CÓ CÒN LẠI CHĂNG DƯ ÂM THÔI…
Sau cuộc Hạnh ngộ của Gia đình Hòa Bình tại Sông Cầu, từ ngày 08–12.07.2019, anh chị em ai nấy ra về mà lòng đầy vấn vương. Từ điểm kết thúc tại Qui Nhơn, tôi trở lại Sông Cầu, bỗng thấy nhà cửa trống vắng lạ thường, nhớ bầu khí đầy ắp những tiếng cười vô tư sảng khoái, nhớ những mái đầu đã bạc, những khuôn mặt dày dạn gió sương, nhưng nụ cười thì vẫn tròn đầy căng mọng, như tuổi tác đang độ xuân thì…
Trong khi anh Hùng đang chắp bút cho bài tường thuật mang tính chuyên nghiệp, thì Anh Cang đã viết ngay một mạch bài cảm tác về chuyến đi đầy tình thân ái vừa qua. Riêng tôi, cũng no say thích thú như khi được tham dự “Bữa tiệc của Đại Ngàn” năm nào, nhưng ngại không dám viết, sợ rằng “mèo khen mèo dài đuôi”. Khi đọc bài “Thượng khách Sông Cầu” của anh Cang, và những cảm nhận của anh chị em, kẻ hèn này cảm thấy có quyền tự vui thích, vì anh chị em mình vừa trải qua một nơi đã làm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.
Câu chuyện hạnh ngộ lần hai này tưởng như đã đến hồi chấm dứt. Nhưng hình như đối với tôi, Chúa chưa muốn dừng lại, còn phải thưởng một chút cho kẻ đã góp công. Vì thế cho nên, nếu gia đình Hòa Bình đã thành “Thượng khách Sông Cầu”, thì từ ngày 26 – 30.07.2019, tôi đã được làm “Thượng khách Xã Đoài”.
Chiều thứ sáu, ngày 26.07, lúc 18g 30, chuyến tàu SE 6, từ Sài Gòn đi Hà Nội, đã dừng lại ga Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, để đón và đưa tôi đến Xã Đoài, thuộc xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Chuyến đi đã được dự định cách đây 5 năm, khi một nữ tu dòng thánh Phaolô, nhân dịp khấn lần đầu, đã ngỏ lời: “Khi nào con khấn trọn, mời cha ra giáo xứ quê con dâng lễ tạ ơn”. Tuy nhận lời, nhưng lúc đó tôi cảm thấy có điều gì đó xa vời, về thời gian, về khoảng cách, và cả về điều kiện trong tương lai…
Và điều gì phải đến đã đến. Ngày 25.07 vừa qua, sơ đã khấn trọn và lặp lại lời mời. Lòng còn chút ngần ngại, vì trong tháng 07 này đã có nhiều biến cố phải xa giáo xứ…, nhưng đã hứa thì phải giữ lời, mà lời mời của những người dâng mình cho Chúa thì càng phải trân trọng hơn… Lúc đó, một hình ảnh chợt đến đã làm tôi quyết định lên đường: Ở nơi ấy, tôi còn có một người thân trong gia đình Hòa Bình, người anh mang tên Anphong, Giám mục giáo phận Vinh.
Lúc 12g50, ngày 27.07, sau 18 tiếng rì rầm trên đường sắt, tàu đã tiễn tôi vào thành phố Vinh. Người em của sơ đã đón tôi về nhà cách ga khoảng 30 km, trong cái nóng hầm hập của miền bắc trung bộ. Nhớ lại dòng tin nhắn: “Nghe tin cha đi con rất mừng, nhưng không biết cha có trụ nổi với cái nóng của vùng này không?”. Nhưng ngay từ đầu, tôi đã xác định, đây là một chuyến đi, không phải chỉ là tham quan, mà còn để trải nghiệm về con người và cuộc sống nơi vùng đất, vốn mang tiếng là khắc nghiệt này. Và tôi đã nghiệm thấy được nhiều điều…
Nhà của sơ ở giáo họ lẻ Nam Thịnh, thuộc giáo xứ Mẫu Lâm. Ngôi nhà thờ nằm bên đường cái lớn. Giáo dân khoảng hơn 400 và qui tụ chung quanh nhà thờ. Sau bữa cơm với gia đình, tôi đến thăm cha xứ tại nhà thờ chính cách 4 km. Với khuôn mặt tươi vui và tác phong khoan thai, cha Hà kể cho tôi nghe về giáo xứ Mẫu Lâm với 4 họ lẻ, mà cha đã đến phụ trách cách đây 3 năm. Ngày trước giáo dân sống tập trung, nhưng nay đã phân tán, đan xen giữa những người lương. Cuộc sống giáo dân cách chung còn nghèo. Ước mong của vị mục tử là qui tụ được giáo dân để xây dựng cuộc sống đạo và đời tốt hơn. Ngày thường, các họ lẻ đều có thánh lễ, nhưng Chúa Nhật, tất cả tập trung về nhà thờ giáo xứ. Chiều nay thứ bảy, ngài nhờ tôi dâng Thánh lễ Chúa Nhật cho giáo dân họ Nam Thịnh.
