Tập Khí công với Dịch Cân Kinh (5)

12 THẾ DỊCH CÂN KINH


THẾ THỨ I
LỰC ÁN THIÊN CÂN (LỰC ẤN NGHÌN CÂN)

Tư thế:

Ðứng tấn. Thẳng người, đầu và mắt hơi chếch lên, hai chân dang rộng bằng khoảng cách hai vai. Giữ cho hai vai ngang bằng. Hai tay để xuôi, hơi cong nơi cùi chỏ, lòng bàn tay úp xuống, đặt ở hai bên hông phía dưới thắt lưng, các ngón tay khép khít lại và chìa ra phía trước (Xem hình).

Động tác:

- Hít hơi vào, đồng thời tưởng tượng từ từ nhếch các ngón tay ngược lên và ấn gót bàn tay xuống.

- Thở hơi ra, đồng thời tưởng tượng từ từ nhả sức và thả lỏng bàn tay.

Thực hiện động tác này 49 lần.

Lưu ý:

- Xin nhắc lại cách đứng tấn: đứng thẳng, hai bàn chân đặt song song cách nhau khoảng 40 cm. Đầu gối hơi chùng xuống. Các ngón chân bấu xuống sàn.

- Xin nhắc lại cách thở: Hít thở bằng mũi một cách đều đặn, chậm rãi và nhẹ nhàng, không ráng sức. Thở bụng bằng cách hạ cơ hoành xuống (phình bụng ra) để hút không khí vào và tưởng tượng đang dồn khí xuống Đan Điền, rồi ép bụng lại để đẩy không khí ra. Khi hít thở lưỡi phải quặt ra sau, mặt dưới chạm vòm miệng.

- Ngoài ra cần lưu ý quý chư huynh là các động tác chuyển gân như nhếch các ngón tay lên... thì không thực hiện trong thực tế, chỉ tưởng tượng mà thôi. Đây là cách “dụng ý dẫn khí” như đã nói trong phần 1.

THẾ THỨ II
KIM CƯƠNG THỦ QUAN (KIM CƯƠNG GIỮ CỬA)

Tư thế:

Tiếp tục đứng tấn. Từ tư thế thứ nhất, hai khuỷu tay hơi gập, các ngón tay nắm lại, riêng ngón cái chìa ra chỉ vào mình và nhếch lên. Lòng bàn tay hướng về phía sau. (Xem hình)

Động tác:

- Hít hơi vào, đồng thời tưởng tượng từ từ nhếch ngược ngón cái lên và siết chặt các ngón khác lại.

- Thở hơi ra, đồng thời tưởng tượng từ từ nhả sức và thả lỏng bàn tay.

Thực hiện 49 lần.

THẾ THỨ III
SONG TỶ LÃM NGUYỆT (HAI TAY KÉO TRĂNG)

Tư thế:

Tiếp tục đứng tấn. Từ tư thế thứ hai, hai bàn tay nắm lại, ngón cái đặt ở bên trong các ngón khác bọc bên ngoài, hổ khẩu hướng ra trước. (Xem hình)

Động tác:

- Hít hơi vào, đồng thời tưởng tượng từ từ siết chặt các ngón tay lại.

- Thở hơi ra, đồng thời tưởng tượng từ từ nhả sức và thả lỏng các ngón tay.

Thực hiện 49 lần.

Lưu ý:

- Khi nắm tay lại, ngón cái có thể để bên ngoài hoặc bên trong các ngón tay khác. Tuy nhiên, cách nắm để ngón cái ở bên trong các ngón tay khác, người xưa mệnh danh là pháp “ác cố”, được ưa chuộng hơn, vì theo sư phụ, cách này giống với cách trẻ sơ sinh nắm chặt tay. Sư phụ tại hạ luôn miệng nhắc nhở: “Phải giống như trẻ sơ sinh.” Động tác thở và động tác chuyển gân đều phải thực hiện nhẹ nhàng như trẻ sơ sinh.

- Hổ khẩu là mặt bàn tay tạo ra khi ngón cái và ngón trỏ nắm lại.

THẾ THỨ IV
HOÀI TRUNG BÃO NGUYỆT (ÔM TRĂNG VÀO LÒNG)

Tư thế:

Vẫn đứng tấn. Từ tư thế thứ ba, hai cánh tay đưa lên phía trước mặt ở độ cao bằng tầm vai và khuỷu tay hơi gập lại, giống như đang ôm một vật hình tròn. Hai nắm tay vẫn nắm lại như cũ để cách xa nhau bằng khoảng cách hai vai, hổ khẩu hướng lên phía trên. Hai mắt nhìn thẳng vào hai nắm tay. (Xem hình).

Động tác:

- Hít hơi vào, đồng thời tưởng tượng từ từ duỗi thẳng hai cánh tay ra và siết chặt nắm tay lại.

- Thở hơi ra, đồng thời tưởng tượng từ từ co cánh tay lại, nhả sức và thả lỏng các ngón tay.

Thực hiện 49 lần.

