NHÀ THỜ MẰNG LĂNG
Nhà thờ Mằng Lăng là một nhà thờ Công giáo nằm trên địa phận huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Nhà thờ Mằng Lăng là nhà thờ lớn của giáo xứ Mằng Lăng, thuộc Giáo hạt Mằng Lăng, Giáo phận Qui Nhơn.
Giáo xứ Mằng Lăng thuộc phía Bắc tỉnh Phú Yên. Phía Bắc giáp giáo xứ Sông Cầu, phía Nam và phía Đông giáp giáo xứ Chợ Mới và Biển Đông, phía Tây giáp giáo xứ Đồng Tre và giáo xứ Sơn Nguyên. Phần đất của giáo xứ Mằng Lăng hiện nay bao gồm thị trấn Chí Thạnh, các thôn Hội Tín và Phú Thịnh của xã An Thạch, các xã An Ninh Đông, An Ninh Tây, An Dân, An Định, An Nghiệp, An Xuân, An Lĩnh của huyện Tuy An.
Giáo xứ Mằng Lăng thuộc phía Bắc tỉnh Phú Yên. Phía Bắc giáp giáo xứ Sông Cầu, phía Nam và phía Đông giáp giáo xứ Chợ Mới và Biển Đông, phía Tây giáp giáo xứ Đồng Tre và giáo xứ Sơn Nguyên. Phần đất của giáo xứ Mằng Lăng hiện nay bao gồm thị trấn Chí Thạnh, các thôn Hội Tín và Phú Thịnh của xã An Thạch, các xã An Ninh Đông, An Ninh Tây, An Dân, An Định, An Nghiệp, An Xuân, An Lĩnh của huyện Tuy An.
Trên quốc lộ IA từ Bắc vô Nam qua trụ cây số 1300 sẽ gặp cầu Ngân Sơn bắc qua sông Kỳ Lộ, dân địa phương gọi là sông Cái. Qua khỏi cầu Ngân Sơn chừng 600 m, hoặc nếu từ Nam ra Bắc cách ngã ba Chí Thạnh 2 km, gặp trụ cây số 1301, đi theo huyện lộ về hướng Đông 1.900 m sẽ đến nhà thờ Mằng Lăng cổ kính thuộc thôn Hội Tín, xã An Thạch.
Mằng Lăng là nơi sinh của Chân phước Anrê Phú Yên, một trong những vị tử đạo bổn mạng của giới trẻ Công giáo. Mằng Lăng cũng là cái nôi truyền giáo trên địa bàn Phú Yên. Hạt giống Tin Mừng đã được gieo trên vùng đất này từ thế kỷ XVII, do các thừa sai Dòng Tên đến từ cư sở Nước Mặn, Qui Nhơn.
Theo sử sách, đời Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức thứ 6 (1475), mở đến đất Phú Yên lấy núi Thạch Bi làm giới hạn. Triều Nguyễn đời Chúa Tiên năm Mậu Dần (1578), vua ủy nhiệm ông Lương Văn Chánh làm Trấn Biên Quan nhưng mãi đến năm Kỷ Ty 1629, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên mới cho lập Dinh Trấn Biên và giao cho người con rể là Nguyễn Phúc Vinh làm Quan Trấn Thủ. Bản đồ của Cha Đắc Lộ năm 1651 ghi Dinh Trấn Biên là Dinh Phoan, phía trước Dinh có một dòng sông. Ngày nay Dinh Trấn Biên được dân địa phương gọi là Thành Cũ thuộc thôn Hội Phú, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Dinh Trấn Biên nay đã chìm sâu dưới dòng Sông Cái.
Vợ Quan Trấn Thủ là công chúa Ngọc Liên – trưởng nữ của Chúa Sãi đã lãnh nhận bí tích rửa tội năm 1636 với tên thánh là Maria Mađalêna. Sau đó, bà lập nhà nguyện trong Dinh Trấn Biên, và truyền giáo đến mọi người. Tại Trại Thủy gần cửa biển Tiên Châu, có vợ chồng quan coi cửa biển mang tên thánh là Biển Đức giữ đạo sốt sắng. Từ đó, nhóm giáo hữu đầu tiên đã hình thành.
Năm 1892, linh mục Joseph de La Cassagne (thường gọi là Cố Xuân) khởi công xây dựng nhà thờ Mằng Lăng. Ngài là linh mục Chánh xứ đầu tiên của giáo xứ này.
Theo các bậc cao niên ở An Thạch, cách đây hơn 100 năm, khu vực An Thạch rất ít dân cư, phủ kín cây rừng, trong đó có một loại cây mọc rất nhiều, tán phủ rộng, lá cây hình bầu dục, hoa mọc chùm nở ra màu tím hồng gọi là bằng lăng trắng, nhưng tiếng địa phương thì lại quen gọi là mằng lăng. Hiện dấu vết khu rừng mằng lăng ấy không còn. Rừng cây được người dân tận dụng để xây dựng nhà thờ vào năm 1892, rồi lấy luôn tên Mằng Lăng đặt cho ngôi nhà thờ. Trong khi phá rừng, có một cây mằng lăng rất lớn được giữ lại, xẻ ra làm bốn cái bàn gỗ, mỗi cái có đường kính 1.7m và được đặt ở bốn nơi: Mằng Lăng (hiện để tại nhà khách), nhà thờ Chánh tòa Qui Nhơn, Chủng viện Làng Sông và nhà thờ Hộ Diêm.
