Tập Khí công với Dịch Cân Kinh (1)

DẪN NHẬP


Để khỏi sa đà về mặt lý thuyết, tại hạ xin tóm tắt một số thông tin về nguồn gốc của Dịch Cân Kinh (易筋經).

Về nguồn gốc, có giả thuyết cho rằng vào năm 917 (tại hạ không rõ con số này lấy ở đâu vì theo Wikipedia thì Bồ Đề Đạt Ma (菩提達磨) sống từ năm 470 đến 543), Bồ Đề Đạt Ma hay Đạt Ma Sư Tổ từ Ấn Độ sang Trung Quốc thuyết pháp và truyền giáo, sau ở lại Trung Sơn, Hà Nam, xây dựng chùa Thiếu Lâm (少林寺), thu nhận đệ tử để tiếp tục công việc truyền giáo. Ông nhận thấy tôn giáo mới đôi khi trái với tín ngưỡng của dân bản xứ nên dẫn đến xung đột. Do vậy các đệ tử của ông vừa lo học Phật pháp vừa phải luyện võ để tự vệ, từ đó lập ra môn phái Thiếu Lâm. Nhiều người xin nhập môn nhưng thể lực kém, không thể luyện võ được, Tổ Sư bèn truyền đạt một phương pháp luyện tập được gọi là Đạt Ma Dịch Cân Kinh (達磨易筋經) để chuyển biến thể lực yếu kém thành mạnh khỏe. Đạt Ma Dịch Cân Kinh được lưu trữ trong Tàng Kinh Các (藏經閣) của Thiếu Lâm Tự, nhưng nay đã thất truyền.

Tuy nhiên lại có giả thuyết khác cho rằng thực sự Dịch Cân Kinh là bộ sách khí công do các đạo gia Trung quốc biên soạn vào cuối đời Minh hay đầu đời Thanh. Lúc mới xuất hiện Dịch Cân Kinh chỉ là một trong hằng trăm bộ sách khí công, không quá siêu việt. Bộ sách này trước năm 1950 chẳng nổi tiếng cho lắm. Nhưng từ khi nhà văn Kim Dung đề cập đến trong “Thiên long bát bộ”, thì bộ kinh này trở thành “thánh kinh”. Như vậy, Dịch Cân kinh ra đời khoảng 1662-1736 và không biết là ai là tác giả, thế nhưng Kim Dung lại cho các nhân vật trong tiểu thuyết là Mộ Dung Bác, Du Thản Chi và Cưu Ma Trí luyện vào đời Bắc Tống (960-1127) và gán cho tác giả là ngài Bồ Đề Đạt Ma của chùa Thiếu Lâm.

Dù thế nào đi nữa, Dịch Cân Kinh là một trong những phương pháp khí công được nhiều người tập luyện nhất. Ưu điểm của Dịch Cân Kinh là đơn giản, dễ tập nhất so với các phương pháp khác và dường như cũng mang lại kết quả mà người ta kỳ vọng.

Hiện nay, trên thế giới lưu hành nhiều phiên bản khác nhau của bộ Dịch Cân Kinh. Tại hạ xin giới thiệu một phiên bản mà tại hạ được học có “sư phụ”.

Bản Dịch Cân Kinh này đã được in thành sách tại Việt Nam trước 1975 và hiện nay cũng đã được phổ biến trên mạng. Tuy nhiên, những gì được phổ biến dường như vẫn thiếu một số bí quyết để có thể tập luyện thành công.

Dịch Cân Kinh tuy có nghĩa là phương pháp luyện gân cốt nhưng thực chất là một phương pháp khí công (氣功) còn gọi là công pháp (功法). “Khí” (氣) là một khái niệm được dùng rộng rãi trong triết học cũng như y học Trung Hoa. Khí là không khí mà con người hít thở. Khí còn có nghĩa là năng lượng, là mặt hoạt động của sự vật.

Trong y học, có một nguyên tắc giữ gìn sức khoẻ, đó là “bế tinh, dưỡng khí, tồn thần”. Tinh, Khí và Thần là được gọi là “tam bảo” (三寶), trong đó Tinh (精) là cơ sở của vật chất, Khí (氣) là hoạt động của vật chất, và Thần (神) là biểu hiện của hoạt động của vật chất.

Người ta cho rằng khí lưu hành theo các “kinh lạc” (經絡), trong đó kinh là những đường thẳng vận chuyển khí, còn lạc là những nhánh phân ra từ kinh. Mạch (脈) là một số thông lộ đặc thù nhằm điều tiết sự vận hành của khí huyết. Có tất cả 12 kinh chính, 12 kinh biệt, 12 kinh cân, 15 lạc và 8 mạch.

