Mỹ, nhưng đã mong ước có ngày…
Gợi nhớ những Cha giáo khả kính, mà vài vị trong số đó đã về Trời, hy vọng là một gợi mở khung trời kỷ niệm cho các anh em của ba lớp tiền phong, và cũng là cuối cùng của ĐCV Hòa Bình. Nhưng nếu với ký ức và tâm tình của tất cả anh em cộng lại, thì đó sẽ là hình ảnh sống động về các Vị tiền bối, đã nung đúc cuộc đời của các môn sinh cho đến hôm nay.
Và còn nữa, một hình hài với những dấu ấn đầy yêu thương và kịch tính đến hơi thở cuối cùng, chắc vẫn còn đọng lại theo dòng thời gian trong tâm hồn những đứa con tinh thần: Đức Cha Phêrô Maria, Giám mục tiên khởi của giáo phận Đà Nẵng. Hàng tháng, Ngài đến ĐCV để thăm con cái và nói những lời của một Hiền Phụ. Ngài yêu Giáo Hội, yêu mọi người, bằng cả một cuộc đời đầy phong ba bão tố, từ bắc vào nam, từ nam ra trung, và cuối cùng, từ trần gian lên Thiên Quốc. Là những kẻ yêu mến Ngài, ước gì những môn sinh của ĐCV Hòa Bình cũng nói được như thánh Phêrô: “Thầy biết con yêu mến Thầy”, cho đến khi an nghỉ dưới chân đồi Đức Mẹ Trà Kiệu…./.
Sông Cầu ngày 10.07.2017
Lm Antôn Nguyễn Huy Điệp HB3
(Nguồn: dcvhoabinh.quetroi.net)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.