Nghe tiếng chuông, giáo dân đã tập trung đông nghẹt nhà thờ, áo quần tươm tất, nét mặt ai nấy vui mừng vì có Thánh lễ bất thường, và thấy một ông cha đến từ phương nam. Tôi đã dâng lễ thật sốt sắng, giảng một bài thật xúc động, khi nhìn xuống những con người như đang hòa mình với cảnh vực thần linh, dù cuộc sống còn vất vả trăm bề…Và từ nơi đây, một nữ tu vừa tuyên khấn trọn đời dâng hiến theo Chúa.
Sau Thánh lễ, trời đã chập tối, tôi về Tòa Giám Mục Vinh, như về nhà người thân của mình. Đức Cha Anphong đã chờ sẵn, tay bắt mặt mừng, như mỗi khi gặp nhau trong những lần hạnh ngộ Hòa Bình. Ba ngày ở Xã Đoài là ba ngày anh em xum vầy. Đức Cha Anphong về nhận giáo phận mới được hơn 5 tháng nay (12.02.2019). Tất cả đều mới mẻ, nếu không nói là xa lạ và khác biệt, từ giáo phận thượng du tây bắc Hưng Hóa, giờ về vùng bắc trung bộ, nơi giáo phận Vinh với nhiều nét đặc thù của miền đất và con người. Trong những lúc như thế này, sự hiện diện của người thân thật có ý nghĩa, như gần đây có đoàn của anh chị em Gioan và Hòa Bình đến chơi. Cha bào huynh Dũng từ Quảng Nam cũng đã đến đây 2 lần. Đi với nhau đến đâu, Đức Cha Anphong cũng giới thiệu là “cha bạn của tôi”. Một điều gì đó thật ấn tượng và gần gũi. Nên từ đây và trong bài này, với bầu khí của gia đình Hòa Bình, tôi tạm coi và gọi Ngài là Anh Anphong.
Sáng Chúa nhật, 28.07, hai anh em đi thăm giáo xứ Phú Linh, nằm trên địa bàn xã Diễn Tân, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Hiện giáo xứ có hơn 4.000 giáo dân. Hôm nay là ngày bế mạc, cao điểm của tuần chầu lượt, có Đức Cha về thăm và chủ sự Thánh lễ. Chầu lượt của các giáo xứ miền bắc (theo kiểu tính từ vĩ tuyến 17 ngày trước: Dòng Bến Hải ngăn đôi bờ bắc nam) kéo dài cả tuần. Đây là dịp những người con xa xứ trở về đòan tụ với gia đình. Nhà giáo dân nào cũng đầy ắp người thân, nên đông lắm. Xe vừa chạm cổng nhà thờ, tôi đã thấy một “trời” người và sắc màu. Có ban trống hàng trăm cái, có ban kèn rực rỡ ánh vàng, có những đoàn người đồng phục xếp hàng ngay ngắn. Mọi sự như sẵn sàng để…đón Đức Cha. Nhưng tôi bỗng bị bất ngờ! Không một hồi chuông báo hỷ, và hình như không có ai hay biết, khi xe Đức Cha đã tới sát cổng chính. Thậm chí thầy sáu Đức lái xe, phải hạ kính xuống và thông báo tin đặc biệt. Trong khi đó Anh Anphong tỉnh queo, bảo ngừng xe ngay trước nhà thờ để anh xuống thăm giáo dân. Và từ đó, anh đi dần về phía nhà xứ… Không thể có chuyện đó ở vùng này…Hay là anh Anphong đã yêu cầu làm điều đó, như một sự đổi mới theo tính cách của anh?... Tôi định sẽ hỏi anh, nhưng qua thông báo về lễ bổn mạng Anphong, vào ngày 01.08, anh đã xin mọi người hãy ở nhà, không đến TGM mừng bổn mạng Đức Cha, thay vào đó là những lời cầu nguyện thật thiết tha và sốt sắng, cho giáo phận và cho riêng anh. Chắc tôi đã nghĩ đúng!?.