Người ta còn cho rằng khí lưu hành theo 2 vòng “Tiểu chu thiên” (小周天) và “Đại chu thiên” (大周天). Tiểu chu thiên (còn gọi là Vòng Nhâm Ðốc Mạch) đi theo hai mạch Nhâm và Ðốc: Nhâm Mạch (任脈) thuộc âm đi dọc phía trước thân ngực, bụng, còn Ðốc Mạch (督脈) thuộc dương đi dọc phía sau lưng, và chạy qua đỉnh đầu. Đại chu thiên thì chạy khắp cả tám mạch. Nhiều trường phái khí công tập vận hành khí theo Tiểu chu thiên.

Có mối quan hệ mật thiết giữa khí-không khí và khí-năng lượng. Đông y gọi đó là mối quan hệ giữa khí hậu thiên (bao gồm cả chất dinh dưỡng từ thực phẩm v.v) và khí tiên thiên: khí hậu thiên nuôi dưỡng khí tiên thiên. Không khí cung cấp oxygen cho mọi hoạt động của cơ thể kia mà! Do đó, luyện khí công trước tiên là luyện thở.

Tuy nhiên, có nhiều quan niệm khác nhau về cách luyện thở. Một số phương pháp đòi hỏi phải thở sâu và chậm, trong khi một số phương pháp lại yêu cầu thở thật nhẹ nhàng. Một số phương pháp yêu cầu thở bằng cả mũi và miệng, trong khi một số phương pháp khác lại yêu cầu chỉ thở bằng mũi. Nhưng nói chung, tất cả các phương pháp khí công đều yêu cầu thở bụng, nghĩa là hạ cơ hoành (hoành cách mô) xuống bằng cách phình bụng ra để hút không khí vào phổi thay vì giãn lồng ngực ra.

Thở bụng dẫn đến một khái niệm khác, đó là Đan Điền (丹田). Hít khí vào và dồn xuống Đan Điền. Đan Điền là nơi người ta tin là một trong số những trung tâm khí lực của cơ thể. Đan Điền trùng với huyệt Khí Hải (氣海), dưới rốn 1,5 thốn (khoảng 3 cm). Không hiểu bằng cách nào mà không khí lại xuống được đến Đan Điền được? Vì khi hít vào, không khí chủ yếu đi vào phổi.

Thế là người ta lại phải vận dụng đến một nguyên tắc khác, đó là “Dụng ý dẫn khí” (用意引氣), nghĩa là dùng ý tưởng để điều khiển khí. Do đó, khi tập khí công, người ta phải tưởng tượng khí chạy ra chỗ này hay chỗ nọ.

Về tác dụng của luyện thở đối với sức khoẻ của con người, nhiều người cho rằng nhờ thở sâu, quá trình trao đổi dưỡng khí (oxygen) triệt để hơn. Tuy nhiên, đừng quên rằng khi thở sâu thì tần số thở chậm lại. Do đó, nếu tính từng lần thở thì số lượng oxygen trao đổi trong cách thở sâu có thể cao hơn so với cách thở bình thường, nhưng nếu tính theo đơn vị thời gian thì số lượng oxygen trao đổi theo cách thở sâu chưa chắc đã cao hơn cách thở bình thường. Vả lại, cách thở bình thường dường như là cách thở tối ưu đối với con người qua quá trình “sàng lọc tự nhiên”.

Theo tại hạ, các phương pháp tập luyện của Đông phương đều nhằm giúp cho cơ thể con người thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt đe doạ đến sức khoẻ và sinh mạng của con người. Do đó, các phương pháp khí công cũng như Yoga đều nhằm giúp cho cơ thể con người, nhất là hệ thần kinh, làm quen với điều kiện thiếu oxygen. Những bậc thượng thừa về Yoga có thể sống sót với một lượng rất ít oxygen trong hòm, khi bị chôn dưới đất cả tuần lễ. Nhờ đó, con người vẫn sống khoẻ bất chấp điều kiện thiếu oxygen mà con người ngày nay thường xuyên phải đối mặt.

Trên đây là một số khái niệm cơ bản, thường được nghe nói đến khi học khí công. Trong phần sau tại hạ sẽ đề cập đến những nguyên tắc cơ bản khi tập khí công theo phương pháp Dịch Cân Kinh tại hạ muốn giới thiệu.

(còn tiếp)
Nguyễn Trọng Khiêm HB3

1 nhận xét :

cang5551nguyencang@gmail.com nói...

Có cơ sở. Rất hay! Tiếp nghe. Anh cám ơn nhiều. Ước mong có nhiều anh em vào mục này để biết và áp dụng!

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.