Thượng khách Sông Cầu

THƯỢNG KHÁCH SÔNG CẦU

I. Thời gian trôi

NGÀY THỨ I, 08.07.2019

A. Tay bắt mặt mừng

“Đến Sông Cầu rồi, xuống!” Anh phụ xế phát lệnh!

Chiếc xe đêm – Limousine Mạnh Hùng, xe phòng – đã lạnh lùng thả chúng tôi bảy người chưa mở đủ 2 mắt (anh FX. Phan Ngọc Hùng, anh Antôn Nguyễn Văn Mỹ, anh Phaolô ‘Chiêu liêu’ Nguyễn Sao, vợ chồng anh Matthêu Lưu Văn Thiên, và vợ chồng chúng tôi – Nguyễn Cang) xuống tại một ngã ba lúc gần 4g30 sáng ngày 08.07.2019! Quá xa lạ đối với “Hai Lúa” như chúng tôi. An tâm là có anh FX. Phan ngọc Hùng. Ít phút sau thì Cha Antôn Nguyễn Huy Điệp – Hạt Trưởng hạt Mằng Lăng – đến trên chiếc xe máy, không một dấu chỉ là mới thức dậy, tiếp theo là chiếc xe bảy chỗ…! Thì ra chương trình đã được “an bài” từ ngàn xưa! Chúng tôi được lệnh lên xe…!

Về đến nhà xứ Sông Cầu thì gặp ngay Giuse Đặng Thiện (anh em thường đùa là Đẹn Thiện), đã đến nơi vào lúc 2g00 sáng, rồi vợ chồng anh Antôn Trần Văn Khoa từ Ban mê thuột… . Thì ra Cha Antôn Nguyễn Huy Điệp đã bị đánh thức ít ra là vào 2g00 sáng, báo trước một chuỗi chập chờn thức ngủ bất thường…!

Đến khoảng gần 7g30 thì được tin Đức Cha Alphonse vừa xuống xe. Anh FX. Phan Ngọc Hùng,…, và chúng tôi được Cha Antôn chỉ định lên xe hơi đi đón. Đến nơi, nhìn quanh quất, thì bên kia đường chiều ngược lại, vừa mới xuống xe là một dáng người rất quen, nhưng thật không ngờ với chúng tôi, Đức Cha Alphonse Nguyễn Hữu Long, không tháp tùng, không đưa không rước, không lễ nghi… rất giản dị… chỉ muốn là một người anh em trong đoàn…. Chúng tôi lên xe về nơi hội quân…!

Lần lượt kẻ trước người sau, anh em đã có mặt tại nhà xứ Sông Cầu. Rất tiếc là một số anh em có sẵn tên trong danh sách mà đã không đến được – Cha Phêrô Lê Minh Cao, vợ chồng anh Giuse Phạm Mai Điệp,…!

Sau bữa cơm trưa thật ngon miệng, các đấng “đã thành chánh quả” thì ở tại nhà xứ, còn chúng tôi, những tay “đứt gánh giữa dòng” về tắm rửa, nghỉ ngơi, và đóng quân tại khách sạn Laura, cách nhà xứ Sông Cầu khoảng 500m.

B. Vô “set”

Theo lịch trình đã được thiết kế từ ngàn xưa, 15g00, tất cả vào nghị trường – được bố trí ấm cúng gần gũi – khai mạc Ngày Họp Mặt Gia Đình Hòa Bình. Các anh phụ trách vùng miền, trong nước cũng như ngoài nước, điểm danh các thành viên liên hệ, đặc biệt các thành viên không tham dự được, cùng các tình hình sinh hoạt. Các anh phụ trách nắm khá vững và rõ về các thành viên của mình. Tiếp theo là phần báo cáo khái quát của Ban Đại Diện (chi tiết được liệt kê trong Kỷ Yếu) về các sinh hoạt thăm viếng và gặp gỡ trong thời gian 2 năm qua. Rất thân tình với cả tinh thần trách nhiệm yêu thương sẻ chia nâng đỡ.