Lúc đang đứng tựa hành lang nhà xứ Phú Linh và nhìn quang cảnh tưng bừng, một cha tiến lại gần tôi và khẽ nói: “Cha là bạn của Đức Cha, xin cha hãy nói với Đức Cha rằng: “Tất cả những gì cha thấy đấy chỉ là hình thức bề ngoài, nhưng bề sâu nội tâm chẳng có gì, xin Đức Cha cố gắng xây dựng nền tảng giáo lý và đức tin cho giáo dân”. Rồi cha dẫn chứng: Khi còn ở nơi đây với hình thức bên ngoài rầm rộ, ai cũng đạo đức sốt sắng, nhưng khi đi xa, ở chỗ không có sự thúc đẩy này, thì không còn mấy người giữ đạo nữa. Thực ra, tình trạng này không chỉ có ở đây, mà man mác khắp nơi trên Giáo hội Việt Nam…
Đó là buổi sáng Chúa Nhật.
- “Anh Điệp ơi, chiều nay khoảng 5g30, mình đi tắm biển Cửa Lò và ăn tối tại bãi biển. Anh đi tiền trạm cho chương trình Hạnh ngộ 2022”.
Đúng giờ, thầy sáu Đức đã chở chúng tôi đến Cửa Lò, dừng chân tại một quán ăn sát bãi biển của người Công giáo. Trong thời tiết nóng bức, tắm biển quả là một cách thư giãn tuyệt vời. Ba người chúng tôi đằm mình dưới làn nước biển, hơi âm ấm và đục vì gần bờ và đông người. Rất may là hình như có không ai khám phá ra Đức Vít Vồ chiều nay “hạ sơn nhập thủy”, ngoài cô chủ quán và vài nhân viên, đang chuẩn bị bữa tiệc hải sản nhỏ cho ba thượng khách. Thả mình theo làn nước bồng bềnh, Anh Anphong như trút bỏ được những lo toan của sứ vụ ở miền đất mới, đầy sữa và mật, nhưng cũng nhiều sỏi đá gai chông. Anh cho biết đây là lần đầu tiên, từ khi về nhận giáo phận, được một buổi chiều thoải mái cho riêng mình. Dưới dòng nước và trên bàn ăn, chúng tôi đã nói thật nhiều chuyện, nhưng khoảnh khắc thư giãn chiều nay đã làm cho tất cả trở nên dễ chịu và tỏa sáng niềm vui. Trước khi chia tay về phòng, Anh Anphong còn thêm: “Tạ ơn Chúa. Một buổi chiều thật sảng khoái và nhẹ nhàng”.