THẾ THỨ V
BÁ VƯƠNG CỬ ĐỈNH (BÁ VƯƠNG NÂNG VẠC)

Tư thế:

Tiếp tục đứng tấn. Từ tư thế thứ tư, đưa hai nắm tay lên cao quá đầu, và cách xa nhau bằng khoảng cách hai vai. Hai cánh tay duỗi thẳng và không để chạm vào đầu. Hổ khẩu xoay ra phía sau, hai lòng bàn tay hướng vào nhau. (Xem hình)

Động tác:

- Hít hơi vào, đồng thời tưởng tượng từ từ siết chặt nắm tay và nhón gót chân lên.

- Thở hơi ra, đồng thời tưởng tượng từ từ nhả sức thả lỏng bàn tay và hạ gót xuống.

Thực hiện 49 lần.

THẾ THỨ VI
TIÊN ĐỒNG BỔNG LIÊN (TIÊN ĐỒNG NÂNG HOA SEN)

Tư thế:

Tiếp tục đứng tấn. Từ tư thế thứ năm, hạ hai nắm tay xuống thấp, đặt cách hai tai khoảng 1 tấc (3,3 cm), hổ khẩu xoay xuống phía bả vai. Khuỷu tay gấp lại hướng ra ngoài, hai cánh tay trên nằm ngang với vai. Mắt nhìn thẳng phía trước. (Xem hình)

Động tác:

- Hít hơi vào, và đồng thời tưởng tượng từ từ siết chặt nắm tay và di chuyển cùi chỏ ra sau.

- Thở hơi ra, và đồng thời tưởng tượng từ từ nhả sức, thả lỏng tay nắm tay và chuyển cùi chỏ về vị trí cũ.

Thực hiện 49 lần.

THẾ THỨ VII
ĐẠI BẰNG TRIẾN SÍ (ĐẠI BÀNG DANG CÁNH)

Tư thế:

Tiếp tục đứng tấn. Từ tư thế thứ sáu, hai tay dang rộng thẳng qua hai bên ngang tầm vai. Bàn tay khẽ nắm lại, hổ khẩu hướng kên trên. (Xem hình)

Động tác:

- Hít hơi vào, và đồng thời tưởng tượng từ từ siết chặt nắm tay và hơi nhấc các ngón chân lên, lúc này trọng lực dồn xuống gác gót chân, ngực hơi ưỡn ra trước và hai tay hơi dạt ra sau.

- Thở hơi ra, và đồng thời tưởng tượng từ từ nhả sức thả lỏng các nắm tay, hạ các ngón chân xuống, ngực và hai cánh tay trở về vị trí cũ.

THẾ THỨ VIII
KIM CƯƠNG THÂN TÝ (KIM CƯƠNG DUỖI TAY)

Tư thế:

Tiếp tục đứng tấn. Từ tư thế thứ bảy, hai cánh tay đưa ngang ra phía trước mặt. Hai nắm tay vẫn nắm lại như cũ, hổ khẩu hướng lên phía trên. Hai mắt nhìn thẳng vào hai nắm tay. Tư thế này giống tư thế thứ tư, chỉ khác ở chỗ là ở thế này, hai cánh tay giang thẳng và hai nắm tay chỉ cách nhau bằng 1/2 chiều rộng hai vai. (Xem hình)

Động tác:

- Hít hơi vào, và đồng thời tưởng tượng từ từ siết chặt nắm tay và đưa nắm tay trái qua trái, nắm tay phải qua phải.

- Thở hơi ra, và đồng thời tưởng tượng từ từ nhả sức và thả lỏng hai tay.

Thực hiện 49 lần.

THẾ THỨ IX
ĐOAN BẢO HIẾN PHẬT (DÂNG NGỌC QUÝ LÊN PHẬT)

Tư thế:

Tiếp tục đứng tấn. Từ tư thế thứ tám, hai tay thu về đặt gần hai bên cạnh miệng. Không chạm vào mặt, hổ khẩu xoay lên trên. (Xem hình)

Động tác:

- Hít hơi vào, và đồng thời tưởng tượng từ từ siết chặt nắm tay và hai tay đang kéo một vật nặng lên.

- Thở hơi ra, và đồng thời tưởng tượng từ từ nhả sức và thả lỏng hai tay.

Thực hiện 49 lần.

THẾ THỨ X
BÁ VƯƠNG THÁC ĐỈNH (BÁ VƯƠNG NÂNG VẠC)

Tư thế:

Tiếp tục đứng tấn. Từ tư thế thứ chín, mở rộng hai cánh tay qua hai bên và khuỷu tay tạo thành góc vuông, cẳng tay trên ngang bằng với vai. Hổ khẩu quay về phía hai tai. (Xem hình)

Động tác:

- Hít hơi vào, và đồng thời tưởng tượng từ từ siết chặt nắm tay và đỡ một vật nặng rơi xuống.

- Thở hơi ra, và đồng thời tưởng tượng từ từ nhả sức và thả lỏng hai tay.