Mặt tiền nhà thờ Mằng Lăng có kiểu kiến trúc gothique. |
Khởi công năm 1892 nhưng phải 15 năm sau mới được khánh thành (nhà xứ cũng được xây trong thời gian này). Nhà thờ được xây dựng với lối kiến trúc Gothic. Bao bọc mặt tiền và hành lang là những khung hình mái vòm. Trải qua thời gian dài và thời tiết làm hư hao nên đã qua nhiều lần tu sửa. Riêng mặt tiền với hai tháp chuông và thánh giá ở giữa vẫn y nguyên như thuở ban đầu. Thay đổi lớn và dễ nhận ra nhất là trần gỗ bên trong nhà thờ nay không còn kiểu mái vòm đặc trưng của kiến trúc Gothic. Đó là “hậu quả” của trận bão năm 1924, khiến trần nhà bị sập, nên khi làm lại phải cho hạ mái xuống và được làm phẳng như hiện nay.
So với các công trình nhà thờ cổ nổi tiếng ở Việt Nam như nhà thờ Đức Bà (TP Hồ Chí Minh), nhà thờ Phú Nhai (Nam Định), nhà thờ Con Gà (Đà Lạt)…, quy mô của nhà thờ Mằng Lăng nhỏ và thiết kế bên trong đơn giản hơn. Nhưng toàn bộ khối kiến trúc Công giáo nơi vùng duyên hải này lại toát lên vẻ cổ xưa với sơn phủ màu xanh xám đã sờn màu qua hơn một thế kỷ. Bên trong hiện có phần mộ của linh mục Lacassagne, mất năm 1900, người khởi công xây dựng nhà thờ và tượng Á Thánh Anrê đặt ngay cửa chính, được dựng lên sau khi ngài được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong Chân phước ngày 5.3.2000.
Tọa lạc bên bờ sông Kỳ Lộ (dân địa phương gọi là sông Cái), cách thị trấn Chí Thạnh gần 2 km đi bộ về phía Đông, nhà thờ Mằng Lăng được xây dựng trong khuôn viên rộng hơn 5.000 m2, theo kiến trúc Gothic với nhiều hoa văn trang trí. Hai bên nhà thờ có hai lầu chuông, chính giữa là thập tự giá. Tất cả sơn màu xanh xám giản dị, hòa đồng với khung cảnh ruộng vườn cây lá.
Nét cổ xưa nhà thờ Mằng Lăng |
Ở khuôn viên bên trái nhà thờ là Đền Thánh Anrê Phú Yên, hoàn thành năm 2008. Đền thờ nằm trong lòng một ngọn đồi nhân tạo, bên trong có nhiều bức tranh kể lại những câu chuyện về cuộc đời của vị Chân phước tử đạo, cùng một bức tượng và chứng tích là những sợi tóc được mang về từ trụ sở Dòng Tên ở Rôma, nơi cất giữ thủ cấp của ngài. Nơi đây cũng lưu giữ nhiều hình ảnh chụp nhà thờ Mằng Lăng từ xưa tới nay và nhiều hiện vật lịch sử của giáo xứ. Đặc biệt, trong hầm còn có cuốn sách “Phép giảng tám ngày” của linh mục Alexandre de Rhodes (cha Đắc Lộ), bản in năm 1651 tại Ý, bằng hai thứ tiếng Latinh và Quốc ngữ… Cuốn sách được giữ trang trọng một cách đặc biệt trong một hộp kính.
Đồi thờ thánh Anrê Phú Yên, bên dưới là phòng truyền thống lưu trữ và triển lãm tất cả những tư liệu liên quan đến thánh Anrê Phú Yên. |
Bên trong đền thờ kính Chân phước Anrê Phú Yên. |
Cuốn sách "Phép giảng tám ngày" của cha Đắc Lộ in năm 1651. |
Nhà thờ là điểm đến khá thu hút khu du lịch Phú Yên. Nhà thờ hiện nay cũng là nơi hành hương vào dịp lễ kỷ niệm Chân phước Anrê Phú Yên và thánh lễ cầu cho giới trẻ Công giáo Việt Nam.
Nhà thờ Mằng Lăng có kiến trúc độc đáo với hình dáng, đường nét mang đậm dấu ấn kiến trúc thế kỷ XIX. |
Ban đầu nhà thờ được sơn màu trắng, tuy vậy, theo thời gian đã ngả thành đen xám đặc trưng. |
Thiết kế hai bên nhà thờ theo hình búp măng cách điệu đẹp mắt. |
Thiết kế bên trong nhà thờ khá đơn giản. |
Tượng thánh Anrê Phú Yên (1625-1644). |
Khung cửa sổ được gắn những tấm kính nhiều màu sắc. |
Gian bàn thờ Đức Mẹ trong nhà thờ Mằng Lăng. |
Những chi tiết trang trí trong nhà thờ Mằng Lăng đậm tính mỹ thuật. |
Những chi tiết trang trí trong nhà thờ Mằng Lăng đậm chất mỹ thuật. |
Chi tiết trang trí đắp nổi đẹp mắt trong kiến trúc nhà thờ Mằng Lăng. |
(Nguồn: Internet)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.