Sáng thứ hai, 29.07, tôi đi giáo họ Nam Thịnh để dự lễ Tạ Ơn Vĩnh khấn của sơ Têrêxa Kim Phượng, một trong hai mục đích của chuyến đi này. Sr Phượng đã bố trí một xe taxi đến đón tôi, nhưng may có một cha ở TGM cũng đi và cho tôi quá giang. Còn Anh Anphong thì đi thăm giáo xứ Nhân Hòa. Giáo xứ này là sở hạt của giáo hạt Nhân Hòa, nằm trên địa bàn xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, với hơn 2.400 giáo dân, và cử hành bí tích Thêm Sức cho 104 em thiếu nhi. Trước khi đi, Anh bảo tôi khi xong việc cứ ở lại chờ, sau khi lễ ở Nhân Hòa xong, Anh sẽ đến đón, nhân tiện chúc mừng bà sơ luôn. Anh còn dặn là giữ bí mật đừng nói cho ai biết. Lại một sáng kiến khác thường của Anh…
Thánh lễ đồng tế đã diễn ra long trọng trong ngôi thánh đường mà chiều thứ bảy hôm kia tôi đã dâng lễ. Nhưng sáng nay, cộng đoàn hiệp dâng Tạ Ơn Thiên Chúa, qua hình ảnh một nữ tu mới khấn trọn, trong tu phục trắng tinh của Dòng thánh Phaolô. Sau bữa tiệc thịnh soạn, tôi âm thầm ở lại khi các thực khách lần lượt ra về. Cha đồng hành lúc sáng rủ tôi cùng về. Tôi xin ở lại về sau. Sr Phượng cũng hỏi chừng nào cha về - “Cha đang chờ một tin vui dành cho con” - “Tin gì hả cha?” – “Rồi sẽ biết!”. Chỉ ít phút sau, chiếc xe màu đen dừng lại trước sân. Đức Cha bước xuống trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Các cha, trong đó có cha Hạt trưởng, cha chánh xứ,… vội bước ra chào Đức Cha. Anh Anphong đi thăm hỏi mọi người, bắt tay các cha, và đặc biệt chúc mừng Sơ Kim Phượng. Sau những giây phút ngỡ ngàng nhưng thú vị, Anh Anphong nói: “Tôi đến thăm và chung chia niềm vui với anh em. Giờ tôi đón cha Điệp về”. Bí mật đã bật mí, ai cũng vui, nhưng riêng tôi thì hãnh diện vô cùng. Bà sơ Phượng cũng hân hoan không kém!!!
Buổi chiều, Anh Anphong bận tiếp khách. Thầy Sáu Đức chở tôi đi Kim Liên thăm khu di tích nhà ở của cụ Hồ…
- Giờ con dẫn cha đi thăm nhà của Thánh Gia nghe!
Tưởng thầy nói vui, làm sao có Thánh Gia ở nơi đây? Thế mà, dù không tin vào mắt mình, tôi đã thấy tượng Thánh Gia được đặt trịnh trọng trên bàn thờ, ở phòng sau trong ngôi nhà của ông nội của cụ. Mọi sự đều đã trôi qua không còn gì, nhưng Thiên Chúa thì muôn đời vẫn tồn tại.
Rồi thầy đưa tôi đi một vòng thăm thành phố Vinh, để còn đôi chút hình ảnh khi rời xa thành phố này…
Thứ ba, 05g30 sáng ngày 30.07, và cũng là ngày cuối, tôi dâng Thánh lễ tại Dòng Mến Thánh Giá Vinh, chỉ cách TGM một cánh cổng, thể theo lời mời của Sơ phó Tổng Phụ Trách. Cách đây 6 năm, tôi đã ở đây một tuần để giúp quí sơ tĩnh tâm. Xã Đoài vẫn có gì để nhớ để về thăm!
Lúc 07g30, Anh Anphong đưa tôi đi thăm Trung tâm hành hương thánh Antôn Pađôva Trại Gáo, vị thánh được tôn kính đặc biệt của giáo phận Vinh, tọa lạc tại xóm 12, xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Theo trang web của giáo phận Vinh: Trên địa bàn Giáo phận Vinh, giáo họ Trại Gáo là một cộng đoàn có mức độ trung bình về dân số và bề dày lịch sử, nhưng nơi đây đã được nhiều người gần xa biết đến nhờ có Đền Thánh Antôn Pađôva.
“Theo lời kể của các vị lão thành, vào quãng giữa thế kỷ XIX, vùng đất Trại Gáo là trang trại của Nhà Chung Xã Đoài, dùng để trồng lúa và chăn nuôi gia súc. Cách Đền Thánh Antôn hiện nay hơn 1km về phía Đông Bắc, Nhà Chung có một kho chứa lúa. Vì thế, lúc đầu người ta gọi nơi đây là “Trại Gạo”, nhưng theo thời gian, người ta đọc trệch dần thành “Trại Gáo”.
Khi mới hình thành trang trại, nơi đây chỉ có một ít gia đình Công giáo sinh sống và làm công cho Nhà Chung. Sau một thời gian, các linh mục ở Tòa Giám mục đã đưa những người nghèo khổ về đây để lao động sinh sống. Khi số tín hữu nơi đây tăng lên chừng trên dưới 10 gia đình, các ngài đã cất cho họ một ngôi nhà nguyện ở xóm Nhà Hốm, bên cạnh kho lúa Nhà Chung.
