Tập Khí công với Dịch Cân Kinh (3)

KHỞI CÔNG



Khởi động còn gọi là khởi công. Theo sư phụ của tại hạ, giai đoạn khởi công rất quan trọng. Những người bỏ qua giai đoạn này tập thường ít có kết quả. Thật ra, giai đoạn khởi công nhằm kích thích toàn bộ cơ thể hoạt động, tích nạp đủ oxygen cho các bộ phận, chuẩn bị cho các bộ phận trong cơ thể tập “bị thiếu oxygen”. Giai đoạn khởi công càng quan trọng nếu chúng ta tập Dịch Cân Kinh ngay sau khi vừa mới ngủ dậy.

Khởi công gồm có hai phần: làm nóng toàn thân và ổn định hơi thở.

A. Làm nóng toàn thân:

Phần đầu mặt:

- Dùng tay làm lược chải đầu từ trước ra sau. Trước ở giữa rồi dần ra hai bên tai.

- Dùng các đầu ngón tay miết trán từ giữa ra hai bên thái dương.

- Dùng ngón trỏ và ngón cái bóp hai lông mày từ trong ra ngoài.

- Dùng hai ngón trỏ miết dọc 2 bên sống mũi, từ trên xuống.

- Dùng hai tay xoa bóp vùng má và miệng.

- Dùng hai tay vuốt cổ từ sau ra trước và từ trên xuống.

Phần ngực bụng:

- Dùng hai lòng bàn tay vuốt ngực và bụng từ giữa ra hai bên, di chuyển từ trên xuống dưới.

Phần tay chân:

- Nắn bóp tay từ vai xuống bàn tay.

- Xoay lắc cổ bàn tay.

- Vê các ngón tay.

- Nắn bóp chân từ đùi xuống bàn chân.

- Lắc cổ chân.

- Vê các ngón chân.

Làm mỗi động tác trên vài lần. Có thể kết hợp vươn vai, vặn mình và co giuỗi tay chân vài cái.

B. Ổn định hơi thở:

Ngồi kiểu kiết già 結跏 (hay hoa sen). Ngồi xếp bằng tự nhiên, dùng hai bàn tay nắm bàn chân phải từ từ gấp chân lại và đặt bàn chân lên đùi trái, gót chân ép sát bụng, lòng bàn chân ngửa lên trời. Kế tiếp dùng hai bàn tay nắm bàn chân trái gấp lại, đặt bàn chân trái lên đùi phải, kéo nhẹ gót chân vào sát bụng, bàn chân ngửa lên trời (xem hình). Hoặc nếu không tập được ngồi kiểu kiết già, chư huynh đệ có thể ngồi xếp bằng (còn gọi là bán kiết già 半結跏), tức là gác chân phải lên trên chân trái hoặc gác chân trái lên trên chân phải. Nhưng tốt nhất là ngồi kiểu kiết già.


Thân thẳng. Mặt nhìn thẳng ra phía trước. Mắt nhìn vào một điểm nào đó thẳng phía trước. Hai tay có thể để giữa lòng với hai đầu ngón cái chạm nhau, nếu chân phải gác trên chân trái thì bàn tay phải để ngửa trên lòng bàn tay trái, còn nếu chân trái gác trên chân phải thì bàn tay trái để ngửa trên lòng bàn tay phải. Hai tay cũng có thể để trên hai đầu gối, lòng bàn tay ngửa lên, đầu ngón tay trỏ và đầu ngón tay cái chạm vào nhau.


Việc hai đầu ngón cái hoặc đầu ngón cái và đầu ngón trỏ chạm nhau là rất quan trọng, vì theo giải thích của sư phụ tại hạ là nhằm khép kín vòng âm dương.

Thở bụng. Hít thở 2 thì bằng nhau. Chậm rãi và nhẹ nhàng hít vào, dồn khí xuống Đan Điền, rồi cũng chậm rãi và nhẹ thàng thở ra. Nhớ chỉ hít thở bằng mũi. Càng nhẹ càng chậm thì càng tốt. Đừng quên quặt lưỡi ra sau, mặt dưới chạm vòm miệng. Hít thở 49 lần là được. Thật ra tại hạ không tin gì vào con số 49, nhưng có thể sử dụng nó như một cái “cữ” cho dễ tính.

Như vậy là chúng ta đã sẵn sàng bước vào các thế tập.

(Còn tiếp)
Nguyễn Trọng Khiêm HB

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.