Đến 18g00, Thánh lễ Khai mạc chính thức cuộc Hạnh Ngộ. Đức Cha Alphonse chủ tế, giảng lễ là Cha Phêrô Nguyễn quang Vinh (HB2) về “bàn tay nối kết, bàn tay chia sẻ, bàn tay chữa lành”. Cha Vinh cũng sẽ là người “giữ chùa”, để Cha Hạt trưởng rảnh tay, cùng đồng hành với anh em.

19g00: Đại tiệc khai mạc. Trước và giữa bữa tiệc là những tiết mục văn nghệ mới lạ hấp dẫn - ca múa nhạc, đặc biệt là kèn. Rất thú vị. Bữa ăn thật ngon miệng. Xin cám ơn Chủ nhà.

21g00: Về lại khách sạn, nghỉ đêm phục hồi sức, chuẩn bị cho ngày mai chiến đấu.

NGÀY THỨ II, 09.07.2019

Kể từ giờ phút này, cho suốt cuộc hành trình, tất cả đều là anh em, cất đi mọi chức tước, địa vị. Phạm phải điều cấm kỵ – kính Đức Cha, thưa Cha, “bẩm” Cha – đều phải bị vạ “tiền kết” 20.000đ. Cuối cuộc hành trình, số tội nhân không phải ít!

Sau bữa điểm tâm vững dạ và ngon lành, đoàn xuống tàu tham quan Vịnh Xuân Đài, thuộc Thị xã Sông Cầu, Phú Yên. Theo lịch thì có tắm biển và cơm trưa tại đảo, nhưng đường xa, gió ngược, tàu di chuyển chậm, đành phải trở lại nhà xứ dùng cơm trưa, với bánh chưng, bánh bao, măng cụt, chôm chôm, “táo mèo” (quà của Chú Antôn Nguyễn Huy Dân, em Cha Điệp), và… bia. Ngon cực kỳ!

Nghỉ trưa? Xưa rồi Tám…! Lên xe đi tiếp đến Giáo xứ Đồng Tre. Tiếp đón đoàn là Cha xứ và một số các Quí chức. Dâng lễ trong ngày tại Gx Đồng Tre. Đức Cha chủ tế, Cha Antôn Nguyễn Huy Điệp giảng lễ “Lòng Tin mãnh liệt, điều kiện cần để phép lạ xảy ra – chứ không chỉ sờ chạm – chỉ cần sờ được gấu áo Chúa là được khỏi bệnh!”

Sau Thánh lễ, đoàn đi tiếp đến Giáo xứ Trà Kê. Đón đoàn là các em thiếu nhi nam nữ trong y phục màu đỏ tươi và xanh trắng thước tha xinh đẹp bên hông nhà thờ bề thế ở vùng sâu, còn mới màu sơn. Trong khuôn viên nổi bật là một “thanh niên” ăn mặc đơn sơ, hơi “mỏng cơm”, nhanh nhẹn đi đi lại lại, giọng nói dịu nhẹ như “băng đã nhão” ra hiệu sắp xếp hàng ngũ, xướng lệnh “đón đoàn!”