Vì sinh sống ở vùng ẩm thấp nên nhiều người bị ốm đau, do đó đã có những gia đình phải dời nhà lên phía trên đồi cách đó hơn một cây số về phía Tây. Dù nơi đó rậm rạp âm u, nhưng họ hy vọng ở nơi cao ráo sẽ đỡ bệnh tật hơn. Thấy những gia đình dời lên đồi cao được khỏe mạnh, một số gia đình khác cũng dời theo. Dần dần số dân ở trên triền núi đông hơn dưới khu vực đồng trũng.
Để các tín hữu nơi đây noi gương vị thánh “yêu chuộng sự khó khăn”, cũng như để phó thác những người nghèo đói, khổ đau cho đấng thánh “hay làm phép lạ”, các linh mục đã chọn thánh Antôn Pađôva làm quan thầy cho giáo họ Trại Gáo.
Bày tỏ niềm tôn kính và tin tưởng nơi ngài, năm 1898, các linh mục thừa sai đã mua một pho tượng của thánh nhân bằng thạch cao ở Pháp để đưa về lập đền thờ. Sau nhiều ngày tháng di chuyển bằng đường thủy, tượng thánh Antôn đã được đưa về Nhà Chung Xã Đoài. Về đến đây, người ta tiếp tục dùng đò để đưa tượng thánh nhân lên Trại Gáo. Khi đi đến cuối làng Thanh Hương, các tín hữu mới dùng kiệu để cung nghinh tượng ngài về. Đi đến địa điểm Đền Thánh hiện nay, mọi người dừng nghỉ để lấy sức tiếp tục kiệu tượng lên đỉnh núi, nơi các cha đã định sẽ xây dựng Đền Thánh. Nhưng sau khi nghỉ xong, họ không làm sao nhấc tượng lên được. Huy động thêm người vẫn không có kết quả, ngược lại tất cả các dây khiêng đều bị đứt. Thấy dấu hiệu ấy, các vị hữu trách nhận ra ý Thánh Antôn muốn xây dựng cho ngài ngôi đền tại đó. Vì vậy, các vị đã cùng với các tín hữu nơi đây dựng một ngôi đền dài 18 mét, rộng 12 mét, hoàn toàn bằng gỗ, để làm nơi tôn kính ngài.
Sau dấu lạ đầu tiên đó, cũng như sau khi đền thánh được xây xong, các tín hữu về sinh sống quanh đền thánh ngày một đông hơn. Số còn lại ở vùng đất trũng, năm 1976 cũng được chính quyền di dời lên trên triền núi để bảo đảm sức khỏe cho họ cũng như để lấy diện tích canh tác. Tính đến năm 2010, giáo họ Trại Gáo đã có 210 hộ với 1080 nhân danh.
Tiếng lành đồn xa. Được tin Thánh Antôn hay làm phép lạ và nhất là đã thực hiện việc lạ lùng ngay khi tượng ngài được cung nghinh về đây, nhiều người dân trong khu vực, cả giáo lẫn lương, khi gặp khó khăn đều đến cầu khấn ngài. Rất nhiều người đã được Chúa ban ơn qua lời chuyển cầu của thánh nhân. Nhiều người ở phương xa nghe tin cũng tìm đến với thánh nhân mỗi khi gặp khó khăn, hoạn nạn, đau ốm.
