Tập Khí công với Dịch Cân Kinh (2)

NHỮNG ĐIỀU CƠ BẢN KHI TẬP DỊCH CÂN KINH


1) Về hít thở:

- Hít thở thật nhẹ nhàng và chậm rãi. Càng nhẹ nhàng và càng chậm thì càng tốt. Trong khi tập, tại hạ vẫn nghe sư phụ luôn miệng nhắc nhở “phải hít thở như em bé”. Tuy nhiên, đừng ráng sức kéo dài thời gian hơi thở, hãy thở một cách tự nhiên.

- Sử dụng cách thở 2 thì. Hít vào rồi thở ra. Chỉ nín thở khi di chuyển tay (hoặc chân) qua thế mới. tại hạ có hỏi tại sao không dùng cách thở 3 thì (hít-nín-thở) cho toàn bộ quá trình thay vì chỉ khi chuyển thế. Nhưng sư phụ không trả lời. Có lẽ sử dụng thì “nín” không đúng cách giữa 2 thì “hít” và “thở” sẽ rất nguy hiểm chăng? Một số phương pháp luyện khí công rất coi trọng thì “nín” này. Tiến bộ của người tập được đánh giá qua thời gian nín được. Tuy nhiên phải có người hướng dẫn nhiều kinh nghiệm theo dõi sít sao, nếu không sẽ dễ bị “tẩu hoả nhập ma” (tổn thương tế bào não do thiếu oxygen). Không tin, quý chư huynh cứ thử hít vào thật sâu rồi nín thở thật lâu thử xem cảm giác như thế nào. Nói vậy thôi. Đừng có thử!

- Thời gian hít vào và thở ra phải bằng nhau. Yếu tố đều đặn và cân đối trong phương pháp này rất quan trọng. Nó sẽ tạo cho cơ thể một nhịp điệu, giúp ổn định thần kinh.

- Hít thở đều bằng mũi. Một lý do được nêu ra là khi thở ra hơi ấm của khí thở ra làm ấm khoang mũi và nhờ đó làm ấm khí hít vào.

- Thở bụng. Hạ hoành cách mô xuống (phình bụng ra) để hút không khí vào. Nhớ là phải làm một cách nhẹ nhàng và chậm rãi. Khi hít vào, nhớ tưởng tượng đang dồn khí xuống Đan Điền. Thật ra, chỉ tưởng tượng dồn khí xuống Đan Điền là hoành cách mô sẽ tự động kéo xuống.

Một điều có thể được coi là bí quyết, đó là khi hít thở lưỡi phải quặt ra sau, mặt dưới chạm vòm miệng. Người ta giải thích mục đích là để nối liền Đốc Mạch và Nhâm Mạch. Nhưng theo tại hạ, khi quặt lưỡi lại, dường như nắp khí quản sẽ đóng xuống, cản bớt không khí vào khí quản. Nên nhớ, như tại hạ đã nói, luyện thở thực chất là giúp cơ thể thích nghi với điều kiện thiếu oxygen.

Nói tóm lại, trong phương pháp Dịch Cân Kinh này, thở bụng, bằng mũi và phải thật đều đặn, nhẹ nhàng và chậm rãi hết sức có thể, sao cho lượng không khí vào phổi càng ít càng tốt. Tuy nhiên, phải cẩn thận đừng nôn nóng, nếu không sẽ bị “tẩu hoả nhập ma”. Không doạ đâu!

2) Về động tác:

Mục đích các động tác còn gọi là chuyển gân, theo tại hạ, nhằm làm tăng nhu cầu oxygen cục bộ, đặc biệt ở đầu các chi. Có hai loại động tác: di chuyển tay (và trong một thế là cả chân) và chuyển gân tưởng tượng.

Tay (hoặc chân) thay đổi vị trí khi chuyển từ thế này qua thế khác. Chú ý các chuyển động này phải thật nhẹ nhàng, không ráng sức. Khi di chuyển tay (hoặc chân) thì phải nín thở. Thì nín này nằm giữa thì hít vào và thì thở ra. Nghĩa là hít vào, nín thở đồng thời di chuyển tay đến vị trí mới, rồi thở ra. Thì nín này cũng phải dài bằng thì hít vào hay thì thở ra.

Chuyển gân tưởng tượng. Trong mỗi thế, khi hít vào đều phải tưởng tượng đang ra sức làm một động tác nào đó như nhổ một cái gì lên chẳng hạn. Hãy nhớ các động tác chuyển gân này chỉ là tưởng tượng, không làm trên thực tế. Sư phụ tại hạ còn nhắc đồng thời với chuyển gân cũng cần nhíu hậu môn lại. Thú thật tại hạ chưa bao giờ làm được thao tác này.

3) Về tư thế:

Tất cả các thế đều thực hiện ở tư thế đứng. Thân thẳng. Mặt quay về hướng mặt trời và nhìn thẳng phía trước. Hai vai ngang đều nhau. Tốt hơn cả là nên tập trước một cái gương để bảo đảm hai vai và hai tay được cân bằng.

Đứng tấn: Trong hầu hết các thế, người tập đều đứng thẳng, hai bàn chân đặt song song (không phải hình chữ V như trong một số phương pháp khác). Sư phụ giải thích rằng để hai bàn chân song song như vậy sẽ giúp mở hậu môn. Hai bàn chân cách nhau khoảng 40 cm. Đầu gối hơi chùng xuống. Các ngón chân bấu xuống sàn.

4) Thời gian tập:

Tốt hơn cả là tập vào sáng sớm. Có người còn cho rằng cần phải bắt đầu tập vào lúc 0 giờ, tin rằng đó là thời điểm dương khí bắt đầu sinh trưởng.

Thực ra, có thể tập bất kỳ lúc nào, trừ sau khi ăn no hoặc làm việc mệt.

Về thời lượng tập, khoảng từ một đến hai giờ đồng hồ là OK.

5) Trang phục:

Nói chung cần ăn mặc rộng rãi. Đặc biệt không nên thắt lưng quá chặt. sư phụ có nói rằng để hở Đan Điền càng tốt. Có thể ở trần, nhưng tại hạ không nghe sư phụ nói là có được ở truồng hay không. Mùa lạnh đương nhiên không nên trần truồng chút nào. Chú ý tránh luồng gió.

(Còn tiếp)
Nguyễn Trọng Khiêm HB3

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.