Tắm rửa xong, đoàn tỉnh táo thưởng thức chương trình văn nghệ. MC của chương trình là “thanh niên” khi nảy, sơ mi trắng đóng thùng. Thì ra đó là Cha quản xứ - Phanxicô Phạm Đình Triều, trẻ trung, năng động, nhiệt tình. Nhà thờ bề thế, nếu không muốn nói là hoành tráng, nhà xứ nối liền với nhiều phòng chức năng, với dãy nhà vệ sinh thuận tiện, rồi cơ sở lọc nước với trang thiết bị hiện đại vừa mới được lắp đặt, đang chờ giấy phép chuẩn nhận để sử dụng – miễn phí! Rồi Đài Đức Mẹ Fatima, bên cạnh là phần mộ của Cha Franḉois Chatelet mất năm 1885, Đài Cha Thánh Giuse… . Tất cả đều khang trang qui củ. Có cả xe cứu thương riêng, đúng qui cách, mang biển “Giáo xứ Trà Kê”, dùng cho hết mọi đối tượng khi hữu sự bất kể lương giáo – không phải chỗ nào cũng có! (Chúng tôi đã được Cha quản xứ cho xem lại những hình ảnh của thời hoang vắng, sơ sài, tạm bợ trên một dải đất mà “hầu như các sinh hoạt về tôn giáo đều đã bị xóa sổ cách đây 10 năm”). Tất cả là tác phẩm đầu tay của Cha xứ. Tất cả nằm trong một khu đất, mà theo chúng tôi, không dưới 3 ha. Rồi còn một mảng đất dự trữ rất rộng đằng sau khuôn viên nhà thờ nữa. Tất cả, mà trước đây 10 năm, chưa có trong ý tưởng! Tất cả đều do “phó thác và xách bị đi xin tại các giáo xứ vùng Xuân Lộc và Sài Gòn! Không một đại gia hoặc ân nhân tài trợ!” Chi phí không dưới 20 tỷ. Kết quả này không do cao niên, không do kinh nghiệm đầy người, lõi đời, lựa chọn toan tính thiệt hơn, mà càng không do khoa bảng, đông tây kim cổ trong lòng bàn tay…, mà chính sự thao thức lo cho Dân Chúa, lòng nhiệt thành khát khao cho những vùng sâu, vùng xa, và chắc chắn không thiếu những “lâu giờ thở than trước Nhà Chầu, trước Thánh Thể Chúa; những nguyện cầu tha thiết với Mẹ Thánh Maria, Cha Thánh Giuse, với Cha Franḉois Chatelet – Đấng bị sát hại vì thù hận đối với Pháp quốc và Tôn giáo (massacré en haine de la France et de la Religion) ở tuổi 30, ngày 26 tháng 08 năm 1885, tại Cây Gia, Phú Yên – Người mà Cha quản xứ thường tự hào và xưng tụng là “Anh Hai của con”; và những phó thác hoàn toàn vào Chúa Quan Phòng yêu thương, “sống hết mình vì sứ vụ cho giây phút hiện tại như thể là phút giây cuối cùng của đời mình!” Và kết quả đã đến. Đó là công trình của Thiên Chúa! Ước gì… cũng như vậy! Xin muôn ngàn trùng tạ ơn Chúa. Xin gìn giữ Ngài – một trong Các Linh Mục của Chúa, Người, mà giờ đây đã trở thành Em Út trong Gia Đình Hòa Bình của chúng con – luôn nồng cháy trong An Bình, trong Ơn Nghĩa, và theo Thánh Ý của Chúa!

Các tiết mục văn nghệ gồm ca múa nhạc, có cả vũ điệu cồng chiêng, do các em thiếu nhi từ tuổi 5 đến 13, không màu mè, “trong veo” rất dễ thuyết phục!

Tiếp theo là một tiệc rượu thịnh soạn – cá ngừ đại dương – do các đầu bếp tại chỗ chế biến. Ngon hết biết! Trong bữa tiệc, Cha xứ đã được đề xuất và vui vẻ nhận Huy hiệu ĐCV Hòa Bình từ tay Đức Cha Alphonse trao gắn, làm thành viên mới nhất của Gia đình Hòa Bình, cùng sẻ chia buồn vui với Hòa Bình.

Tiệc tối xong, đoàn viên nữ về khu phòng nghỉ dành riêng, còn đoàn viên nam về an giấc tại dãy nhà sàn, kiểu Nhà Rông Tây nguyên. Tại đây, dàn hợp xướng đủ các loại âm vực, mà có lẽ ngay cả các đại nhạc sư như Bach, hay Beethoven, thậm chí thiên tài Mozart… cũng khó mà phối âm phối khí được – kẽo kẹt, ken két, khò… khì… như “pot” xe bị nghẹt, rồi ú ớ nghẹn lời, rền rĩ ngáy …! Trời ạ! Lạ tai, vang rền thâu đêm suốt sáng! Sáng thức dậy, có thánh nào chịu nhận mình là tác giả của những âm vực tuyệt chiêu đó đâu! Kỳ diệu vô cùng! Tiếc là chỉ ngủ nhà sàn được một đêm! Nếu được đêm thứ hai, thì các thánh hết chối…!

Sáng hôm sau – NGÀY THỨ III – 10.07.2019

Sau Thánh lễ tại nhà thờ Trà Kê. Cả đoàn lại được Cha xứ khoản đải một bữa ăn sáng với cháo gà, thịt gà, và bánh xèo… “Mọi người đều ăn uống no nê và còn dư được… thúng đầy!”