Để cổ vũ lòng sùng kính Thánh An tôn của các tín hữu và khách hành hương tại Linh địa Trại Gáo, nhằm cung cấp các phương tiện cứu độ và đáp ứng những nhu cầu mục vụ cần thiết cho các tín hữu và khách hành hương tại Linh địa Trại Gáo, vào ngày 9/7/2018, Đức Giám mục Giáo phận Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã ban hành Quyết Định chuẩn nhận Đền thánh kính Thánh Antôn Pađôva tại Linh địa Trại Gáo là đền thánh cấp giáo phận, và kể từ nay, Trung tâm Hành hương Thánh Antôn Pađôva tại Linh địa Trại Gáo trực thuộc Tòa Giám mục Giáo phận Vinh”. (hết trích)
Lúc 08g00, chúng tôi đã có mặt để giúp giải tội. Vào mỗi thứ ba hàng tuần, từng dòng người hành hương đổ về lãnh nhận bí tích Hòa Giải và tham dự Thánh Lễ. Gần đến 09g00, hệ thống loa báo tin hôm nay có Đức Cha giáo phận và một cha từ Qui Nhơn sẽ dâng lễ. Trong phần khai mạc, Anh Anphong cũng giới thiệu tôi với cộng đoàn. Tôi cảm thấy mình có một chỗ đứng thật quan trọng trong tấm lòng của Anh. Hay qua tôi, Anh như thấy cả gia đình Hòa Bình. Tôi nghĩ chắc bên nào cũng đúng. Cách đây 9 năm, vào năm 2010, Năm Thánh các Linh Mục, tôi đã đến Lisbone, Bồ Đào Nha, quê hương của Thánh Antôn. Hôm nay, tại linh địa Thánh “Sư Phụ”, tôi cảm nhận hồng ân đặc biệt của Thiên Chúa, với tình thương của Sư Phụ, và qua tình bạn của Anh Anphong.
Sau bữa cơm trưa tại đây, Anh tiếp tục đưa tôi đến thăm Đức Mẹ Bảo Nham, cách Trại Gáo khoảng 20km. Anh muốn tôi được đi hết những nơi đặc biệt của giáo phận Vinh, chuẩn bị xa cho chuyến Hạnh Ngộ, kỷ niệm 50 năm ĐCV Hòa Bình. Chúng tôi tranh thủ nghỉ trưa trên xe. Trong lúc mơ màng, thông tin về Bảo Nham nghe vang vọng...
“…Ngay sau ngày nhận sứ vụ mục tử Giáo phận Vinh, ngày 13/2/2019, Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long đã viếng thăm Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Bảo Nham, dâng thánh lễ cầu nguyện cho sứ vụ mục tử mới lãnh nhận, đồng thời ngài cũng dâng toàn thể giáo phận cho Đức Mẹ với niềm phó thác và xin Mẹ đồng hành và hướng dẫn, để “nhờ Mẹ Maria mà đến với Chúa” (Thánh Bênađô).
Thánh lễ diễn ra vào lúc 8h30’ tại quảng trường Trung tâm Hành hương, quy tụ gần 5.000 người đến từ các giáo xứ lân cận và giáo xứ sở hạt Bảo Nham. Đồng tế trong thánh lễ có cha Martinô Nguyễn Xuân Hoàng, quản hạt Bảo Nham; Đức Viện phụ Phêrô Bảo Tịnh, Đan viện Xitô Thánh Mẫu Tâm Mỹ Ca; quý cha Tòa Giám mục Xã Đoài; quý cha khách; quý cha quê hương và quý cha đến từ các giáo xứ trong hạt Bảo Nham.
Trước thánh lễ, cha Phêrô Nguyễn Chí Thiết, một người con của quê mẹ Bảo Nham, đã nhắc lại những biến cố lịch sử cũng như một số biến cố mà người dân nơi đây đã tin vì có Mẹ đồng hành. Trong đó có biến cố vào khoảng tháng 10/1885, ơn lạ Đức Mẹ cứu tín hữu thoát khỏi những kẻ bách hại. Thừa sai người Pháp Klingler (cố Thông) đã cùng với một số giáo dân can đảm chống lại Văn Thân, giải thoát cho 1.600 tín hữu ẩn nấp trong núi đá.
Để ghi nhớ biến cố này và bày tỏ lòng biết ơn Mẹ Maria, thừa sai Kingler đã cho xây dựng ngôi thánh đường hoàn toàn bằng đá, nhận Mẹ Vô Nhiễm làm quan thầy giáo xứ. Nhà thờ đá Bảo Nham cho đến nay vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn và như là chứng tích ghi dấu đức tin son sắt của tín hữu nơi đây và bàn tay Hiền Mẫu Maria luôn bảo bọc chở che con cái giữa trăm bề quẫn bách.
Hiện bên cạnh núi đá vôi cao chừng 40m mang tên “Núi Đá Đức Mẹ Bảo Nham” cách nhà thờ đá khoảng 200m, một quảng trường đã được xây dựng với khuôn viên rộng rãi khang trang và nền móng nhà thờ mới cho Trung tâm Hành hương Thánh Mẫu đã được Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp cử hành nghi thức đặt viên đá đầu tiên năm 2015.