Thực hiện 49 lần.

THẾ THỨ XI
LA HÁN BÃO ĐỖ (LA HÁN ÔM BỤNG)

Tư thế:

Tiếp tục đứng tấn. Từ tư thế thứ mười, hạ hai nắm tay xuống, lòng nắm tay hướng vào bụng dưới gần rốn, không để chạm vào mình. (Xem hình)

Động tác:

- Hít hơi vào, và đồng thời tưởng tượng từ từ siết chặt nắm tay và hai tay đang kéo vật nặng lên.

- Thở hơi ra, và đồng thời tưởng tượng từ từ nhả sức và thả lỏng hai tay.

Thực hiện 49 lần. 

Sau đó, hớp một ngụm không khí và nuốt xuống (cùng nước miếng), tưởng tượng nuốt xuống “Đan Điền”. Làm ba (3) lần.

THẾ THỨ XII
LỰC THÁC THIÊN CÂN (SỨC ĐỠ NGHÌN CÂN)


Đây là thế “Thu Công”. Thế này luôn luôn được thực hiện sau mỗi buổi tập.

Tư thế:

Tiếp tục đứng tấn. Từ tư thế thứ mười một, hai tay buông xuôi theo thân mình, lòng bàn tay xoay về phía trước, ngón tay chỉa xuống dưới.

Động tác 1:

- Hít hơi vào, và đồng thời hai tay đưa thẳng song song lên phía trước, bàn tay để ngửa như đang nâng một vật nặng lên. Lúc này hai gót chân cũng từ từ nhấc lên để hỗ trợ hai tay nâng vật nặng lên. Khi hai tay nâng lên tới ngang tầm vai thì ngừng. (Xem hình)

- Thở hơi ra, đồng thời xả khí lực, từ từ hạ tay và gót chân xuống vị trí ban đầu.

Thực hiện 3 (ba) lần.

Động tác 2:

- Hít hơi vào, và đồng thời đưa thẳng hai tay lên ra phía trước, cùng lúc nắm hai bàn tay lại.

- Thở hơi ra, và đồng thời bung xoè hai nắm tay ra và thả hai cánh tay xuống vị trí ban đầu.

Thực hiện 3 (ba) lần.

Động tác 3:

Đứng tấn. Hai cánh tay buông thõng xuống. Co chân trái lên, rồi đạp xuống ba (3) cái (không chạm đất). Co chân phải lên, rồi đạp xuống ba (3) cái (không chạm đất).

Động tác 4:

- Hai bàn tay ngửa, chụm các đầu ngón tay của hai bàn tay sát nhau ở vị trí huyệt “Đan Điền”. Hít hơi vào, và đồng thời từ từ đưa hai bàn tay lên ngang ngực.

- Lật úp 2 bàn tay ở vị trí ngang ngực. Thở hơi ra, và đồng thời hạ 2 bàn tay xuống vị trí huyệt “Đan Điền”, rồi lật ngửa hai bàn tay lại.

Thực hiện 10-20 lần.

Động tác 5:

- Ngồi kiết già hoặc bán kiết già và ổn định hơi thở như trong công đoạn “Khởi Công”.

LƯU Ý:

- Trong một buổi tập, không nhất thiết phải tập đủ 12 thế. Thời gian đầu khi chưa thuộc các thế, quý chư huynh có thể chỉ tập một hoặc hai thế đầu, rồi thêm dần các thế sau theo thời gian. Tuy nhiên, dù tập bao nhiêu thế, thì trong mỗi buổi tập đều phải có phần “Khởi Công” và “Thu Công”.

- Mặc dù mỗi thế đều ghi thực hiện 49 lần, nhưng quý chư huynh, tuỳ tình hình thời gian và sức khoẻ, có thể giảm số lần xuống.

- Nếu kiên trì tập luyện, sau một thời gian, phương pháp luyện khí công này chắc chắn sẽ mang lại cho chúng ta nhiều ích lợi về sức khoẻ thể xác và cả tinh thần. Sư phụ của tại hạ trước đây là một lính biệt kích được thả xuống miền bắc trong chiến tranh. Bị bắt và bị giam cầm ở nhiều nhà tù khắc nghiệt khác nhau suốt 25 năm trời. Khi được thả ra, sư phụ suy sụp toàn diện cả về thể xác và tinh thần. Sau khi tập luyện phương pháp khí công này, sư phụ đã trở lại bình thường và thậm chí còn tốt hơn cả bình thường cả về thể xác lẫn tinh thần.

- Đây là một trong số những phương pháp luyện công có tên chung là “Dịch Cân Kinh”. Ở một số tài liệu, phương pháp này được gọi là “Nga My Hồng Môn Dịch Cân Kinh” để phân biệt với các loại “Dịch Cân Kinh” khác. Sau đó, người ta còn bổ sung thêm phần hai và ba, mỗi phần gồm 5 thế. Có dịp, tại hạ sẽ giới thiệu các phần này với quý chư huynh.

Nguyễn Trọng Khiêm HB3

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.