Trước khi giã từ Trà Kê, chúng tôi còn được Cha xứ hướng dẫn đi thăm nghĩa trang của giáo xứ. Một khu đất rộng trên đồi cao nằm ngoài khuôn viên nhà thờ, có tường thành bao quanh, khang trang và rất rộng so với một giáo xứ vùng sâu vùng xa. Nằm trên đồi cao để các “đấng luôn luôn hướng về nhà thờ mà thông công nguyện cầu!” Dựa sát tường thành phía sau là Thánh Giá lớn và tượng Pietà, cùng bàn thờ uy nghi, tất cả đều bằng đá trắng. Bên trái bàn thờ, nhìn từ cổng vào là một khu đất, mà theo Cha xứ, đã có xây sẵn 130 kim tĩnh, đầy sẵn đất cát. Khi hữu sự, chỉ cần moi đất cát lên là dùng ngay…! Không chỉ nhẹ nhàng cho người ở lại mà còn thuận tiện ấm cúng cho người ra đi! Ý tưởng tuyệt vời!

Rời Trà Kê, đoàn đi về hướng Tuy Hòa. Trên đường đi, đoàn đã viếng Đức Mẹ trên Đồi Hòa Bình, cao cách mặt biển chừng 80m. Anh thổ địa Phêrô Lê Mến cho biết ‘chỉ cần leo 139 bậc là tới!’ Lên hết 150 bậc, mà vẫn còn thấy thăm thẳm, sau nhiều chặng nghỉ lấy hơi, đoàn mới chạm đến bậc cuối cùng – 339. Thì ra sai số chỉ có 200 bậc! Ná thở luôn! Đoàn đã kính viếng, xưng tụng, cùng van xin Đức Mẹ ban Hòa bình cho quê hương qua khúc ca nổi tiếng của nhạc sĩ Hải Linh “Kính Mừng Nữ Vương”.

Xuống núi, đoàn đã vội về giáo xứ Tuy Hòa, vì Các Đấng đang đợi. Chào thăm Cha Hạt trưởng và Cha Phó, cùng Cha trợ giúp từ Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc. Niềm nở và nhiệt tình. Lại một bữa thịnh soạn mới lạ nữa được thưởng thức – Mắt Cá Bò Gù… hầm thuốc bắc – rồi các món hải sản tươi ngon. Tuyệt vời! Chúng con xin cám ơn Cha Hạt trưởng, quý Cha, và các viên chức của giáo xứ.

Đoàn lên xe tiếp cuộc hành trình đến Mằng Lăng, viếng Đền Á Thánh Anrê Phú Yên. Trực chỉ Qui Nhơn, thăm Bệnh viện Phong Qui Hòa, thăm căn phòng và chiếc giường Hàn Mặc Tử đã trú ngụ và sử dụng vào những ngày cuối đời. Dường như còn phảng phất đâu đây ảnh hình và âm hưởng của bậc tiền bối tài hoa…!

Đoàn về trú tại khách sạn Tín Nghĩa, đường Nguyễn Huệ, tp Qui nhơn. Cơm tối tại nhà hàng 3H gần đó. Tận dụng mặt bằng của phòng tiệc, đoàn đã họp rút kinh nghiệm, với nhiều kết luận hữu ích. Sau đó bàn sơ bộ về Kỷ niệm 50 năm Hòa Bình 2022. Đức Cha Alphonse đã tự nguyện đăng cai tổ chức tại Vinh. Tất cả chỉ vì và cho anh em. Thật là cảm động!

NGÀY THỨ IV – 11.07.2019

Tận dụng sáng sớm, một số anh chị em đã ra tắm biển. Nước mát, không mặn bằng nước biển Vũng tàu. Theo sự hướng dẫn của anh Gioakim Trịnh Văn Hồng, đoàn đã ăn sáng “bánh canh giò heo…” tại một quán… . Ngon!

Trực chỉ Tây Sơn, Bình Định, thăm quê hương và di tích về anh em Vua Quang Trung. Thưởng lãm võ nhạc Bình Định tại nhà Bảo tàng Quang Trung. Rất thú vị.