Trên núi đá có tượng Đức Mẹ được cha Giuse Bùi Như Lạc đặt vào năm 1938 ở độ cao khoảng 16m, và nay vào thứ 7 hằng tuần có thánh lễ lúc 14h30’ trên núi. Ai đã từng đặt chân đến đây cũng không thể quên 14 chặng Thánh giá do cha Phêrô Nguyễn Nguyên Hanh (quê Hòa Ninh) cho dựng vào thời điểm 1946-1950.
Đức cha Anphong cũng đã làm phép tượng Đức Mẹ bằng đá cao trên 10m trước quảng trường. Ngài cũng đã tuyên đọc Kinh dâng Giáo phận Vinh cho Đức Mẹ sau thánh lễ và viếng tượng Đức Mẹ trên núi )… ( hết trích )
Trở về TGM, tôi chỉ còn 1 tiếng để chuẩn bị ra ga. Anh Anphong còn đề nghị làm một chầu cà phê do chính Anh pha chế trước khi lên đường. Nhâm nhi giọt cà phê, phải đắng cho đúng chất, nhưng lại thấy ngọt lịm vì nghĩa tình. Lúc đó cũng có cha Nguyễn Công Thủy là nghĩa tử của Anh Anphong, vừa từ Quảng Nam ra thăm. Ba mái đầu như vẫn còn xanh, chụm lại trong chuyện đời mục vụ tưởng như không bao giờ chấm dứt. Anh bỗng thở dài: “Thời gian sao trôi qua nhanh thế!”…
14g15, thầy Sáu Đức đã đậu xe chờ sẵn. Cha Thủy xung phong đi tiễn khách. Cha Quản lý Thùy đã kịp chạy xuống “say bye”. Anh Anphong mắc bận không đi được. Anh đứng vẫy tay chào tạm biệt, hình ảnh giống như tại tỉnh Hòa Bình trong chuyến tây bắc, tại bến xe Qui Nhơn của Hạnh Ngộ lần 2.
Lúc 15g30, trong tiếng còi nghe như xé không gian, đoàn tàu SE 5 hướng Hà Nội – Sài Gòn đã dừng lại ga Vinh để đón khách xuôi nam…
Đời sống của bất cứ ai cũng có những cuộc tình, và cuộc tình nào cũng để lại những dư âm. Từ ngày gia đình Hòa Bình được qui tụ và phục hồi, mỗi lần gặp gỡ là bao lần thương nhớ, một tình thương thật thanh cao và đẹp như Ơn gọi ban đầu ngày nào. Sau cuộc hạnh ngộ tại Sông Cầu và Xã Đoài, tôi đã rời xa những những khoảnh khắc hạnh phúc và sinh động trong cuộc đời, bây giờ, có còn lại chăng dư âm thôi. Nhưng ở đây không có đổ vỡ chia lìa như trong câu hát bài “Tình lỡ” của nhạc sĩ họ Trịnh, mà nếu còn, là dư âm của một cuộc tình đầy và đang kết cục có hậu. Cuộc tình này được Chúa chúc lành, và đang chờ những cuộc gặp gỡ trong tương lai, ít nhất là dịp Hạnh Ngộ vào năm 2022.
Chú Tư xin cám ơn các anh chị em gia đình Hòa Bình, đã ghé thăm tệ xá Sông Cầu và tham gia những ngày hạnh ngộ lần 2 vừa qua. Đặc biệt, em xin cám ơn Anh Anphong, đã tạo cho em một chuyến đi đầy trải nghiệm, khi được làm một thượng khách tại Xã Đoài./.
Sông Cầu ngày 04.08.2019
Lm Antôn Nguyễn Huy Điệp, HB 3
1 nhận xét :
Anh Tư Điệp rất thân mến! Đến hôm nay, Trưởng Lão này mới có dịp và tỉnh táo thưởng thức "Chút dư âm ..." của Anh Tư. Hay quá! Thú vị vô cùng! Mình cảm thấy như có được niềm vui "Hạnh Ngộ Sông Cầu" nối dài. Tiết là không được "mục sở thị"!
Chắc chắn Cuộc Hạnh Ngộ 50 năm sẽ rất thú vị nhờ chuyến tiền trạm của Anh Tư hôm nay. Cám ơn Anh Tư thật nhiều.
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.