Đã gần trưa, đoàn vội về Nhà thờ Kiên Ngãi. Tại đây, hình ảnh ở khuôn viên nhà thờ gợi lên trong chúng tôi một xúc động lớn – 12g00 trưa, nắng chói chang, nóng hầm hập, dưới một tấm banderole căng ngang trước nhà thờ “Chào Mừng Đức Cha, Quý Cha, và Quí Khách”, hàng rào danh dự với y trang có lẽ là đẹp nhất, chào đón chúng tôi – trang trọng như thể phái đoàn Đức Giám Mục Bản Quyền sở tại đến thăm mục vụ! Thánh lễ diễn ra sốt sắng. Đức Cha Alphonse chủ tế và giảng lễ. Đồng tế có Cha sở, vừa mới trở về từ Nhật Bản. Trong thánh lễ, đoàn và cộng đoàn giáo dân, đã hiệp ý cùng Cha Phêrô Trần Quang Truyền – Anh Ba – giáp tuổi 70, và đại hồng ân 25 năm thánh chức linh mục; cùng Cha Antôn Nguyễn Huy Điệp 21 năm…. Giáo dân tham dự rất đông. Đa số (95%) đã rước lễ! Tạ ơn Chúa.

Thánh lễ kết thúc sau quá trưa. Đại tiệc – phong phú các món đặc sản của địa phương. Mọi người đều no thỏa, và còn dư nhiều… đầy!

Kế tiếp, đoàn đã ký thác cả linh hồn và thân xác trong tay tài xế, mặc sức mau chậm, phải trái…! Đến Gò Thị, quê hương Thánh Tử đạo Anrê Kim Thông, thăm lại Chủng viện có tuổi đời cao nhất nhì Việt Nam – Chủng viện Làng Sông. Sơ lược lịch sử và đôi nét kỷ niệm về Chủng viện được Đức Cha Alphonse, và Cha Antôn Nguyễn Huy Điệp thuật lại. Rất thú vị và bổ ích!

16g00, chia tay anh em, Đức Cha Alphonse xuống xe, đơn lẻ, tự mình xách cặp, vào bến xe, lấy vé, trở lại Giáo phận, không đòi nghi thức đương nhiên phải có, không muốn phiền người tháp tùng, không yêu cầu chiêng trống rước đưa…, mà chỉ giản dị như một kẻ chăn “mang đậm mùi chiên vào mình!” Cái vẫy tay giã từ xúc động nhất! Ước gì… cũng giản dị, đơn sơ, nhẹ nhàng, và gần gũi, thân tình như vậy!

Về lại khách sạn Tín Nghĩa. Chuẩn bị hành lý.

17g00, cơm tối tại Nhà hàng 3H.

Sau cơm tối, một số anh em, trong đó có chúng tôi, chia tay, “tung cánh chim tìm về tổ ấm”!

Hẹn gặp lại nhau qua trang mạng Forum mà anh Antôn Nguyễn Trọng Khiêm sẽ thiết kế, đợi chờ ngày tái ngộ…, mong rằng đừng có ai “hẹn gặp nhau trên nước…”!

Người cuối cùng “thoát nợ đời” rời khách sạn là Cha Antôn Nguyễn Huy Điệp. Chỉ có “cho và vì anh em thiêng liêng” mới được như vậy mà thôi!

C. Những chia tay sớm

Sáng sớm NGÀY THỨ II, anh Nguyễn Cao Trưởng (chắc là Ngô Quang Trưởng “hồi dương…” đổi tên) dường như long thể bất an, hay gia thể bịn rịn, “mặc cho quốc sự đang sôi sục nóng bỏng, trận địa đang vào hồi căng thẳng khốc liệt… vẫn đang tâm rời bỏ chiến trường, phó mặc anh em chết bỏ… ra đi sớm…!”, ngay sau bữa điểm tâm. Thật tiếc! Chúc người anh em về tới bến “còn nguyên”.

Nối gót, vợ chồng anh Phaolô Maria Trần Thắng, cũng “buông súng đầu hàng” sau 2 ngày chiến đấu, phải lên xế hộp trực chỉ Bình Dương, vì đám “ôn con” đang đợi! “Cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau thì có ngày ‘ná thở’ nghe con…!” Trần gian là thế đó. Dù sao thì cũng mong cho 2 trự “bình yên vô số sự”!

D. Ấn tượng tiếp đón – Uy tín Sông Cầu

Nhà xứ Sông Cầu, cơ sở không hoành tráng, tiện nghi không hiện đại, nhưng Người Sông Cầu không kiểu cách đường bệ, không yêu cầu “có lễ mới dễ thưa”, mà ngược lại rất nhẹ nhàng, thân tình, gần gũi, sẻ chia…. Không biểu hiện một nét vẻ bất bình, ngay cả đến một dấu chỉ khó chịu nhỏ khi bị đánh thức quá sớm – trước 2g00 sáng! Kể từ giờ đó, suốt thời gian dài Hạnh Ngộ, thức ngủ ngủ thức chập chờn đứt khoảng…, thế mà vẫn tươi cười hóm hỉnh “không biết đêm qua ngủ thành mấy giấc, chớ nằm xuống, đi mất tiêu…!” “Em không thích lái xe, vì em ‘lái dở’ lắm…!” “Ở đây có sông và có cầu, thuận tiện cho cả “đi sông” hoặc “đi cầu”; hoặc cao cấp hơn, người ta thường ra sông để “đi…”! Mát mẻ! Phải trình độ lắm… mới theo kịp. 

Rồi 4g30 sáng, điều xe ra đến tận ngã ba, đón chúng tôi về. Các anh em khác cũng được hưởng một cung cách chân tình tha thiết như vậy, như vậy…. Rồi khung cảnh đón tiếp chung, không hoa cảnh cầu kỳ, không chiêng trống rộn ràng, cũng không tiền hô hậu ủng… , mà chỉ một tấm phông in hình Huy Hiệu ĐCV Hòa Bình thân thiết. Các bữa ăn tại nhà, cũng thấm đẫm tình yêu thương quan tâm lo lắng…. Rồi những chọn lựa địa điểm tham quan, những liên lạc giao ước, những bữa ăn thăm viếng thịnh soạn…, tất cả đều diễn ra nhịp nhàng vui vẻ, cả đoàn đều được tiếp đón nhiệt tình thắm thiết, với những nụ cười thuần khiết, và những bàn tay siết chặt nồng ấm. Tất cả không một biểu hiện màu mè hình thức, mà đặc chất tình anh em một nhà! Nếu Các Vị Chủ Nhà không kính trọng quí mến, không “cùng tần số” sẻ chia. Nếu không có Uy Tín của Sông Cầu thì “đến khuya” chưa chắc gì có được, “còn lâu” mới được hưởng những “tay bắt mặt mừng”, nối kết nhau, và những ước hẹn thân ái… như vậy.”

II. Xin cám ơn

Trước tiên và trên hết, chúng xin cám ơn Đức Cha Alphonse Nguyễn Hữu Long, Cánh Chim Đầu Đàn, Linh Hồn và Niềm Tự Hào của đoàn Cựu Chủng Sinh ĐCV Hòa Bình, và là Người Anh Hai thân thiết của tất cả các em Hòa Bình, đã bỏ ra nhiều thì giờ quí báu, gác lại những sứ vụ cao cả để đến và hiện diện cùng anh em. Đức Cha đã ưu tiên dành nhiều quan tâm không chỉ cho chung cả đoàn, mà cho từng người, từng trường hợp cụ thể trong chúng con. Sự hiện hiện quí báu của Đức Cha mang đến cho từng trường hợp liên hệ, và chung cho cả đoàn, sự nâng đỡ động viên khuyến khích vượt qua những buồn đau u ám của cuộc đời. Từng ý kiến, mỗi tiếng nói của Đức Cha cung cấp cho chúng con niềm tin và hy vọng. Những chuyện kể vui, thậm chí những chuyện thường ngày của Đức Cha cũng khiến chúng con khoan khoái, hê hả tươi cười…! Đức Cha đã trút bỏ những trang trọng nghiêm túc để chúng con được gần gũi thân tình tự nhiên. Chúng con xin cám ơn Đức Cha.

Cách riêng qua cuộc Hạnh Ngộ này. Sẽ không thật sự viên mãn nếu không có sự hiện diện của Đức Cha. Nếu không được Đức Cha cùng đồng hành với, thì chúng con cũng chỉ là những tầm thường, nếu không muốn nói là “cỏ rác”, không đáng được một ổ bánh mì lạt. Ở Tây Bắc, chúng con được tiếp đón trang trọng ân cần, nếu không ngoa, là ở mức độ cao nhất. Dễ hiểu, không chỉ vì lãnh địa của Đức Cha, vì ảnh hưởng trực tiếp của Đức Cha, mà vì uy tín cao cả, và vì tâm tình hết mình gần gũi sẻ chia với mọi cảnh sống của đoàn chiên; nhưng ở đây, “ngoài vùng phủ sóng”, mọi người, nhất là Các Vị Chủ Nhà, đã đón tiếp Đức Cha như là Vị Sở Tại với đầy đủ ảnh hưởng và quyền uy! Không phải dễ mà có được như vậy! Nhờ Đức Cha mà cả đoàn chúng con được như vậy. Chúng con xin cám ơn Đức Cha. Toàn thể các em xin trân trọng chúc mừng Anh Hai!

Kế theo, xin cho phép cả đoàn cám ơn Cha Antôn Nguyễn Huy Điệp, Anh Tư (danh xưng trực tiếp trong chuyến đi). Anh Tư đã thiết kế một chương trình thăm viếng tham quan rất ăn khớp, nhịp nhàng, thú vị, và bổ ích. Bổ ích cho cả về sức khỏe và kiến thức kinh nghiệm. Đoàn anh em đã học hỏi và gặt hái được nhiều điều mà thường tình ra không có được. Để có được kết quả như vậy, Anh Tư đã bỏ ra không ít công sức và thời gian, đã phải vận dụng nhiều tinh lực thần kinh, để cân đo tính toán, phải liên lạc trao đổi, để lựa chọn phương án tích cực nhất. Rồi những nội dung sự tích với những thuận lợi và khó khăn của điểm dừng chân để truyền đạt, hướng dẫn, khiến cho chuyến đi thú vị hấp dẫn. Rồi những đón đưa sớm tối bất thường. Thời dụng biểu đảo lộn, ăn ngủ thất thường, đuối mệt…! (Anh em đã chộp được nhiều khoảnh khắc Anh Tư miên man và nhịp nhàng “kéo gỗ” dọc chuyến đi, bên cạnh Anh Hai cùng một trạng thái…)! Xin cho Trưởng Lão này, đại diện cho toàn thể anh em trong cuộc Hạnh Ngộ Hòa Bình lần II, cám ơn Anh Tư thật nhiều. Xin Cha Cao Cả Quyền Năng và Các Đấng Vô Hình Thân Thiết luôn đồng hành và chúc lành cho mọi việc Anh Tư làm nghen. Amen.

Đoàn chúng con cũng xin cám ơn Các Vị Chủ Nhà thương kính – Cha xứ Đồng Tre, Cha xứ Trà Kê, Cha xứ Kiên Ngãi, và nhất là Cha Quản Hạt Tuy Hòa… đã dành cho đoàn chúng con những tiếp đón nồng ấm và những đại tiệc mới lạ, độc đáo, và ngon lành. Chúng con chỉ biết đáp lại bằng những tâm tình nguyện cầu của chúng con.

Sau cùng anh em, mà cách riêng chúng tôi, xin cám ơn anh FX. Phan ngọc Hùng, đã cất nhiều công để lo toan, liên lạc, trao đổi, động viên anh em tham dự càng nhiều càng tốt “lớp cần có anh, chứ không phải anh cần đến lớp!”, và thu xếp cùng đồng hành với anh em. Chỉ có nhiệt tình vì anh em và cho anh em mới có được như vậy, muốn nối kết tất cả các anh em, bất kể tuổi thọ của anh em tại ĐCV dài ngắn, như câu nói thấm đậm cảm thông tình người và rất nhân văn của Đức Cha Alphonse “Dù chỉ một ngày ở Hòa Bình thôi, thì muôn thuở đã là Hòa Bình rồi!” Chúng tôi, có lẽ là người rời Hòa Bình sớm nhất, cảm thấy bị thuyết phục và được nâng đỡ rất nhiều với câu nói thân yêu này. Chúc anh là người sau cùng “nhìn trời cao thăm thẳm mơ ngày về!” Amen.

III. Xin nhắn đến người anh em

Xin cho phép tôi được gọi tất cả là anh em!

Các anh em rất thân mến,

Chúng tôi may mắn là được họp mặt nhiều lần – ít ra cũng là 5 lần, với nhóm ít người tại nhà riêng một số anh em, hoặc đông người, thành đoàn, tại những nơi công cộng, như Trung Tâm Mục Vụ Giáo phận Đà Nẵng; Trụ sở Giáo phận Vinh; Xuân Khánh, nơi nghỉ dưỡng của Cha giáo Đa Minh Trần Thái Hiệp; nhưng ấn tượng nhất là núi đồi vùng sâu vùng xa Tây Bắc, rồi mới đây tại Sông Cầu, Phú Yên. Tất cả đều để lại trong chúng tôi một niềm tự hào – thành viên của Gia đình Cựu Chủng Sinh ĐCV Hòa Bình, gọi tắt là Gia đình Hòa Bình. Đề xuất, kêu gọi, qui tụ là Đức Cha Alphonse Nguyễn Hữu Long của mình. Được gặp mặt, thăm hỏi, chuyện trò, đồng hành, và sẻ chia mọi cảnh đời với anh em dường như là thao thức lớn của Đức Cha. Ấm lắm, thưa các anh em!

Ngoài ra, chúng mình còn có Các Cha đồng môn, từ HB1 đến HB3, cũng đã nhiệt tình tham dự. Rất nhiều vị, lần đầu tiên gặp, dù cùng HB1, cũng không nhận ra chúng tôi, như Cha Tổng Đại Diện Đà Nẵng Bonaventura Mai Thái, Cha FX. Nguyễn Văn Cần, Cha Phaolô Trần Khôi giáo phận Huế, Cha JB. Trần Quang Truyền Hạt trưởng An Khê…, vì thời gian tiếp xúc ở Hòa Bình quá ngắn, chưa đủ để quen mặt, nói chi đến tên…. Rồi các vị HB2 và HB3 thì càng lạ lẫm! Thế mà, với sự hiện diện thân thương của Đức Cha Alphonse, chúng tôi dường như được bảo lãnh, có một nối kết giao cảm vô hình đã khiến chúng tôi gần gũi thân tình với nhau! Nhờ mỗi lần họp mặt, mà chúng tôi sung sướng được quen thân thêm với nhiều anh em. Chúng tôi có cảm tưởng, dường như anh em đang luôn rộng tay đón chúng tôi, và chờ chúng tôi! Xin cám ơn những lần hội ngộ.

Các anh em rất thân mến,

Mọi người của Gia Đình Hòa Bình đều mong mỏi đón chào anh em, để cùng nhắc lại những kỷ niệm đẹp của 2 năm đầu tại Nhà Hòa Khánh, cũng như những hồi hộp căng thẳng của năm cuối, trước khi “tản hàng, ai về nhà nấy…”, rồi những lênh đênh trôi nổi…, và kết thúc của hôm nay. Rất nhiều, và rất nhiều… đang khao khát mong chờ các anh em “tung cánh chim, tìm về tổ ấm…” để sẻ chia.

Cuộc Hạnh Ngộ lần tới sẽ vào năm 2022, kỷ niệm 50 năm ĐCV Hòa Bình, tại Giáo phận Vinh, vùng “phủ sóng” của Đức Cha Alphonse nhà mình. Đức Cha đã vui vẻ đề xuất đăng cai làm Chủ Nhà. Còn gì bằng!?

Tha thiết và rất mong anh em liên lạc và thu xếp tham dự!

Thủ Đức, ngày 16.07.2019

Giuse Nguyễn Cang HB1

1 nhận xét :

trongkhiem168 nói...

Cảm ơn về bài viết rất hay. Nguyễn Trọng Khiêm HB3.

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.